Chính sách

ĐBQH: "Một số công trình PPP thiếu minh bạch, tạo cơ hội cho tham nhũng"

Bàn về dự án luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) tại Quốc hội, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho rằng, nhiều đại biểu cho rằng, thực tiễn triển khai một số công trình PPP vừa qua vừa thiếu minh bạch, thất thoát tài sản, tạo cơ hội cho tham nhũng và kết cục là nhiều cán bộ lãnh đạo vướng vào vòng lao lý.

“Sinh con rồi mới sinh cha”

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đoàn TP. Hà Nội mở đầu bài phát biểu của mình bằng sự chưa hài lòng đối với việc chậm trễ trong xây dựng luật: “Trong công tác xây dựng pháp luật nước ta từ trước đến nay thường có hiện tượng "sinh con rồi mới sinh cha". Có luật Quy hoạch đô thị rồi mới xây dựng luật Quy hoạch. Có luật Đầu tư công, luật Đầu tư nay lại mới xây dựng luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Chung quy là vì xây dựng luật của các bộ, ngành chỉ theo chức năng, nhiệm vụ của mình đề xuất mà chưa coi trọng dựa vào cơ sở khoa học pháp lý, luận cứ khoa học về quản lý với một tính chất là tổng thể quản lý Nhà nước trong vấn đề là hoạch định chính sách pháp luật”.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh. Ảnh Ngọc Thắng.

Góp ý cụ thể về dự án Luật, Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho rằng, về phạm vi điều chỉnh, trong dự thảo luật còn chưa đầy đủ, không rõ ràng, không minh bạch: “Chúng ta đã thấy thực tiễn triển khai một số công trình đối tác công tư vừa qua vừa thiếu minh bạch, thất thoát tài sản, tạo cơ hội cho tham nhũng và kết cục là nhiều cán bộ lãnh đạo vướng vào vòng lao lý”.

Vì vậy, Đại biểu Quốc Khánh đề nghị phạm vi điều chỉnh của luật cần sửa đổi rõ ràng: "Luật này quy định quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động đầu tư các dự án giữa khu vực công và khu vực tư, nhằm thu hút các nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu cung ứng dịch vụ công, trách nhiệm của các bên, quản lý Nhà nước, giám sát của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Quy định như vậy sẽ phù hợp với các luật hiện hành và rất rõ ràng để cho mọi người cùng biết, bây giờ nhìn vào phạm vi điều chỉnh này vừa không rõ ràng mà cũng không hiểu như rất nhiều đại biểu đã phát biểu vấn đề".

Clip: Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh phát biểu tại nghị trường: 

Lời ăn, lỗ chịu

Bày tỏ những băn khoăn về quy định chia sẻ rủi ro, bà Vũ Thị Lưu Mai, đoàn TP Hà Nội cho rằng khi nói đến PPP là nói đến hợp đồng, sự tự nguyện, cơ chế thỏa thuận giữa Nhà nước với chủ đầu tư, lời ăn lỗ chịu theo nguyên tắc thị trường.

"Trước khi ký kết hợp đồng, nhà đầu tư đủ thông minh để hình dung 2 yếu tố lợi nhuận và rủi ro. Lợi nhuận càng lớn thì rủi ro càng cao. Khi ký hợp đồng thì đồng nghĩa với chấp nhận rủi ro", bà Mai nhấn mạnh.

Bà Mai cũng bày tỏ quan điểm xung quanh việc dự án luật cho phép nhà đầu tư tăng giá, phí dịch vụ, kéo dài thời gian thu phí. Đây là những điều ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích người dân.

"Ở đây, chủ thể phải trả không phải Nhà nước mà là người dân. Khi đưa quy định vào dự thảo luật, cần tính đến phản ứng người dân đã diễn ra ở các trạm thu phí cũng như dư luận chưa tốt về một số dự án BOT thời gian vừa qua", bà Mai cho biết.

Việc nhà nước chia sẻ tối đa 50% rủi ro với dự án, theo bà Mai, cũng cần được làm rõ. Cụ thể, việc chia sẻ này được tiến hành dưới hình thức nào, nguồn lấy từ đâu để chia sẻ rủi ro. Trong trường hợp nó tác động đến nợ công thì sẽ xử lý như thế nào. Đây chính là những câu hỏi mà Đại biểu Mai cho rằng chưa có câu trả lời trong dự án luật.

Ngoài ra, vị đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội cũng cho rằng dự án luật chưa đưa ra những căn cứ, tiêu chí để xác định mức độ rủi ro, chưa quy định cơ quan nào có trách nhiệm xác định rủi ro. "Hiện nay, theo dự án luật, Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm soát vốn đầu tư công mà không phải toàn bộ dự án. Quy định này tạo ra bất cập vì không thể xác định toàn bộ rủi ro của dự án nếu chỉ kiểm toán 1 phần", bà Mai cho biết.

Bà Mai đặt vấn đề rằng bộ Tài chính được giao thẩm định cơ chế áp dụng thì bộ Tài chính có phải cơ quan chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực trong việc xác định thực chất rủi ro hay không? Điều này chưa được làm rõ.

"Liên quan đến thẩm quyền, dự thảo quy định Chính phủ có thẩm quyền quyết định áp dụng cơ chế rủi ro. Tuy nhiên, với chi trả lớn, liên quan trực tiếp tới dự toán ngân sách hàng năm, ngân sách trung hạn, an toàn nợ công thì thẩm quyền không phải của Chính phủ. Điều này dự thảo luật chưa quy định", bà Mai cho biết.

Nữ đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn: "Dự thảo luật đưa ra quy định nghe có vẻ rất hợp lý là trong trường hợp có lợi nhuận tăng thêm thì nhà đầu tư chia sẻ với Nhà nước. Tuy nhiên, 22 năm qua, từ khi áp dụng PPP tới nay, chưa nhà đầu tư nào áp dụng chia sẻ lợi nhuận với Nhà nước trong khi Nhà nước vẫn trả khoản lỗ cho một số dự án BOT. Đây là điều cần xem xét, cân nhắc".

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh Ngọc Thắng.

Về chia sẻ rủi ro, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng đây là một vấn đề rất lớn, vừa mới, vừa khó nhưng được đa số các đại biểu đánh giá cao và nhiều sự đồng thuận.

"Về cơ chế nhằm chia sẻ rủi ro cho các nhà đầu tư khi đầu tư các dự án công, chúng ta phải xác định đây thuộc trách nhiệm Nhà nước, nhà đầu tư bỏ tiền ra làm, sau đó vận hành và giao lại cho Nhà nước, nên phải có cơ chế chia sẻ rủi ro này với các nhà đầu tư thì các nhà đầu tư mới yên tâm để tham gia đầu tư với chúng ta.

Đây là cơ chế chia sẻ rủi ro chứ không phải cơ chế bảo lãnh. Mục tiêu của nhà đầu tư theo chúng tôi hiểu là kinh doanh để kiếm lợi nhuận chứ không phải là chờ thua lỗ để nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước. Việc này không áp dụng tràn lan và cũng chỉ số ít dự án đặc biệt quan trọng, khi không thể điều chỉnh thời hạn thì chúng ta mới thực hiện", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.

Công Luân - Hoa Liên