Tiêu điểm

ĐBQH: Tăng trưởng GDP năm 2022 khó đạt 6-6,5%

Theo ĐBQH Hoàng Văn Cường, khi lựa chọn “sống chung an toàn với dịch”, nền kinh tế không thể "mở toang" ra được mà cần phải có lộ trình nên GDP khó tăng nhanh.

Phụ thuộc rất lớn vào kịch bản phòng, chống dịch

Tại buổi thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; công tác phòng, chống dịch Covid-19 sáng 21/10, nhiều đại biểu đã thẳng thắn đóng góp những ý kiến làm rõ các báo cáo của Chính phủ.

ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đặc biệt quan tâm đến vấn đề kinh tế và ngân sách.

ĐBQH Hoàng Văn Cường phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

Về kế hoạch tăng trưởng GDP năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ được trình bày vào phiên khai mạc ngày hôm qua, trả lời câu hỏi "chúng ta đặt chỉ tiêu đạt 6-6,5% đây có phải hợp lý hay không?", theo đại biểu Cường, đánh giá trong bối cảnh dịch là rất khó.

“Nhưng, tôi thấy rằng cũng có những cơ sở như khi chúng ta kiểm soát được dịch thì không có lý do gì chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng dưới mức 6,5%, đây là điều cần thiết. Thêm nữa, tăng trưởng GDP quý IV cũng có thể chỉ đạt khoảng 5 đến hơn 5%. Bởi vì, tình trạng năm nay khác hoàn toàn so với giãn cách xã hội năm 2020”, đại biểu Cường nói.

Lý giải nguyên nhân về sự khác biệt này, vị đại biểu cho biết: “Năm 2020, các nhà máy đóng cửa, khi mở cửa trở lại tất cả các nhà máy quay trở lại hoạt động, nhưng năm nay không phải như vậy. Mỗi một tháng giãn cách xã hội là hàng chục ngàn doanh nghiệp đóng cửa. Chúng ta nhìn thấy hàng trăm ngàn người lao động rời khỏi thành phố. Khi phục hồi lại thì những người lao động không trở lại gây khó khăn cho sản xuất, thiếu nguồn lực chưa thể phục hồi được ngay. Cho nên, phục hồi kinh tế quý IV không giống như năm 2020 là “mở cửa, hết giãn cách là phục hồi”.

Đồng thời, chúng ta cũng phải “sống chung an toàn với dịch”, không thể "mở toang" ra được mà cần phải có lộ trình. Nên, không thể kỳ vọng quý IV này tăng nhanh. Kinh tế của năm 2021 không thể có chuyện mở cửa xong bứt phá, năm 2022 là cơ sở để chúng ta tăng cao. Đây là điều chúng tôi kỳ vọng, tất nhiên phải phụ thuộc rất lớn vào kịch bản phòng, chống dịch”.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng cho rằng vấn đề bao phủ vắc-xin là công cụ vô cùng quan trọng. Ngoài ra, một vấn đề nữa đó là các doanh nghiệp hiện nay gần như cạn kiệt về các nguồn lực, vì thế hỗ trợ giãn hoãn nợ chỉ giảm khó khăn phần nào.

Theo đại biểu Cường, cần thiết bổ sung thêm các nguồn lực cho doanh nghiệp, như có nguồn vốn vay cho doanh nghiệp, có thể cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp, khi đó, các doanh nghiệp có thể hoàn toàn tiếp cận được nguồn vốn tín dụng giá rẻ và đó là nguồn lực để giúp cho doanh nghiệp tăng trưởng trở lại.

Dịch bệnh tạo khoảng trống về lao động

Cũng phát biểu ý kiến tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đoàn Bắc Kạn cho biết, dù dịch bệnh đã được kiểm soát song vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát rất lớn.

Trong khi đó, công tác phòng chống dịch có thể ví như “công tác chữa cháy” nên tất cả phải vào cuộc ngay, do vậy ban đầu sẽ khó tránh khỏi các sơ sót nhất định. Tuy vậy, quan trọng nhất là chính quyền địa phương biết lắng nghe và điều chỉnh kịp thời.

Vị đại biểu đoàn Bắc Kạn cho hay, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp không chỉ khó khăn trong việc thiếu vốn, bảo lãnh cho vay mà cần có các quy định thống nhất của Chính phủ xuống các địa phương để giúp họ yên tâm phát triển.

Phiên họp tổ sáng 21/10.

Ở góc độ khác, dịch bệnh cũng tạo ra khoảng trống về lao động tại một số địa phương phía Nam. Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn, đoàn Kiên Giang cho rằng, muốn đào tạo được một lao động quen việc thì phải mất một năm, còn người công nhân có tay nghề cao phải mất 5 năm hoặc 10.000 giờ lao động.

Vì thế, rất nhiều người dân dịch chuyển từ Nam ra Bắc trong đợt dịch vừa qua đã để lại một khoảng trống rất lớn đối với các khu công nghiệp và doanh nghiệp phía Nam.

Theo đại biểu đoàn Kiên Giang, cơ quan chức năng cần có giải pháp căn cơ và cụ thể trong vấn đề phòng chống dịch bệnh, giúp doanh nghiệp phục hồi và ổn định sản xuất - kinh doanh.

Đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6 - 6,5% trong năm 2022

Báo cáo kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, cùng với tập trung tận dụng tốt cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế với các giải pháp tổng thể kích thích nền kinh tế, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn.

Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế.

Đáng chú ý nhất đó là chỉ tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6-6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách nhà nước so với GDP khoảng 4%.