Giáo dục

Để chặn “loạn” SGK cần phát động cuộc thi viết SGK trong giáo viên

“Nên chăng phát động cuộc thi viết sách giáo khoa (SGK) trong giáo viên phổ thông để chương trình SGK không bị hàn lâm, giáo sư hóa, tiến sĩ hóa. Nếu quá nhiều bộ SGK thì rất khó quản lý, dễ dẫn đến loạn SGK”, ĐBQH Cao Đình Thưởng nói.

Chương trình SGK quá nặng, học sinh khó tiếp thu

Sáng 15/11, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về luật Giáo dục (sửa đổi).

Nhiều ĐBQH đặc biệt quan tâm đến vấn đề về SGK. Về chương trình SGK, ĐBQH Thưởng khẳng định, cần phải rà soát điều chỉnh kỹ lưỡng. SGK phải được thẩm định chặt chẽ, nội dung tinh gọn, mang bản sắc Việt Nam và hiện đại theo chuẩn quốc tế. Chương trình phổ thông phải hiện đại, dễ hiểu, dễ dạy, dễ học.

Người viết SGK phải thực sự giỏi và am hiểu sâu sắc về nội dung, chương trình và tâm lý sư phạm.

“Nên chăng phát động cuộc thi viết SGK trong giáo viên phổ thông để chương trình SGK không bị hàn lâm, giáo sư hóa, tiến sĩ hóa.

Nếu quá nhiều bộ SGK thì rất khó quản lý, khó lựa chọn, khó dạy một cách thống nhất và rất dễ dẫn đến loạn SGK. Lúc ấy, giáo dục sẽ vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Hậu quả là khôn lường”, ĐBQH Cao Đình Thưởng nói.

ĐBQH Cao Đình Thưởng đề nghị nên phát động cuộc thi viết SGK trong giáo viên phổ thông để chương trình SGK không bị hàn lâm

Vị ĐBQH tỉnh Phú Thọ cũng cho rằng: “Chương trình SGK quá nặng, học sinh khó tiếp thu. Chúng ta hình như đang phức tạp hóa các vấn đề đơn giản. Ví dụ học sinh lớp 1 chỉ cần đạt mục tiêu biết đọc, biết viết, học sinh phổ thông chỉ cần học kiến thức phổ thông, chúng ta đang hàn lâm hóa kiến thức đó. Những điều rất đơn giản trở thành rất phức tạp cho nên học sinh khó tiếp thu”.

Cũng nhấn mạnh về vấn đề SGK, ĐBQH Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) đề nghị cần quy định cụ thể vào dự thảo Luật dung lượng, nội dung địa phương biên soạn.

Đại biểu đồng tình quy định mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa nhưng đề nghị nghiên cứu cụ thể quy định về tiêu chí lựa chọn SGK, quy trình thẩm định cụ thể, chi tiết hơn.

Đồng tình với ĐBQH Cao Đình Thưởng, ĐBQH Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An) đề nghị quy định thống nhất chương trình SGK trong cả nước để đảm bảo việc dạy và học thống nhất.

Cần xem lại quy định về thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK

ĐBQH Hồ Thanh Bình (An Giang) đề nghị thành lập hội đồng quốc gia để thẩm định chương trình SGK. Tuy nhiên, phải xem xét kỹ mỗi môn học có một chương trình hay nhiều chương trình SGK.

Cụ thể, theo ông, cần quản lý chặt chẽ việc biên soạn SGK và sách tham khảo. Việc biên soạn SGK phải đảm bảo nội dung trong sáng, tích cực, gần gũi thực tiễn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện và đặc biệt là có định hướng giáo dục chân – thiện – mỹ cho học sinh.

Việc đưa vào SGK những nội dung trích dẫn không đúng, làm sai lệch bản gốc của các sáng tác hoặc nội dung gây hiểu lầm về ý nghĩa giáo dục, thậm chí sai chính tả là không được.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, bộ GD&ĐT cần có trách nhiệm và vai trò chủ đạo trong việc biên soạn SGK.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo (Bắc Ninh) nêu quan điểm về vấn đề SGK đã thẳng thắn nhìn nhận, cần cải cách phương thức xây dựng SGK. Theo đó, SGK với những môn học ở cấp THCS trở xuống phải có kiến thức cơ bản, mang tính nền tảng, hệ thống, có mức ổn định tối thiểu từ 3-5 năm chứ không thể thay đổi hằng năm như hiện nay.

Đối với các môn học cấp THPT trở lên mang tính lựa chọn, định hướng nghề nghiệp thì kiến thức SGK các môn học của cấp học này phải khác cấp THCS trở xuống.

Cụ thể, cần truyền đạt được kiến thức về kinh tế xã hội, cập nhật liên tục với sự phát triển của các ngành, các lĩnh vực. Vì thế, SGK ở cấp học này phải đáp ứng yêu cầu tối thiểu về kiến thức cơ bản của từng môn học và những nội dung cập nhật để giành quyền chủ động, linh hoạt với giáo viên thông qua việc đưa ra các ví dụ thực tế, các tình huống, số liệu. Ngoài ra, giáo viên có thể lựa chọn thêm các tài liệu tham khảo để bổ sung kiến thức cơ bản trong SGK.

"Cần quy định rõ trong luật về các điều kiện để được điều chỉnh SGK và quy định chặt chẽ về quyền, trình tự, thủ tục, điều chỉnh SGK.

Ngoài ra cần xem lại quy định về thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK. Do việc biên soạn SGK có vai trò hết sức quan trọng, quyết định nội dung, kiến thức của từng chương trình học đòi hỏi chuyên môn cao, có tính hệ thống. Bộ GD&ĐT cần có trách nhiệm và vai trò chủ đạo trong việc biên soạn SGK chuẩn cho hệ thống giáo dục quốc dân", ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh.