Kinh tế vĩ mô

Đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh: Cần quy định rõ giải pháp về vốn

Đại diện WB cho biết, chính sách tiếp cận nguồn vốn trong đề án cần được quy định rõ, trong đó khuyến khích sự tham ra đầu tư của tư nhân với những cơ chế rõ ràng.

Chiều 29/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội thảo tham vấn tổ chức Quốc tế và tổ chức tín dụng trong nước về Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam.

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Trần Thanh Nam chia sẻ, trong những năm qua, ngành lúa gạo nước ta không ngừng phát triển với nhiều giống mới chất lượng cao, hạ tầng được đầu tư đồng bộ, nhiều doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại vào chế biến, thương mại. Trong khâu sản xuất, lúa gạo cũng đã có những chuyển đổi tích cực theo hướng bền vững hơn, áp dụng các quy trình canh tác bền vững.

 Toàn cảnh hội thảo.

"Những thành tựu trên có được nhờ sự hỗ trợ lớn đến từ các tổ chức quốc tế và các tổ chức tín dụng trong nước hỗ trợ tín dụng cho người sản xuất và các doanh nghiệp vay đầu tư nhà máy chế biến lúa gạo", ông Nam cho hay.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam chia sẻ, mục tiêu của đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao là nhằm chuyển đổi căn bản hệ thống sản xuất lúa ở các tỉnh khu vực ĐBSCL. Song song với đó là góp phần giúp thay đổi với tư duy sản xuất của nông dân ĐBSCL gắn với giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Báo cáo về để án, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt chia sẻ: "Năng suất lúa ở ĐBSCL hiện đạt khoảng 6,2 tấn/ha, đây là mức năng suất cao trên thế giới, khả năng gia tăng năng suất và sản lượng lúa của Việt Nam sẽ giảm dần do gần chạm ngưỡng năng suất và sản lượng".

Theo ông Tùng, với 1 triệu ha lúa trong đề án là thực hiện đa mục tiêu, mục tiêu đầu tiên là phải thích ứng được với biến đổi khí hậu. Mục tiêu thứ hai là giảm lượng khí mê tan do canh tác lúa gây ra, đồng thời góp phần đảm bảo an ninh lương thực của Việt Nam. 

Để thực hiện các mục tiêu này, việc canh tác lúa cần phải tuân thủ theo quy trình sản xuất tốt, chẳng hạn “1 phải, 5 giảm” - phải sử dụng giống lúa xác nhận, 5 giảm: Nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống, thất thoát sau thu hoạch. 

Đây là những thách thức lớn đối với ngành hàng lúa gạo đặc biệt là lúa gạo ở ĐBSCL, do đó, cần có sự tham gia tích cực của người nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp.

Ưu tiên phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa đồng bộ sản xuất lúa (Ảnh: Hữu Thắng).

Một trong những giải pháp được ông Tùng đưa ra là ưu tiên phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, xác lập các mô hình cơ giới hóa đồng bộ sản xuất lúa; ứng dụng hệ thống quản lý minh bạch cho chuỗi giá trị lúa gạo; ứng dụng công nghệ sử dụng, tái chế phụ phẩm lúa gạo (rơm rạ, trấu) và chế biến sâu từ nguyên liệu cám, gạo.

Chia sẻ ý kiến về đề án ông Cao Thăng Bình - chuyên gia của World Bank (WB) cho rằng, đề án cần quy định rõ thêm giải pháp về vốn, trong đó khuyến khích sự tham gia đầu tư của tư nhân với các cơ chế rõ ràng. Cơ chế, chính sách tiếp nhận các nguồn vốn từ các quỹ khí hậu, quỹ carbon, quỹ nông thôn cũng cần nêu rõ. Nhất là cơ chế chi trả carbon, quy định rõ phần nào cho tái đầu tư, phần nào cho người sản xuất.

Phía đại diện Ngân hàng Agribank cho biết: "Đối với ĐBSCL có đến 80% dư nợ của nông thôn nông nghiệp dành cho lúa gạo. Ngân hàng đã thành lập được nhiều tổ vay vốn để truyền tải vốn đến các nông hộ. Ủng hộ đề án và coi đây là cơ hội đóng góp và mở rộng dự án.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng gặp những khó khăn nhất định, đối với các đối tượng này luôn cần ưu tiên lãi suất thấp nhất do đó, ngân hàng gặp những bất cân đối về vốn và lãi suất. Do đó, chúng tôi mong muốn kết hợp với các đối tượng quốc tế để cho vay theo chuỗi nông nghiệp, nông thôn nhằm đạt hiệu quả cao và giải quyết được các vướng mắc cho ngân hàng".