Đối thoại

ĐBQH Trần Công Phàn: "Có loại dao rất ngắn nhưng lại gây sát thương"

Các ĐBQH đề nghị cần phải đánh giá tác động kỹ lưỡng và quy định chặt chẽ hơn về vũ khí thô sơ, bởi rất khó xác định khi nào dao được xem là vũ khí và khi nào không.

Tránh xử lý oan sai hoặc bỏ sót tội phạm

Chiều 24/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

ĐBQH Nguyễn Việt Thắng (đoàn Kiên Giang) đồng tình, với sự cần thiết sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ như lý do đã nêu trong tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và an ninh.

Góp ý nội dung cụ thể, ông Thắng cho biết, theo tờ trình của Chính phủ, trong thời gian qua, tội phạm sử dụng các loại dao gây án chiếm tỉ lệ rất cao, nhiều vụ đối tượng sử dụng dao nhọn, dao sắc nhọn có tính sát thương cao.

Thực tế quá trình điều tra các vụ án cho thấy, chỉ xử lý hình sự được khi có đủ căn cứ kết luận đối tượng phạm tội về các tội danh như: giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích… mà không xử lý được đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vì Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ không quy định dao là vũ khí.

Xem thêm: Chủ tịch nước Tô Lâm: Phần lớn các vụ đâm chém chủ yếu dùng dao

Vì vậy, cơ quan soạn thảo đã bổ sung quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 3 của Dự thảo Luật giải thích từ ngữ và quy định về vũ khí thô sơ, trong đó bao gồm:

“Dao có tính sát thương cao là dao sắc, dao nhọn và dao sắc nhọn, có chiều dài lưỡi dao từ 20cm trở lên hoặc có chiều dài lưỡi dao dưới 20cm nhưng được hoán cải, lắp ráp để có công năng tác dụng tương tự dao có tính sát thương cao thuộc danh mục vũ khí thô sơ do Bộ trưởng Bộ công an ban hành. Trường hợp sử dụng dao có tính chất sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này”.

Quang cảnh phiên thảo luận tổ chiều 24/5.

Tuy nhiên, theo quy định tại phụ lục 4 dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì danh mục vũ khí thô sơ có cả dao đi rừng, dao nhà bếp (như dao chặt xương, dao chặt gà, dao thái lọc, dao phi lê…).

Do đó, đại biểu đề nghị cần phải đánh giá tác động kỹ lưỡng và quy định chặt chẽ hơn về nội dung này để tránh gây xáo trộn, khó khăn trong đời sống, sinh hoạt cũng như sản xuất thường ngày của người dân và để đảm bảo tính khả thi khi triển khai thực hiện Luật trong cuộc sống.

Bởi vì, trong thực tế rất khó xác định khi nào thì dao được xem là vũ khí khi gắn với tiêu chí “mục đích sử dụng”. Đôi khi, dao đang là vật dụng hàng ngày sử dụng vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt của người dân nhưng khi dao được sử dụng để gây án thì nó được xem là vũ khí mang tính sát thương cao.

Hơn thế nữa, hàng loạt các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 5, các nguyên tắc quản lý, sử dụng vũ khí được quy định tại Điều 4 hay những quy định về thủ tục khai báo trong dự thảo Luật đều có liên quan đến sản xuất, vận chuyển, mua bán, gửi, mượn, cho mượn, tặng, cho… vũ khí trong đó có dao.

Thực tế người sản xuất, người bán, cho mượn, tặng cho dao… chưa hẳn có mục đích sử dụng dao cho việc gây án. Người mua, người mượn… thì sử dụng dao cho nhiều mục đích khác nhau.

"Rõ ràng rất khó xác định khi nào thì dao được xem là vũ khí và khi nào không phải là vũ khí khi nó chưa được mang ra sử dụng trên thực tế. Vì vậy, hành vi vận chuyển, mua bán, gửi, mượn, tặng cho dao sẽ bị nghiêm cấm trong trường hợp nào, cần phải được quy định cụ thể, rõ ràng hơn để tránh xử lý oan sai hoặc bỏ sót tội phạm, đặc biệt là không làm ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày của cá nhân, tổ chức", ông Thắng nói.

ĐBQH Trần Công Phàn nêu ý kiến tại phiên thảo luận tổ.

Tham gia ý kiến về dự án Luật này, ĐBQH Trần Công Phàn (đoàn Bình Dương) cho biết vũ khí, vật liệu nổ có xuất hiện một số khái niệm có vũ khí thô sơ, có vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao.

"Nhưng, chúng ta đang phân biệt một ý đó là “khi vũ khí thô sơ có sát thương cao, sử dụng vào việc xâm phạm tính mạng, sức khỏe thì trong Luật Hình sự dùng nó là hung khí, hung khí nguy hiểm”, ông Phàn nói.

Theo ông Trần Công Phàn, hung khí nguy hiểm là nói đến khả năng gây sát thương nhưng có khi không phải là vũ khí thô sơ.

Lấy ví dụ về một chai bia đập vào người, hoặc một viên gạch, hoặc dao díp, ông Phàn cho biết ngay trong Luật quy định nói đến khả năng gây sát thương chứ không phải gây sát thương.

Hay như đấm nhau mà không sử dụng vũ khí gây ra thương tích khoảng 10% thì không có tội. Nhưng, dùng viên đá đập gây thương tích 5-7% thì sẽ lại là tội cố ý gây thương tích.

"Tức là hung khí này được tính là hung khí có khả năng gây ra sát thương”, ông Trần Công Phàn nói và bày tỏ băn khoăn không biết đá, viên gạch, chai bia… không xếp vào vũ khí thô sơ thì xếp vào loại gì? 

“Có loại dao rất ngắn nhưng lại gây ra sát thương, nên cần phải tính chỗ đó”, đại biểu nói và đề nghị cần làm rõ nội dung này. 

Kịp thời ngăn chặn hành vi nguy hiểm

Đại biểu Lê Nhật Thành (đoàn Hà Nội) cho rằng, các loại dao có tính sát thương cao không được coi là vũ khí khi người dân sở hữu để sử dụng trong lao động sản xuất, sinh hoạt.

Tuy nhiên, đại biểu Thành cũng nêu dẫn chứng báo cáo của Bộ Công an, trong 5 năm qua, toàn quốc đã phát hiện, bắt giữ trên 16.000 vụ, 26.000 đối tượng sử dụng các loại dao và công cụ, phương tiện tương tự dao để gây án.

Trong đó, đã xử lý trên 7.000 đối tượng đang trong giai đoạn chuẩn bị phạm tội, chủ yếu xử lý về các hành vi là hậu quả của việc sử dụng dao, công cụ, phương tiện tương tự dao như: giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng…, trên 2.000 đối tượng tái phạm, hơn 5.000 đối tượng sử dụng các loại dao theo mẫu sản xuất tại cơ sở hoặc dao tự hoán cải.

Ông Thành nhận định, như vậy tội phạm sử dụng các loại dao và phương tiện có khả năng gây sát thương tương tự dao gây án chiếm tỉ lệ rất cao, trong đó nhiều vụ là các băng nhóm, đối tượng có tổ chức gây án với tính chất rất manh động, dã man, coi thường pháp luật, nhiều vụ gây bức xúc dư luận xã hội, hoang mang, lo lắng trong nhân dân.

Đại biểu Lê Nhật Thành phát biểu.

Theo đại biểu Thành, quá trình điều tra các vụ án này, chỉ xử lý hình sự được khi có đủ căn cứ kết luận đối tượng phạm tội về các tội danh khác, không xử lý được đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí vì Luật hiện hành không quy định dao, phương tiện tượng tự dao là vũ khí.

“Do đó cần quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ để kịp thời ngăn chặn hành vi nguy hiểm của đối tượng ngay từ giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc định hướng hành vi của đối tượng”, đại biểu Thành nói.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cho rằng, thực tế cho thấy, khi xảy ra bức xúc, cãi vã, đâm chém, nhiều người tiện đâu lấy đó và dao là vật dụng phổ biến hơn vũ khí. Do đó, sẽ nhiều người vớ con dao để gây án.

Để hạn chế vấn đề, đại biểu cho rằng không nên chỉ coi dao là vũ khí thô sơ nếu như con dao đó đã được sử dụng để gây án mà chỉ cần cầm lên, đe dọa cũng có thể coi là vũ khí.

“Trong trường hợp tức giận, ẩu đả, chuẩn bị tấn công hoặc bất đồng mà cầm dao thì tự động chuyển sang đó là vũ khí dù đó là dài hay ngắn trên 20 cm, là dao dọc giấy hay dao nhỏ”, đại biểu Cảnh đề xuất.

Ông Cảnh khẳng định cách làm này sẽ rất hữu ích, khiến người dân buộc phải ghi nhớ, hình thành thói quen rằng nếu cầm dao trong lúc nóng giận là có thể trở thành vũ khí và chịu tăng nặng hình phạt.