Chính sách

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: “Một người có thể bị tước đoạt đi mạng sống chỉ vì 1 kết luận giám định”

Đánh giá tầm quan trọng của kết luận giám định trong các vụ án, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, kết luận giám định tư pháp được coi như bản án thứ nhất, chính vì vậy càng đòi hỏi trách nhiệm cao của những người làm nghề.

Tiếp tục chương trình làm việc của mình, sáng 25/11 Quốc hội đã tiến hành thảo luận về dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giám định tư pháp.

Theo ông Nhưỡng, trong báo cáo trước đó Chính phủ nêu rằng có phân cấp trong giám định, sau đó bổ sung Điều 25a là vấn đề phân tuyến. Về vấn đề này, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng đồng tình với quan điểm của Ủy ban Tư pháp là chúng ta không nên, bởi vì bản chất của giám định tư pháp là vấn đề chuyên môn, không phải là vấn đề quản lý.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, đoàn Bến Tre. Ảnh Ngọc Thắng

“Đây là vấn đề thuộc về lĩnh vực tư pháp và bản thân giám định rất cần thiết tính độc lập của các cơ quan và tính độc lập của kết luận giám định. Khi tham mưu ở ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, chúng tôi có một ví von là “kết luận giám định tư pháp được coi như bản án thứ nhất”, dựa vào kết luận này để kết luận có tội hay không có tội, nặng hay nhẹ, sống hay chết, thắng hay thua”, ông Nhưỡng cho hay.

Tiếp theo, vị ĐBQH đoàn Bến Tre đồng tình với việc để cho các cơ quan tố tụng trước khi ra phán quyết có thể hỏi và tọa đàm ý kiến các chuyên gia để làm rõ nội dung của giám định.

“Nó không ảnh hưởng đến tính độc lập của cơ quan tư pháp, đây chỉ là làm rõ vấn đề. Tôi lấy ví dụ như vụ của Hoàng Công Lương vừa qua, có nhà khoa học khẳng định rằng phương pháp giám định như thế không ổn, mới dẫn đến nhận định là có tội.

Nhưng nếu theo phương pháp của các chuyên gia thì người ta khẳng định rằng làm như thế sẽ đảm bảo Hoàng Công Lương không có tội. Ở đây, người ta tọa đàm chuyên môn. Tôi nghĩ rằng cơ quan tố tụng hoàn toàn có thẩm quyền để hỏi ý kiến các nhà chuyên môn, các chuyên gia, tôi đồng tình với quan điểm này”, ông Nhưỡng nêu ví dụ.

Ngoài ra, Đại biểu cho rằng, quy định trách nhiệm của các cơ quan giám định và người giám định không cao. Ông cho rằng, nếu một cơ quan không phải là cơ quan giám định, như vậy, cơ quan đó sẽ không có thẩm quyền nhưng lại cố gắng giành lấy việc thực hiện vì lợi nhuận hoặc vì móc ngoặc tham nhũng.

Từ đó, ông nêu: "Chúng ta phải có những chính sách để xử lý thật nghiêm và quy định rõ trong luật, từ điều cấm cho đến nội dung quy định trách nhiệm để tránh tình trạng này. Bởi lẽ, đây chính là bản án thứ nhất, nếu chúng ta không làm nghiêm từ khâu giám định có thể dẫn đến hậu quả vô cùng khôn lường. Một người có thể bị tước đoạt đi mạng sống này chỉ vì 1 kết luận giám định, rất nhiều người đã bị tử hình. Quá trình giám định rất đàng hoàng, nhưng cuối cùng người thực hiện hành vi đâm dao lại không phải những người đã chấp hành bản án tử hình".

Clip: Phát biểu của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng:

Cũng về công tác giám định tư pháp, ĐBQH Nguyễn Văn Khánh, đoàn Bình Dương cho hay, qua gần 7 năm thực hiện những quy định của luật Giám định tư pháp đã giúp các cơ quan tư pháp giải quyết các vụ án, vụ việc đảm bảo có căn cứ chống được oan sai, chống bỏ lọt tội phạm có hiệu quả, giải quyết có hiệu quả các khiếu kiện trong xã hội.

Tuy nhiên, luật Giám định tư pháp đã bộc lộ những hạn chế về tổ chức giám định tư pháp công, về phạm vi lĩnh vực cho phép thành lập văn phòng giám định tư pháp, về đội ngũ người làm giám định tư pháp, về hoạt động giám định tư pháp.

Vì vậy, cần sửa đổi luật Giám định tư pháp năm 2012 nhằm tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc hiện nay, nhất là khâu tổ chức thực hiện luật.

“Việc sửa đổi, bổ sung luật chỉ cần sửa đổi, bổ sung những quy định nhằm tập trung tháo gỡ những vướng mắc mà thực tiễn thi hành luật Giám định tư pháp đặt ra đáp ứng yêu cầu, nguyên tắc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng và đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật”, ĐBQH Nguyễn Văn Khánh đề xuất.

Công Luân - Hoa Liên