Văn hoá

ĐD Lê Quý Dương: "Không phải nhiều tiền mới làm được sự kiện lớn"

Là một người thường xuyên tổ chức các sự kiện, Festival lớn, đạo diễn Lê Quý Dương cho biết không phải cứ có nhiều tiền đầu tư mới có các chương trình chất lượng...

Nhiều người vẫn gọi đạo diễn Lê Quý Dương là “phù thủy” của các lễ hội, liên hoan, Festival bởi ông sáng tạo ra nhiều chương trình ghi dấu ấn với khán giả trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, ông là người góp phần to lớn định hình thương hiệu Festival Huế với hàng loạt chương trình đã trở thành thương hiệu văn hóa lớn cho Huế như Đêm Hoàng cung (2006), Huyền thoại Sông Hương (2008), Hành trình mở cõi (2010), Thiên hạ Thái Bình (2012), tạo nên những dấu ấn văn hóa vô cùng đặc sắc và độc đáo.

Đạo diễn Lê Quý Dương được gọi là "phù thuỷ" của các Festival lớn ở Việt Nam.

Cùng với Festival Huế, Lê Quý Dương là người đã sáng tạo ý tưởng, viết kịch bản và tổng đạo diễn dàn dựng cho hơn 50 chương trình lễ hội và sự kiện lớn trên khắp cả nước. Tiêu biểu như: Festival Võ cổ truyền Quốc tế (Bình Định); Festival Dừa (Bến tre); Festival Gốm (Bình Dương); Festival Cà Phê (Đắk Lắk); Festival lúa gạo (Sóc Trăng); Festival Đờ Ca Tài tử (Bạc Liêu); Festival Biển (Nha Trang); Festival Di sản Đông Dương (Quảng Nam)…

Đạo diễn Lê Quý Dương đã lập 6 kỷ lục Việt Nam cho các chương trình sự kiện mà họ tham gia xây dựng và trở thành một thương hiệu lớn trong thị trường văn hóa nghệ thuật tại Việt Nam, khu vực và quốc tế.

Chào đạo diễn Lê Quý Dương, anh được gọi là "phù thuỷ" của các Festival, mỗi khi làm chương trình, anh có sợ bị "kinh tế" đè nặng lên vai mình không?

Khi làm việc, tôi chú ý nhiều đến ý tưởng, làm như nào để có sự kiện hay nhất. Việc nhà tài trợ, kinh phí của chương trình là phạm vi của nhà sản xuất. Tôi là người dàn dựng, tuỳ theo năng lực tài chính của từng chương trình để làm. Đôi khi, đạo diễn phải vượt qua khó khăn ban đầu đó thì mới mang lại thương hiệu của mình. Đạo diễn làm thế nào để trong điều kiện tài chính của sự kiện, có thể làm được một chương trình hiệu quả, có dấu ấn nhất. 

Nhưng đúng là, nếu có khoản kinh phí lớn, thù lao xứng đáng thì sẽ có những chương trình xứng tầm phải không anh?

Cũng không hẳn, trong việc làm đạo diễn, tôi vẫn thường chia sẻ với mọi người, cái cuối cùng và quan trọng nhất luôn là ý tưởng, khi có ý tưởng thì nhiều tiền chưa chưa chắc đã hay, không phải nhiều tiền mới làm được chương trình lớn. Vì vẫn một dàn âm thanh ấy, sân khấu ấy, diễn viên ấy nhưng ý tưởng khác nhau thì giá trị của chương trình sẽ khác nhau.

Lê Quý Dương sẽ làm tổng đạo diễn chương trình Thế giới hát về mẹ vào ngày 9/5 tới ở Hà Nội.

Cát - xê cao nhất và thấp nhất mà anh nhận được khi làm đạo diễn các chương trình lớn là bao nhiêu?

Cát xê lớn nhất thì tôi xin giữ bí mật, còn ít nhất là miễn phí. Một người làm nghệ thuật chân chính thì ít khi nghĩ đến tiền. Họ nghĩ đến nhiều cái lớn hơn, xa hơn, đó là sang tạo là ý tưởng. Nếu có cái đó, họ luôn tự hào được là mình sống được với nghề. Thậm chí, sống rất sung túc.

Vì sao anh lại nhận lời làm đạo diễn chương trình Thế giới hát về mẹ, có phải vì cát - xê cao thù lao không?

Đây là chương trình có ý nghĩa, vì đối với các nước, ngày của Mẹ đã trở thành ngày hội của toàn xã hội. Mỗi một châu lục sẽ chọn ngày khác nhau, ngày 9/5 được nhiều quốc gia chọn tổ chức. Có nơi tổ chức ngày của mẹ chính theo tôn giáo, là ngày sinh của đức mẹ Maria. Tuy nhiên nhiều nước chọn ngày 9/5, là ngày chủ nhật thứ 2 của tháng 5 là ngày của người mẹ sinh ra, nuôi nấng mình. Tham gia chương trình này thù lao, cát xê của tôi khiêm tốn lắm. Thậm chí, tôi còn tài trợ cho chương trình. Tôi tài trợ cát - xê của mình cho sự kiện vì đạo diễn cần một chương trình có ý nghĩa, có giá trị xã hội để làm.

Để tạo dấu ấn cho chương trình Tôn vinh ngày của mẹ, anh có "chiêu trò" gì đặc biệt không?

Với Đại nhạc hội văn hóa âm nhạc quốc tế Thế giới hát về Mẹ tôi sẽ có nhiều độc đáo để làm. Đây là chương trình kết hợp giữa dàn nhạc giao hưởng và điện tử. Tôi phải sáng tạo ra mô hình sân khấu sang trọng, tiện dụng. Tuy nhiên, ý tưởng này cũng là một thách thức. Trên sân khấu có có dàn nhạc, có cả dàn vocal, dàn kèn... Với gần 40 người trên sân khấu. Chúng tôi phải dựng như thế nào để ca sĩ, nhạc công đi ra đi vào mà không bị gẫy. Nhưng tôi tin mình và ê kíp sẽ làm được. 

Đại nhạc hội Thế giới hát về Mẹ được thực hiện dưới hình thức một chuyến bay, xuất phát từ Việt Nam, đưa đoàn nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế đi du lịch qua 13 quốc gia để tìm hiểu, học hỏi, khám phá văn hóa và đặc biệt là thưởng thức những ca khúc hay nhất về Mẹ trên khắp các châu lục. Sau đó, đoàn
trở lại Việt Nam biểu diễn trong chương trình Đại nhạc hội Thế giới hát về Mẹ - chào mừng ngày Mother’s Day.

Ca khúc hát về mẹ của Trần Tiến sẽ được hát ở chương trình Thế giới hát về Mẹ.

Quan trọng là tôi sẽ nắm bắt cảm xúc, tìm đến những tình cảm sâu lắnh nhất khi hát về mẹ. Kiểu như khi anh Trần Tiến nói "Mẹ ơi, thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình". Đấy là câu vô cùng hay, anh phải có nhiều trải nghiệm, phải yêu thương mẹ mình mới có cảm xúc rất sâu như vậy. Nên đạo diễn cũng phải khéo để sân khấu phải hoà nhập với cảm xúc nghệ sĩ.

Chương trình không hướng tới phô diễn ánh sáng, âm thanh mà đi vào cái chính là cảm xúc sâu lắng nhất của nhân loại. 

Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!