Chính sách

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng chưa hài lòng với trả lời chất vấn của Bộ trưởng bộ Công Thương

Đánh giá về phần trả lời chất vấn trước Quốc hội của Bộ trưởng bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng “chưa đến nơi, đến chốn”, thậm chí có phần né tránh trong những câu trả lời của mình.

Tuần qua, Bộ trưởng bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã trả lời chất vấn trước Quốc hội về những vấn đề mà cử tri, đại biểu quan tâm.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) trong phần chất vấn của mình đã gửi tới người đứng đầu bộ Công Thương 2 vấn đề. Thứ nhất, đối với việc “bổ nhiệm thần tốc” ông Vũ Hùng Sơn (Ban chỉ đạo 389), dù dư luận hết sức quan tâm, tuy nhiên cho đến nay việc xử lý vẫn chưa triệt để.

Thứ hai, ông Nhưỡng đặt vấn đề về các dự án điện trọng điểm chưa thực hiện tốt, thậm chí có dự án còn gia nhập “câu lạc bộ nghìn tỷ”. Đại biểu đoàn Bến Tre đặt câu hỏi: “Có hay không việc phớt lờ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội trong dự án điện Bạc Liêu? Có hay không có khuất tất về dự án này liên quan đến vấn đề lợi ích nhóm, liên quan đến dự án điện khí Cà Ná? Đồng thời, đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm trong dự án điện Long Phú 1?”.

Bộ trưởng bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời trước Quốc hội. Ảnh Ngọc Thắng.

Về vấn đề thứ nhất, Bộ trưởng bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, đã rà soát và có trao đổi với các cơ quan chức năng, kể cả bộ Nội vụ cũng như Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương về một số điều kiện, tiêu chuẩn, tiêu chí liên quan đến cán bộ. Chúng tôi cũng xin báo cáo đại biểu Quốc hội trong văn bản mới.

Đối với câu hỏi về các dự án điện, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết nhận được báo cáo của tỉnh Bạc Liêu, chủ đầu tư và đối tác cho thấy giá điện sơ bộ có thể đạt khoảng 7 cent. Và Bộ đã ghi nhận điều này trong báo cáo tổng thể của dự án để trình Chính phủ.

“Chắc chắn ngay cả các dự án khác như các trung tâm điện lực mới, kể cả Sơn Mỹ, về phía LNG, hay Long Sơn ở Vũng Tàu hay Cà Ná và v.v.. đều có những nguyên tắc để đánh giá. Trong đó có những vấn đề công khai, minh bạch giá điện và tác động của nó đến cơ cấu giá điện chung của chúng ta và hiệu quả đóng góp cho kinh tế, xã hội và đời sống của nhân dân”, ông Tuấn Anh cho hay.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tại Quốc hội. Ảnh Ngọc Thắng.

Bên lề hành lang Quốc hội, đánh giá về câu trả lời này, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng tỏ vẻ không hài lòng: “Câu hỏi của tôi, tôi nghĩ là Bộ trưởng trả lời chưa đến nơi đến chốn. Câu chuyện xử lý đối với trường hợp Vũ Hùng Sơn thì ông ấy không nói ra, tôi sẽ yêu cầu bộ trưởng trả lời bằng văn bản về vấn đề này. Bởi vì đây là việc mà hiện nay theo tôi nghĩ là Bộ trưởng đã thụ lý về giải quyết tố cáo nhưng mà việc chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã từ năm 2018 cho đến bây giờ vẫn chưa xử lý”.

Ông Nhưỡng bày tỏ sự mong muốn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phải có một thái độ cầu thị và nghiêm túc trong quá trình xử lý, để qua đó chấn chỉnh đảm bảo nội bộ của mình tốt, từ đó mới xử lý được các vấn đề khác.

Về vấn đề giá điện, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết ông chưa nhận được câu trả lời thích đáng về giá điện dự kiến sau khi vận hành các dự án nhà máy điện, bởi với những giá mà bộ Công Thương nêu trong báo cáo sẽ gây thiệt hại cho nhân dân rất nhiều.

Cụ thể ông Nhưỡng bày tỏ sự nghi ngại khi lựa chọn dự án để triển khai của bộ Công Thương: “Dự án Cà Ná là 8,5 cent/ kWh (cent - đơn vị tiền tệ của Mỹ - PV), nếu mà trong vòng 25 năm thì người dân ít nhất thiệt hại 6 -11 tỉ USD. Dự án của Bạc Liêu chỉ có 7cent thôi, rẻ hơn hẳn 1cent, tiết kiệm được 6 tỉ USD”.

Không chỉ có vậy, ông Nhưỡng cũng chỉ ra sự thất bại trong nhà máy nhiệt điện Long Phú: “Nhà máy nhiệt điện Long Phú của chúng ta hiện nay là thất bại, và trước khi có cuộc chất vấn này, Bộ trưởng đã trả lời tôi bằng văn bản đối với dự án này”.

Không chỉ thất bại trong việc xây dựng, Đại biểu đoàn Bến Tre còn cho biết chúng ta đang đối diện với khoản đền bù khổng lồ từ dự án.

“Tôi nói dự án này gia nhập vào Câu lạc bộ nghìn tỉ (Các dự án thua lỗ nghìn tỷ - PV) là như vậy, mình sẽ mất là như vậy thì Bộ trưởng chưa trả lời được”, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho hay.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (trái) và Đại biểu Đỗ Văn Sinh (phải) bày tỏ sự quan tâm đến những vấn đề trong ngành điện của bộ Công Thương. Ảnh Ngọc Thắng.

Phân tích thêm về các dự án điện, Đại biểu Đỗ Văn Sinh đoàn Quảng Trị cho biết thật khó lý giải với giá điện từ nhà máy của bộ Công Thương. Ông phân tích: “Mình đầu tư bên này (trên lãnh thổ Việt Nam – PV), mất cả diện tích để mình làm, tức là mất cả đất đai, thế mà mua từ nước ngoài giá rẻ thế, nhìn sang thế giới còn thấp nữa. Dự án khí nhiệt hóa lỏng của Bạc Liêu, người ta (đơn vị đầu tư nước ngoài - PV) cam kết giá chỉ có 7cent, tại sao mình thu mua hiện nay với giá 9.35cent? Lý giải tại sao?”.

Ngoài ra, Đại biểu Đỗ Văn Sinh thấy tầm nhìn dự báo của mình là có vấn đề. Mặc dù ông cho rằng Bộ trưởng nói rất hay rằng nếu như tốc độ phát triển kinh tế khoảng 6 - 7%, thì mức tiêu thụ điện cũng tăng khoảng 12 - 13%.

“Mình đã biết trước được xu thế, thậm chí chúng ta còn có chiến lược dài đến năm 2030 rồi, vậy thì chiến lược phát triển ngành điện thế nào? Đấy là câu chuyện phải nhận trách nhiệm trước việc đó”.

Cuối cùng, ông cho rằng phải làm nhanh việc quy hoạch, tìm mọi cơ chế để đẩy cho nhanh và đặc biệt phải đầu tư đồng bộ giữa việc phát điện và hệ thống truyền tải, hệ thống trạm biến áp. Đó là việc bộ Công Thương phải làm với ngành điện.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: "Tôi có lần đã nói, cơ quan nào, đơn vị nào có chức năng sản xuất, cung ứng điện mà không đảm bảo cấp điện liên quan đến vấn đề mất chức chứ không phải bình thường, để nêu cao tinh thần trách nhiệm".

 

Công Luân – Hoa Liên