Hồ sơ doanh nghiệp

Chủ tịch Vietnam Airlines: Hàng không đã đi qua giai đoạn khó nhất

Trên đà phục hồi và sự khởi sắc rõ rệt trong kinh doanh, mục tiêu lớn của Vietnam Airlines trong năm 2024 là giảm lỗ còn lại, tiến tới cân đối được thu chi.

Sáng 21/6, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines; HoSE: HVN) tổ chức Đại hội đồng cổ đông năm 2024.

Trình bày báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2023 tại đại hội, ông Lê Hồng Hà - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết năm 2023, ngành hàng không tiếp tục đứng trước nhiều trở ngại đến từ xung đột địa chính trị làm đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nhiên liệu duy trì ở mức cao trên 105 USD/thùng, lãi suất và tỉ giá biến động bất lợi.

Đối với nội địa, kinh tế trong nước tăng trưởng chậm lại dẫn đến sự suy yếu về nhu cầu đi lại trong năm nay. Đối với quốc tế, thị trường trọng điểm là Đông Bắc Á phục hồi chậm hơn kỳ vọng. Điểm sáng là thị trường Australia, Ấn Độ tăng trưởng tích cực, thị trường Đông Nam Á phục hồi mạnh mẽ.

Trên đà phục hồi chung của toàn ngành, Vietnam Airlines đã đạt được những kết quả sản xuất kinh doanh đáng chú ý trong năm 2023. Vietnam Airlines Group đã vận chuyển hơn 24,1 triệu lượt hành khách và 230.000 tấn hàng hóa, tăng lần lượt 16,4% và 5,8% so sánh cùng kỳ. Kết quả khai thác khả quan giúp Vietnam Airlines đạt 93.265 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, cao hơn cùng kỳ năm 2022 gần 30% và tiệm cận mức đỉnh năm 2019. Mức lỗ hợp nhất trước thuế giảm 5.583 tỷ đồng, giảm một nửa so với năm 2022.

Dù năm 2023 vẫn “ngụp lặn” trong “cơn bão” thua lỗ song điểm tích cực có thể nhìn thấy, Vietnam Airlines đã đưa mức lỗ về thấp nhất trong 4 năm qua.

Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà giải trình tại đại hội. 

Trong năm 2024, CEO của Hãng hàng không quốc gia cho biết, đối với thị trường quốc tế, hãng sẽ mở rộng mạng bay quốc tế với các đường bay mới đến Tây Âu và Đông Nam Á trong năm 2024. Đối với thị trường nội địa, hãng điều chỉnh tần suất bay để phù hợp với nhu cầu thị trường, duy trì thị phần chính trên các đường bay trọng điểm và tăng tải trên các đường bay du lịch. 

Bên cạnh đó, Vietnam Airlines sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng doanh thu và thu nhập, tiếp tục thực hiện quyết liệt việc tối ưu hóa bộ máy quản trị và cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, đặc biệt là đội máy bay.

Vietnam Airlines kỳ vọng kết quả sản xuất kinh doanh công ty mẹ và hợp nhất năm 2024 dự kiến sẽ đạt mục tiêu cân đối thu chi.

"Mục tiêu năm 2024, doanh thu hợp nhất đạt 105.946 tỷ đồng, trong đó doanh thu của công ty mẹ đạt 80.984 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 105 tỷ đồng và hợp nhất là 4.233 tỷ đồng", ông Hà nhấn mạnh.

Với dự kiến đạt lợi nhuận năm 2024 khoảng 105 tỷ đồng, chỉ tiêu vốn chủ sở hữu cuối năm được cải thiện nhẹ, tỷ suất lợi nhuận trước thuế/tổng doanh thu đạt mức dương 0,13%.

Nếu đạt kết quả sản xuất kinh doanh như dự kiến trên đây, hoàn thành thoái vốn TCS và được gia hạn tái cấp vốn, Vietnam Airines dự kiến duy trì được cân đối dòng tiền trong năm, dư tiền cuối kỳ khoảng 517 tỷ đồng, khả năng thanh toán ngắn hạn được cải thiện nhẹ lên mức 0,11. Tuy nhiên nhìn chung, trạng thái tài chính cuối năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn.

Hàng không đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất

Tại đại hội, Chủ tịch HĐQT Đặng Ngọc Hòa đã trả lời các câu hỏi của cổ đông liên về các giải pháp hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực tự thân của Vietnam Airlines để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Theo ông Hòa, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ ngành hàng không nói chung và Vietnam Airlines nói , như việc giảm, hoãn, miễn các loại thuế, phí, kích cầu du lịch và nhu cầu vận tải,... Đặc biệt là gói hỗ trợ trị giá 12.000 tỉ đồng, gồm việc cho vay tái cấp vốn (4.000 tỷ đồng) và phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ (8.000 tỷ đồng).

Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, Chủ tịch Vietnam Airlines nhấn mạnh sự nỗ lực tự thân là rất quan trọng. Theo đó, Vietnam Airlines đã triển khai nhiều biện pháp để cắt giảm các khoản chi phí, tối hưu hóa tài chính. Đến nay, hãng bay này đã cắt giảm được tới 42.400 tỷ đồng, trong đó có 18.000 tỷ đồng là các chi phí nội bộ. Vietnam Airlines cũng đã đàm phán với các chủ nợ để giảm và hoãn tiền thuê máy bay, kết quả là có trên 8.300 tỷ đồng các khoản nợ được giảm hoãn. 

Ngoài phần tài chính, Chủ tịch Vietnam Airlines cũng cho biết hãng đang tiến hành tái cơ cấu tổ chức, bộ máy vận hành, tăng cường chuyển đổi số, áp dụng công nghệ số vào hoạt động, tinh giản quy trình, tổ chức và nhân sự để hoạt động đỡ cồng kềnh, hướng đến các tiêu chuẩn quản trị quốc tế. "Đến nay, Vietnam Airlines đã tinh giảm được 4 đầu mối cấp tập đoàn, 51 đầu mối cấp phòng, tập trung giữ lực lượng lao động nòng cốt chất lượng cao, tinh giảm trên 2.400 nhân sự ở các khâu trung gian", ông Hòa nói. 

Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa. 

"Bằng nỗ lực tự thân và các gói hỗ trợ của Chính phủ, thời điểm khó khăn nhất của ngành hàng không đã đi qua. Dù hiện tại vẫn đang khó, nhưng chúng ta đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất. Kết quả kinh doanh quý I/2024 với lợi nhuận dương từ chính hiệu quả từ vận tải hàng không càng cho chúng ta có niềm tin về sự khởi sắc của ngành hàng không và Vietnam Airlines", Chủ tịch Vietnam Airlines nói. 

Về việc cổ phiếu tăng giá mạnh trong những tháng vừa qua, ông Đặng Ngọc Hòa cho rằng đây là một diễn biến hoàn toàn theo thị trường, trên cơ sở đánh giá của cổ động, các nhà đầu tư về triển vọng của cổ phiếu HVN. "Chúng tôi chỉ làm đúng các nhiệm vụ công khai các thông tin hoạt động, kết quả kinh doanh, báo cáo tài chính một cách minh bạch, còn lại là câu chuyện của thị trường". 

Về kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn, ông Đặng Ngọc Hoà cho biết trong kế hoạch tái cơ cấu nguồn vốn 2024-2025, Vietnam Airlines sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền tăng vốn theo hai hình thức: (i) chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư; (ii) phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Phương án này nhằm bổ sung dòng tiền, tạo vốn dài hạn và đưa các chỉ số tài chính không còn mất cân đối, giúp Vietnam Airlines cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh.

"Dự kiến đến năm 2025 sẽ khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu. Về quy mô phát hành, chúng tôi sẽ công bố sau khi cấp có thẩm quyền phê duyệt", ông Hoà cho biết.

Đề án cơ cấu lại dự kiến sẽ hoàn thành trong 2024

Một trong những nội dung quan trọng được trình bày tại đại hội là tiến trình triển khai Đề án cơ cấu lại Tổng Công ty giai đoạn 2021-2025.

Trình bày báo cáo tại đại hội, ông Tạ Mạnh Hùng - Thành viên HĐQT cho biết, trong thời gian qua, trên cơ sở các đánh giá về ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính, căn cứ vào các ý kiến góp ý của các Bộ Ban Ngành, Vietnam Airlines đã xây dựng và đang tiếp tục hoàn thiện Đề án tổng thể các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch để sớm phục hồi và phát triển bền vững giai đoạn 2021 2035 (Đề án tổng thể). 

Đồng thời, hãng bay này cũng kiến nghị các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các giải pháp nêu tại Đề án tổng thể là cơ sở quan trọng để hang bay hoàn thiện và phê duyệt Đề án cơ cấu lại, đảm bảo tính kết nối, thống nhất giữa hai Đề án.

Ông Tạ Mạnh Hùng - Thành viên HĐQT Vietnam Airlines. 

“Cho đến nay, HĐQT chưa phê duyệt Đề án cơ cấu lại do các cơ quan có thẩm quyền vẫn đang trong quá trình xem xét các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines được nêu tại Đề án tổng thể. Thời gian qua, Vietnam Airlines đã và đang tích cực phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước để báo cáo, giải trình cấp có thẩm quyền về Đề án tổng thể”, ông Hùng cho biết.

Trong thời gian chờ các cấp có thẩm quyền phê duyệt các giải pháp nêu tại Đề án tổng thể và phê duyệt Đề án cơ cấu lại, Vietnam Airlines cho biết sẽ chủ động triển khai các giải pháp phát huy nội lực tự thân để triển khai tái cơ cấu toàn diện doanh nghiệp. 

Trên cơ sở các định hướng tái cơ cấu đã báo cáo ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan nhà nước để hoàn thiện Đề án cơ cấu lại sau khi các cấp có thẩm quyền thông qua nguyên tắc đối với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hãng (dự kiến trong năm 2024).