Giải trí

Đạo diễn Ngọc Gems: Để có chỗ đứng trong nghề, phái nữ phải bỏ 200% công lực

Theo đạo diễn Ngọc Gems, ngoài vai trò với xã hội, phụ nữ còn có thiên chức làm vợ, làm mẹ nên chịu nhiều áp lực hơn nam giới.

Cái gì cũng phải biết

Nữ đạo diễn Ngọc Gems tên thật là Thạch Hồng Ngọc, sinh năm 1985 ở Hải Phòng, hiện làm việc tại Trung tâm Hợp tác và sản xuất chương trình Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVCab). Cô là đạo diễn của nhiều chương trình như DJ Star, Music Like, Music Store… hay các MV của những nghệ sĩ nổi tiếng như NSND Quốc Hưng, NSƯT Hoàng Tùng, nhạc sĩ Kiên Ninh…

Ngọc Gems cho biết, với cô, việc theo nghề đạo diễn có thể nói là “duyên nghề”. Gia đình cô có truyền thống nghề giáo và cô cũng được định hướng theo sư phạm khi thi đại học. Nhưng một lần theo bạn đến lớp tạo nguồn Trường Sân khấu - Điện ảnh, sau bài kiểm tra học viên bằng cách chọn 5 đến 7 ảnh để kể một câu chuyện, người thầy mà Ngọc Gems gặp hôm đó đã khuyên cô nên học đạo diễn. “Không hiểu do sự lôi cuốn của môn điện ảnh, của sự sáng tạo thú vị hay do lời động viên của thầy mà tôi quyết tâm học, thi và theo đuổi công việc - đam mê này”, Ngọc Gems cho biết.

Chia sẻ về nghề đạo diễn, Ngọc Gems nói: “Nếu một con tàu có một người thuyền trưởng đứng mũi chịu sào, người đó không chỉ định hướng con tàu đi về đâu, mà còn phải hiểu đội ngũ của mình để đặt đúng vị trí, lựa chọn ứng xử để phát huy tối đa năng lực. Người thuyền trưởng cũng phải hiểu con tàu mình đang điều khiển, hiểu tài nguyên của mình có ra sao và đương nhiên cũng sẽ phải sẵn sàng ‘đắm’ cùng con tàu đó…

Với một phim truyện, phim tài liệu hay phim ca nhạc, vai trò của người đạo diễn cũng vậy. Ngay khi còn học trong trường các thầy đã dạy chúng tôi rằng đạo diễn cái gì cũng phải biết. Chúng tôi học nghiệp vụ quay phim, dựng phim, diễn xuất, kịch bản… là để hiểu các vai trò cũng như từng công việc mà mỗi bộ phận phải chịu trách nhiệm, từ đó phát huy tối đa hiệu quả của những bộ phận ấy.

Vì vậy, theo ý kiến chủ quan của tôi, đạo diễn đầu tiên phải là người dám chịu trách nhiệm. Chịu trách nhiệm với ê-kíp, với nhà sản xuất, với tác phẩm và với khán giả của mình. Từ việc dám chịu trách nhiệm đó thì mới dám quyết đoán, dám thử thách, dám sáng tạo, thậm chí là dám chấp nhận rủi ro”.

Đạo diễn, nghề không dễ với phụ nữ

Riêng với người đạo diễn là nữ, theo Ngọc Gems, ngoài vai trò với xã hội, còn có thiên chức làm vợ, làm mẹ, thiên chức với gia đình nên chịu nhiều áp lực hơn nam giới. Để theo được nghề, họ cần sự quyết tâm rất lớn. Nhưng ngược lại, các nữ đạo diễn sẽ có thêm một chút lợi thế về nắm bắt tâm lý nhân vật, khả năng đi vào chi tiết, lợi thế về sự mềm dẻo và sự tinh tế đặc trưng nữ giới.

“Tại Việt Nam, mặc dù đến thời điểm này việc phân biệt giới tính không còn quá lớn nhưng với một nghề nghiệp gai góc như đạo diễn, thì đâu đó vẫn có những khó khăn cho nữ giới. Vì vậy, để có chỗ đứng trong nghề, phái nữ phải bỏ tới 200% công lực. Như bản thân tôi, ngày mới học đại học, để có cơ hội học nghề, tôi và các bạn đã phải theo các tiền bối vác chân máy, trèo đèo, lội suối. Nhiều anh chị không cho các bạn nữ theo vì nghĩ rằng ‘yếu đuối’, chúng tôi đã luôn phải thể hiện sự có ích của mình, thậm chí thể hiện cả sức mạnh cơ bắp”, Ngọc Gems hài hước kể.

Trong những ngày năm mới cận kề, nói về chuyện Tết, Ngọc Gems cho biết, với cô Tết luôn là những kỷ niệm khó quên vì đây là dịp được đoàn tụ cùng gia đình, bạn bè. Đặc biệt với gia đình có thành viên sống ở xa như gia đình cô thì những dịp Tết được trò chuyện, gặp gỡ nhau, đôi khi chỉ cùng ăn bữa cơm giao thừa đã quá quý giá.

Đối với Ngọc Gems, kỷ niệm khó quên nhất liên quan đến ngày Tết là chuyện xảy ra vào cách đây 10 năm, khi cô làm đạo diễn chương trình Camera Giấu Kín - một chương trình truyền hình thực tế trên ANTV. “Chúng tôi xây dựng tình huống một cô gái ở khoa tâm thần, trốn viện về ăn Tết với mẹ. Lúc đó vào khoảng 25, 26 Tết, rất khó để tìm được diễn viên vào vai tâm thần nên tôi đành phải tự đóng”, nữ đạo diễn nhớ lại.

Nhân vật cô gái tâm thần được giao nhiệm vụ đi xin bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành… Với vẻ mặt ngây ngô, mặc bộ đồ bệnh viện, khi cô đến các chợ để xin, người thì chỉ trỏ cười, người thì thương và cũng có người thì sợ hãi xua tay đuổi đi. Rồi một người bán rau phát hiện ra trên áo cô gái tâm thần có số điện thoại liền bấm máy gọi, và được người đầu phía bên kia trả lời rằng ông là hàng xóm. Ông cho biết, cô gái này đã mất mẹ, nhưng vẫn đi xin bánh chưng, mang quà về ăn Tết với mẹ…

“Ngày hôm ấy, chúng tôi quay ở khu chợ Bách Khoa, êkip chúng tôi chết lặng khi bà con khu chợ nhiều người òa khóc. Rồi người cho giò, người cho bánh, người cho tiền, người lo lắng muốn chở về Viện… Tất nhiên, sau đó ê-kíp có hạ màn và bà con hiểu ra đó chỉ là một tình huống của chương trình. Nhưng những hình ảnh ngày hôm đó đã ghi dấu ấn đậm nét trong mỗi chúng tôi. Và cũng là một động lực để tôi thấy yêu thêm công việc của mình”, Ngọc Gems xúc động.

An An