Đối thoại

ĐBQH nêu ý nghĩa lớn khi tăng lương cho giáo viên

Việc tăng lương cho giáo viên có ý nghĩa rất lớn, không chỉ cải thiện thu nhập cho nhà giáo mà còn mang ý nghĩa quyết định trong thu hút nguồn nhân lực.

Cách tính lương mới sẽ có sự công bằng

Căn cứ theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, giáo viên là đối tượng được thực hiện cải cách tiền lương dự kiến từ 1/7/2024.

Theo Nghị quyết 27, bảng lương sẽ thiết kế cơ cấu mới gồm: Lương cơ bản (70% tổng quỹ lương) + phụ cấp (30% quỹ lương). Ngoài ra, bảng lương sẽ bổ sung thêm tiền thưởng, chiếm khoảng 10% quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp.

Theo Nghị quyết, cơ cấu tiền lương mới sau cải cách của giáo viên sẽ gồm ba bộ phận là lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng. Do đó, so với hiện nay, lương giáo viên trong khu vực công sẽ được bổ sung thêm tiền thưởng.

Lương giáo viên sẽ được tính theo công chức: Lương = Lương cơ bản + phụ cấp + thưởng (nếu có).

Việc trả lương của giáo viên là viên chức sẽ không thực hiện theo (hệ số x mức lương cơ sở) như hiện nay mà được thay thế bằng các bảng lương theo vị trí việc làm gồm một bảng lương chức vụ và một bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ.

Cũng giống cán bộ, công chức, viên chức khác, giáo viên là viên chức sẽ được sắp xếp lại chế độ phụ cấp khi cải cách tiền lương. Tuy nhiên, dù sắp xếp lại thì cơ cấu phụ cấp của giáo viên vẫn phải chiếm 30% tổng quỹ lương.

Giáo viên là đối tượng được thực hiện cải cách tiền lương dự kiến từ 1/7/2024.

Trên nghị trường Quốc hội, nhiều ĐBQH đề nghị cần quy định lương của giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp khi thực hiện cải cách tiền lương. Xoay quanh nội dung này, Người Đưa Tin đã lắng nghe chia sẻ từ ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách đoàn Hải Dương. 

Nói về ý nghĩa của việc cải cách chính sách tiền lương, bà Nga cho rằng việc cải cách tiền lương mang ý nghĩa rất lớn trong thời điểm hiện nay.

Theo nữ đại biểu, cải cách tiền lương không chỉ đơn thuần là việc tăng lương cho người lao động hưởng lương từ ngân sách Nhà nước mà là thay đổi cách tính lương cho người lao động.

“Cách tính lương mới theo vị trí việc làm, chức trách, nhiệm vụ được giao sẽ khắc phục được những điểm lạc hậu, hạn chế, bất hợp lý của cách tính lương đang áp dụng (tính lương theo hệ số, lương tăng dần theo số năm công tác…)”, bà Nga cho hay.

Do đó, bà Nga cho rằng, với cách tính lương mới sẽ có sự công bằng, hợp lý hơn khi cùng một vị trí việc làm sẽ được hưởng mức lương như nhau; tách tiền công của bộ phận làm công việc phục vụ (lái xe, nhân viên phụ trách điện nước, lao công, tạp vụ...) ra khỏi thang bảng lương của hệ thống công chức, viên chức.

Tất cả mọi chi phí như phụ cấp, các chế độ họp, khoán công tác phí... đều được tính vào lương, rất rõ ràng, rành mạch. “Về cơ bản, lương của công chức, viên chức đều được tăng lên”, bà Nga nói.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga nói về ý nghĩa của việc cải cách chính sách tiền lương.

Bên cạnh đó, với việc cải cách tiền lương có dành một số phần trăm nhất định từ quỹ lương cho công tác khen thưởng những người có thành tích, nỗ lực, chất lượng làm việc tốt... bà Nga cho hay điều này sẽ tránh được "cào bằng" khi hưởng lương từ ngân sách. Động viên kịp thời người lao động và khuyến khích tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.

Thêm một ý nghĩa trong cải cách tiền lương được bà Nga chỉ ra là chúng ta đã có kế hoạch cải cách tiền lương cách đây vài năm. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Chính phủ dồn mọi nguồn lực tập trung cho công tác phòng chống dịch, khôi phục và phát triển kinh tế. 

Đến nay, khi dịch bệnh đã được khống chế, các biện pháp khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội đã và đang phát huy hiệu quả thì một trong những khó khăn phải đối mặt là tình trạng thiếu hụt nhân sự trong một số ngành (giáo dục, y tế). Nữ đại biểu chỉ ra một trong những nguyên nhân cơ bản là do tiền lương quá thấp, tỉ lệ nghịch với những áp lực công việc nên rất khó thu hút nhân lực, khó giữ chân người có năng lực.

"Nhìn rộng ở khu vực công hiện nay, mức lương của người lao động còn rất khiêm tốn so với mặt bằng cuộc sống. Với sự biến động rất mạnh mẽ của tình hình kinh tế thế giới theo xu hướng khủng hoảng toàn cầu thì mức lương hiện tại của công chức viên chức là điểm nghẽn cho việc thu hút người tài làm việc cho khu vực công", bà Nga nói. 

Đồng thời khẳng định cải cách tiền lương là việc làm ý nghĩa và nhân văn, không những đảm bảo đời sống cho người lao động, tạo sự công bằng hơn trong chi trả lương mà còn có ý nghĩa then chốt với việc nỗ lực nâng cao năng suất lao động khu vực công.

Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao

Xoay quanh câu chuyện tăng lương của giáo viên, trên diễn đàn Quốc hội, các ĐBQH cũng đã đưa ra quan điểm của mình, đồng thời đề xuất cần quy định lương của giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. 

Về vấn đề này, theo bà Nga "có thực mới vực được đạo" là câu tục ngữ rất thấm thía của ông cha ta. Chúng ta khó đòi hỏi đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nếu không đổi mới tiền lương cho giáo viên theo hướng tăng lên.

"Thực trạng đáng trăn trở hiện nay là lương giáo viên thấp và chưa tương xứng với trọng trách nghề nghiệp cũng như công sức của giáo viên", bà Nga nói và cho biết đây cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến nhiều hệ luỵ như: Giáo viên bỏ nghề, chuyển nghề do áp lực cơm áo gạo tiền, đồng lương không đáp ứng.

Việc tăng lương cho giáo viên có ý nghĩa rất lớn.

Lạm dụng tổ chức dạy thêm tràn lan, ép buộc học sinh không có nhu cầu, nguyện vọng buộc phải đi học thêm. Sự chểnh mảng trong nghề nghiệp vì phải dành nhiều thời gian lo công việc "tay trái" để có thêm thu nhập…

Hệ lụy nữa là khó tuyển sinh ở khối các trường sư phạm, khó thu hút, giữ chân nhân tài, khó động viên đội ngũ giáo viên toàn tâm toàn ý, dồn hết tâm huyết cho công việc...

"Thu nhập ít ỏi từ lương giáo viên phần nào ảnh hưởng đến vai trò và vị thế nhà giáo trong xã hội. Tất cả những điều đó đều ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng giáo dục và đào tạo", bà Nga nói. 

Do đó, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc tăng lương cho giáo viên có ý nghĩa rất lớn, không chỉ cải thiện thu nhập cho nhà giáo mà còn mang ý nghĩa quyết định trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào ngành giáo dục.

"Đây là nhân tố cốt lõi, quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Đặc biệt trong bối cảnh đang thiếu giáo viên và ngành giáo dục đang đẩy mạnh việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục", bà Nga cho hay.

Theo bà Nga, không chỉ đội ngũ công tác trong ngành giáo dục mong chờ việc cải cách tiền lương của ngành giáo dục mà xã hội đều kỳ vọng đây là một trong những giải pháp hiệu quả và nhân văn để phát triển giáo dục trong thời gian tới.

Đề xuất tiền lương giáo viên cao nhất hệ thống hành chính sự nghiệp

Trước đó, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV, thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024... ĐBQH Hà Ánh Phượng (đoàn Phú Thọ) đề cập về vấn đề lương của giáo viên và nhân viên trường học hiện nay.

Đại biểu cho rằng, thực tế qua 10 năm thực hiện chế độ tiền lương, mức thu nhập của nhà giáo vẫn thấp, thậm chí có nhóm nhà giáo không đủ trang trải cuộc sống của gia đình.

Do tiền lương thấp nên nhiều người đã phải nghỉ chuyển việc hoặc là làm thêm. Vì vậy dẫn đến tình trạng chưa tròn vai và chưa tâm huyết với nghề. Và hiện nay phụ cấp của giáo viên rất thấp, thậm chí có những vị trí không được hưởng phụ cấp gì.

Vì vậy, đại biểu Hà Ánh Phượng đề nghị Quốc hội, Chính phủ trong cải cách tiền lương lần này cần quy định tiền lương của giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc theo vùng, đúng theo tinh thần Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đồng thời, đề nghị phải có giải pháp tăng lương và phụ cấp cho nhân viên trường học để họ yên tâm công tác, cống hiến với nghề, đáp ứng yêu cầu dạy và học trong giai đoạn hiện nay.