Tiêu điểm

ĐBQH Vũ Tiến Lộc "hụt hẫng và tiếc nuối" khi nói về cao tốc Bắc-Nam

Theo ông Hoàng Văn Cường, suất đầu tư cao tốc Bắc - Nam là 201 tỷ/km cao hơn so với các tuyến cao tốc đã hoàn thành nên cần cân nhắc, tính toán lại.

Chiều ngày 10/1, Quốc hội thảo luận trực tuyến về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Đầu tư công toàn bộ là “cực chẳng đã”

Tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu đều đồng tình với việc đầu tư bởi sẽ hoàn thành một trục huyết mạch từ Bắc vào Nam.

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) kỳ vọng dự án sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

“Lâu nay xếp hạng cạnh tranh của Việt Nam không cao, trong đó có nguyên nhân do yếu kém về hạ tầng dẫn tới chi phí logistic của nền kinh tế rất cao - gần gấp đôi so với các nước đang phát triển”, ông Lộc phân tích.

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội).

Ông Lộc nhấn mạnh: “Để nâng cao năng lực cạnh tranh thì nâng cao hạ tầng giao thông là đột phá quan trọng cần ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phân bổ nguồn lực quốc gia”.

Vị đại biểu này đồng ý với Chính phủ về việc sử dụng đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ Dự án, để hỗ trợ tốc độ phục hồi kinh tế. Song theo ông Vũ Tiến Lộc, đầu tư công toàn bộ là “cực chẳng đã”.

“Tôi hụt hẫng và tiếc nuối. Đành rằng, tư nhân không làm thì Nhà nước phải làm là hợp nhẽ. Tuy nhiên, với tuyến đường cao tốc Bắc - Nam nên là biểu tượng của ý Đảng lòng dân, Chính phủ dẫn dắt với sự chung tay của tư nhân. Đầu tư theo đối tác công tư (PPP) thì Đảng có chủ trương, Quốc hội ban hành luật nhưng ngay sau khi có luật thì 2 lần Quốc hội phải điều chỉnh dự án PPP quay lại đầu tư công, như vậy là không thành công chính sách”, ông Vũ Tiến Lộc nói.

Vị đại biểu này cũng cho rằng, lỗi không phải do PPP mà là do cơ chế chính sách chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư, chưa tìm được điểm hòa trong chính sách nên chưa thành công thu hút nhà đầu tư tư nhân vào các dự án quan trọng này. 

Do vậy, các dự án khác hay các dự án thành phần khác của dự án này cần có đề xuất sửa đổi quy định chính sách để thu hút tư nhân tham gia. Chính phủ có thể tiếp sức qua việc lập quỹ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho vay xây dựng giao thông thay vì Nhà nước tự mình đầu tư.

"Việc khai thác, vận hành các tuyến đường thông qua chuyển giao quyền thu phí là một cách làm. Nhưng hình thức này có đủ hấp dẫn nhà đầu tư tư nhân không phụ thuộc vào chất lượng xây dựng dự án”, ông Lộc nói.

Đại biểu Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh) cũng ủng hộ đầu tư công với cao tốc Bắc - Nam vì theo ông, muốn đầu tư nhanh mà thu hút xã hội hóa là không khả thi. Song khi đầu tư công, đại biểu này vẫn bày tỏ hoài nghi về tiến độ hoàn thành dự án trong năm 2025. Vì vậy, ông nhấn mạnh cần có cơ chế đặc thù trong triển khai dự án.

Chung góc nhìn dự án khó hấp dẫn nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) giải thích do hiệu quả không cao và rủi ro lớn. “Nếu tiếp tục kêu gọi sẽ kéo dài dự án và không thể hoàn thành mục tiêu đặt ra”, ông Hòa nói.

Nhằm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, ông Hòa ủng hộ đề xuất của Chính phủ về việc nhượng quyền thu phí dù việc này là chưa có tiền lệ.

Tính toán lại suất đầu tư cao tốc Bắc-Nam

Đồng tình về sự cần thiết ưu tiên sớm đầu tư dự án, song đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cũng đặt ra nhiều vấn đề mà Quốc hội và Chính phủ cần cân nhắc, tính toán thêm. 

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường đặt ra nhiều vấn đề mà Quốc hội và Chính phủ cần cân nhắc, tính toán thêm.

Về tổng mức đầu tư 146.000 tỷ đồng, đại biểu Cường cho biết tương đương suất đầu tư là 201 tỷ đồng/km bao gồm cả giải phóng mặt bằng.

Trong khi đó, so sánh với các tuyến cao tốc đã hoàn thành như Vĩnh Hảo - Phan Thiết thì suất đầu tư chỉ 107,5 tỷ đồng/km; tuyến Cam Lâm - Vĩnh Hảo là 122,6 tỷ đồng/km; tuyến Phan Thiết - Dầu Giây là 125,7 tỷ đồng/ km. 

“Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra rằng dự kiến nếu tính toán lại thì tổng mức đầu tư chỉ 130.000 tỷ đồng. Như vậy, suất đầu tư và tổng mức đầu tư rất cần phải cân nhắc lại”, ông Cường nói.

Về sử dụng nguồn vốn 72.000 tỷ đồng từ gói hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng theo tiến độ trong hai năm 2022-2023, tổng giải ngân dự án chỉ 31.000 tỷ đồng, trong khi gói phục hồi yêu cầu phải giải ngân trong hai năm này. “Phải chăng sau khi phân bổ thì còn ít nhất 40.000 tỷ đồng không giải ngân đúng theo gói phục hồi kinh tế?”, ông Cường băn khoăn.

Do đó, ông Cường cho rằng việc cơ cấu nguồn vốn đầu tư và giải ngân gói phục hồi kinh tế vào dự án này rất cần phải tính toán lại. 

Tờ trình của Chính phủ đề xuất Nhà nước đầu tư dự án cao tốc, sau đó sẽ nhượng quyền để thu hồi phí. Tuy nhiên, cũng theo tờ trình, 12 dự án thu khoảng 10 năm chỉ được 37.000 tỷ đồng. Vì vậy, ông Cường đề nghị cân nhắc thêm phương án huy động đối tác công tư (PPP) bằng cách tách dự án giải phóng mặt bằng.

Theo đó, chi phí giải phóng mặt bằng không tính vào dự án đầu tư. Tiền ngân sách nhà nước dành để đầu tư dự án cao tốc có thể chuyển tới Ngân hàng Đầu tư phát triển, cho các nhà đầu tư vay để có nguồn vốn thực hiện phương án PPP.

Ông Cường cho rằng: "Khi doanh nghiệp tự đầu tư, tự vận hành, tự thu phí sẽ hiệu quả hơn so với Nhà nước đầu tư rồi cho người khác vận hành và thu phí trở lại".