Chính sách

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu: Không thể nói gian lận thi cử trách nhiệm hoàn toàn là lỗi của địa phương

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) bày tỏ nhiều băn khoăn xoay quanh các vấn đề về lĩnh vực giao thông, đời sống xã hội và đặc biệt là vấn đề thi cử trong ngành giáo dục.

Tiếp tục phiên làm việc của kỳ họp thứ 7, sáng nay 30/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2019. Xoay quanh những nội dung này, có 91 đại biểu đăng ký tham gia phát biểu.

Là người tham gia phát biểu đầu tiên, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) cũng đã chia sẻ những trăn trở, băn khoăn của mình cũng như của nhiều cử tri.

Nghe audido: ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu nói về gian lận thi cử

Một bộ phận nhỏ làm vấy bẩn toàn cảnh bức tranh kinh tế

“Trong báo cáo của Chính phủ có nêu nền kinh tế xã hội năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, tôi rất mừng vì các con số tăng trưởng, các thành tựu đã đạt được. Theo logic, các con số này khi công bố sẽ được người dân đón nhận một cách rất hồ hởi. Vậy nhưng, rất nhiều cử tri đã thể hiện sự hoài nghi, nguyên nhân vì niềm tin của người dân bị lung lay nên những cái tốt, cái tích cực không còn được đón nhận và niềm tin ấy mấy đi về những thực tế trong xã hội, như những bức xúc hàng ngày của người dân vẫn chưa được giải quyết hợp lý, nhanh chóng.

Vì vậy, những cố gắng của cả một hệ thống thì còn có một bộ phận nhỏ làm vấy bẩn toàn cảnh bức tranh kinh tế của Việt Nam”, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ.

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ quan điểm của mình trước hội trường.

Bên cạnh đó, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu cũng bày tỏ những vấn đề mà người dân, cử tri An Giang quan tâm: “Về lĩnh vực giao thông, kỳ họp trước tôi đã rất mừng vì Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã trực tiếp đến đoàn tôi để tìm hiểu trong việc triển khai xây dựng đường tránh Long Xuyên. Những tưởng việc đã vào guồng, nhưng, theo tôi được biết 6 tháng vừa qua, mọi việc tiến triển rất chậm.

Một việc có thể tưởng như đạt hiệu quả nhãn tiền kinh tế xã hội của cả một tỉnh, một việc nếu được triển khai thì sẽ không có chuyện người dân kéo đến trạm BOT T2 để phản ứng dữ dội cách đây vài ngày. Hậu quả là một công trình có ý nghĩa quan trọng với đồng bằng sông Cửu Long là cây cầu Vàm Cống vừa khánh thành đã mất đi ý nghĩa nhân văn chỉ vì sai lầm, tắc trách của một bộ phận. Khởi công đường tránh Long Xuyên và có giải pháp tháo gỡ công bằng cho người dân khi đi qua trạm thu phí BOT T2 là mong mỏi lớn nhất của người dân, cử tri”.  

"Phác đồ đúng mà bệnh nhân không khỏi thì phải xem lại quy trình"

Liên quan đến vấn đề đời sống, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu nói: “Về vấn đề đời sống cụ thể về giá điện, giá xăng dầu. Bộ Công Thương có tờ trình về giá điện, giá xăng, rất nhiều con số lập luận Bộ làm đúng, nhưng lấy ví dụ chính bản thân tôi là bác sĩ, khi khám bệnh phác đồ là đúng mà bệnh nhân không tốt lên thì tôi vẫn phải xem xét lại quy trình, phương pháp là đúng nhưng khi triển khai lại sai mắt xích nào đấy.

Vậy nên, khi rất nhiều người dân bức xúc thì bộ Công Thương cần xem xét, rút kinh nghiệm để có phương pháp tiến hành, cách thức quản lý, giám sát phù hợp. Trong thời gian qua, thông tin điều hành giá điện, giá xăng dầu tăng, phải chăng nguồn gốc sâu xa là do sự độc quyền của ngành điện trong việc mua bán truyền tải điện”.

Nhiều kẽ hở trong khâu tổ chức thi cử

“Về vấn đề giáo dục, có rất nhiều vấn đề giáo dục cũng đã được đề cập trong thời gian qua, trong đó có vấn đề cử tri rất bức xúc đó là gian lận thi cử. Cử tri mong mỏi, theo dõi bộ GD&ĐT xử lý nghiêm, chỉ ra những sai sót trong kỳ thi THPT Quốc gia năm vừa qua, người chịu trách nhiệm cụ thể. Không thể nói đây hoàn toàn là lỗi của một địa phương, bởi nhiều địa phương cũng phát hiện ra gian lận thi cử trong kỳ thi vừa qua. 

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu cho rằng gian lận thi cử là lỗi do hệ thống, lỗi quy trình.

Theo tôi, mỗi một năm bộ GD&ĐT thay đổi cách thức thi mới, tuy nhiên càng cải cách kết quả lại càng kém hơn, nhiều tiêu cực phát hiện hơn. Năm vừa qua, Bộ chưa có tập huấn chỉ đạo cấp tỉnh về những kẽ hở khâu chấm thi, phần mềm chấm thi môn tự luận quá lỏng lẻo, bài thi trắc nghiệm không dọc phách, dùng bút chì để khoanh…

Bộ không đánh giá về kết quả thi hàng năm tại các tỉnh, thành phố tỉ lệ điểm thế nào để phân tích kết quả. Không thể có chuyện nhiều tỉnh miền núi điểm khá giỏi lại nhiều hơn Hà Nội, TP.HCM. Việc phúc tra cả nước phát hiện nhiều vi phạm trong kỳ thi vừa qua, đây là lỗi hệ thống, lỗi quy trình rất cần những người chịu trách nhiệm với nhân dân. Có như vậy, trong tương lai những sự kiện thi cử THPT của bộ GD&ĐT nói riêng và các sự kiện trong bộ GD&ĐT nói chung mới đảm bảo tính công bằng và hiệu quả.

Trong giáo dục, việc đánh giá kết quả rất quan trọng, vì vậy bộ GD&ĐT đã có rất nhiều cải cách. Tuy nhiên, phương pháp này là chưa đủ. Trong phiên thảo luận, nhiều người đã bàn về triết lý giáo dục, trước mắt cần đưa ra nguyên tắc giáo dục rất đơn giản cần thiết lúc này đó là một nền giáo dục không nói dối. Không thể tạo nên một sản phẩm giáo dục hoàn hảo khi chúng ta chấp nhận nói dối ngay những năm đầu tiên các con cắp sách đến trường”.

Nhóm PV Quốc hội