Tiêu điểm

ĐBQH Trần Văn Khải : Tiền kiểm phim phổ biến trên mạng là bất khả thi

Với không gian mạng mênh mông, không biên giới như hiện nay, đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, việc hậu kiểm phim trên mạng là hợp lý còn tiền kiểm là bất khả thi.

Tiếp tục Chương trình làm việc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, chiều 25/5, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), đồng thời tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật.

Khối lượng phim trên không gian mạng rất lớn

Liên quan tới nội dung phổ biến phim trên không gian mạng, dự thảo luật đã chỉnh lý, chọn quy định hậu kiểm đối với hình thức phổ biến phim này. Đồng thời, bổ sung một số nội dung quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, phổ biến phim, gỡ bỏ phim vi phạm, biện pháp quản lý phim, phổ biến phim trên mạng để tạo cơ sở cho công tác hậu kiểm.

Đóng góp ý kiến tại hội trường, đại biểu Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng) cho rằng, để đảm bảo chặt chẽ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức nhân lực, phương tiện kỹ thuật để thực hiện kiểm tra nội dung phim.

Việc phân loại hiển thị kết quả phân loại phim phổ biến trên không gian mạng, phối hợp với các cơ quan nhà nước có liên quan thực hiện các biện pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định pháp luật.

Đại biểu Tô Ái Vang, đoàn Sóc Trăng phát biểu tại hội trường.

Còn đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Bắc Giang) nhìn nhận, với sự phát triển của các nền tảng trực tuyến, khối lượng phim trên không gian mạng là rất lớn. Bên cạnh những bộ phim hay, chất lượng tốt thì cũng xuất hiện nhiều bộ phim có nội dung thiếu lành mạnh, thậm chí là vi phạm pháp luật.

Do đó bà Hà cho rằng, rất cần phải quy định chặt chẽ về phổ biến phim. Trong đó, cần thiết phải quy định mở về hình thức yêu cầu chủ thể phổ biến phim trên không gian mạng gỡ bỏ phim có nội dung, hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh và các quy định pháp luật khác.

Đồng thời, đề nghị cần quy định quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm về quản lý phim trên không gian mạng.

ĐBQH Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) cũng đồng tình với chủ trương cần có các cơ chế, chính sách, kể cả Nhà nước hỗ trợ để phát triển công nghiệp điện ảnh, là ngành công nghiệp văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tuy nhiên, đối với một xã hội số, một không gian mạng mênh mông, không biên giới như hiện nay, ông Khải bày tỏ đồng tình với quy định hậu kiểm đối với hình thức phổ biến phim trên không gian mạng, bởi lẽ “quy định tiền kiểm là bất khả thi và không phù hợp với thông lệ quốc tế”

Thu hút tư nhân đầu tư trường quay điện ảnh

Cũng theo đại biểu Khải, việc dùng ngân sách để xây dựng trường quay hiện đại theo quy định tại Điều 5 của dự luật còn nhiều băn khoăn.

Bởi riêng đối với trường quay, để có một trường quay hiện đại thì phải đầu tư rất lớn, phải có quy hoạch, có thiết kế, có lập dự án rất bài bản công phu, phân tích hiệu quả đầu tư và đặc biệt là quá trình quản lý, khai thác, vận hành sau đầu tư cũng phải hết sức chuyên nghiệp và hiệu quả.

Nếu trường quay đó đầu tư từ ngân sách nhà nước thì tài sản hình thành sau đầu tư là tài sản công. Khi tài sản công đã hình thành thì phải có một đơn vị sự nghiệp công, hình thành bộ máy quản lý, con người, chi phí duy trì bộ máy, bảo trì bảo dưỡng... và phát triển nó ngày càng lớn hơn, hiệu quả hơn. Điều này là khó khả thi do nguồn vốn ngân sách nhà nước của ta rất hạn hẹp.

ĐBQH Trần Văn Khải, đoàn Hà Nam đóng góp ý kiến về Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Dẫn kinh nghiệm tại một số quốc gia, đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, một số nước cũng thực hiện theo chính sách xã hội hóa để có một trường quay tốt và có nguồn thu từ trường quay đó từ rất lâu.

Ví dụ phim trường Hoành Điếm tại tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) do tư nhân xây dựng từ năm 1996 được mệnh danh là Hollywood của Phương Đông. Phim trường này cũng là bối cảnh của hơn 4.000 bộ phim truyền hình quen thuộc với khán giả Việt Nam.

Nhờ có phim trường Hoành Điếm mà vùng nông thôn nghèo của Trung Quốc đã trở thành khu du lịch nổi tiếng. Khách du lịch cũng phải trả tiền vé vào tham quan và được thỏa thích hóa thân thành các nhân vật cổ trang. Mỗi ngày có khoảng 20 đoàn phim hoạt động tại đây.

“Tóm lại, liên quan đến chính sách phát triển điện ảnh, công nghiệp Điện ảnh, tôi đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc lại quy định tại khoản 2 Điều 5 theo hướng bổ sung các chính sách để khuyến khích xã hội hóa, huy động các thành phần kinh tế, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hoạt động điện ảnh.

Đặc biệt là đầu tư trường quay hiện đại kết hợp với du lịch văn hoá đảm bảo tính khả thi của chính sách, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật của Việt Nam”, đại biểu Khải nêu ý kiến.

Về quy định chính sách của Nhà nước trong phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh, đại biểu Tô Thị Bích Châu (đoàn Tp.Hồ Chí Minh) cho rằng, việc sản xuất phim không chỉ phục vụ cho nhiệm vụ chính trị mà còn phục vụ cho việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nói về truyền thống lịch sử cách mạng, các dân tộc thiểu số, trẻ em.

Mặt khác, cũng cần có những bộ phim nói về các vị lãnh tụ, anh hùng dân tộc, doanh nhân… Ngoài ra, Nhà nước nên có chính sách khuyến khích, đầu tư cho phát triển nghệ thuật đương đại, hỗ trợ tối đa cho phim về đề tài lịch sử, phim dành cho trẻ em.

Thu Huyền - Hoàng Bích