Chính sách

ĐBQH: “Sai phạm ngay ở cơ quan thanh tra ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của dư luận”

Liên quan tới vụ việc đoàn Thanh tra bộ Xây dựng bị lập biên bản vì “vòi tiền”, ĐBQH Nguyễn Thanh Hải cho rằng, việc để xảy ra sai phạm ngay ở một cơ quan thanh tra - là cơ quan giám sát kỷ luật các đơn vị khác sẽ ảnh hưởng rất lớn tới niềm tin của dư luận.

Xoay quanh vụ việc Công an tỉnh Vĩnh Phúc lập biên bản về hành vi "vòi tiền" của đoàn Thanh tra bộ Xây dựng xảy ra tại huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) mới đây. Ngày 14/6, bên hành lang Quốc hội, phóng viên đã lắng nghe thêm ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội. 

Theo đó, nói về sự việc đang “nóng”, nhận được sự quan tâm của dư luận, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết vụ việc này có tác hại gấp đôi, gấp 3 lần, thậm chí gấp 10 lần những đơn vị khác. Bởi, hành vi sai trái của các đơn vị bị thanh tra đã không được xử lý.

“Việc để xảy ra sai phạm ngay ở một cơ quan thanh tra - là cơ quan giám sát kỷ luật các đơn vị khác có ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của dư luận”, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải bày tỏ.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội.

Bên cạnh đó, nói thêm về những tâm tư, ý kiến của cử tri về vụ việc đoàn Thanh tra bộ Xây dựng có hành vi “vòi tiền” chục tỷ đồng để chung chi. Chia sẻ dưới góc độ một ĐBQH, trưởng ban Dân nguyện cho biết: “Với cương vị là ĐBQH, bản thân tôi đã nhận được nhiều ý kiến của cử tri đối với vấn đề này. Phần lớn họ yêu cầu phải xử lý nghiêm. Nếu điều tra có thông tin chính xác thì xử lý nghiêm theo các quy định của luật: Như luật Hình sự, thanh tra, luật cán bộ công chức, viên chức”.

Sự việc ở Vĩnh Phúc vừa xảy ra, khiến nhiều ý kiến cho rằng đạo đức của một bộ phận đội ngũ cán bộ thanh tra, giám sát ngày càng xuống cấp. Đồng thời, cũng bày tỏ băn khoăn về cơ chế quản lý.  

Trao đổi về ý kiến này, bà Nguyễn Thanh Hải cho hay: “Việc thanh tra, kiểm tra là cần thiết, nhưng thanh lọc đội ngũ cán bộ, thanh tra giám sát vi phạm đạo đức giám sát là cần thiết hơn bất kỳ lực lượng nào khác.

Trong việc này cần sớm điều tra để thông tin chính thức cho người dân nắm được. Khi có tin chính thức thì phải xử lý nghiêm, không dung túng bao che bất kỳ người vi phạm nằm trong lực lượng nào. Cần phải có cơ chế, chế tài chặt chẽ hơn nữa trong thanh tra kiểm tra. Đối với công tác thanh tra, kiểm tra, Chính phủ cũng như các cơ quan chức năng đã tăng cường giám sát chặt chẽ hơn hoạt động của các đội ngũ này”.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng nhấn mạnh thêm, cần phải nâng cao chất lượng của công tác thanh tra, kiểm tra trên tất cả mọi lĩnh vực. Đặc biệt, cần bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức kiểm tra, đạo đức công vụ của chính lực lượng thanh tra.

Người nhận nhiệm vụ thanh tra phải tự ý thức trách nhiệm!

Trước đó, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội về việc cần phải có cơ chế như thế nào để không xảy ra những hành động vi phạm tương tự như vụ việc tại Vĩnh Phúc, ĐBQH Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) bày tỏ: “Cơ chế giám sát tốt nhất là tự kiểm tra, giám sát trong đoàn, ở các đối tượng chịu sự kiểm tra và cơ quan chủ quản khi cử ra thành lập đoàn. Sâu xa hơn nữa vẫn là công tác cán bộ, phải lựa chọn đúng cán bộ đủ phẩm chất năng lực.

Thực tế là nhiều cơ quan, bộ ngành vẫn chưa chú trọng tới vấn đề này. Hơn ai hết, chính bản thân người nhận nhiệm vụ thanh tra phải tự ý thức được trách nhiệm của mình. Còn nếu người đó không muốn tuân thủ thì dù có giám sát, theo dõi cũng khó lòng kiểm soát được”.

Nhóm PV Quốc hội