Chính sách

ĐBQH lo lắng “trên nóng, dưới nóng” nhưng “ở giữa lạnh”!

Phát biểu trước Quốc hội sáng nay, ĐBQH Vũ Tiến Lộc cho rằng, cần phải quyết tâm “cởi trói” cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, không thể để “trên nóng, dưới nóng” nhưng “ở giữa lạnh”!

Phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội sáng nay (27/10), ĐBQH Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) cho biết: Về cơ bản, ông nhất trí với báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Những việc đã làm được thì các báo cáo đề cập tương đối cụ thể, toàn diện.

Vị Đại biểu đánh giá, Chính phủ đã triển khai rất kiên định, quyết liệt chương trình hành động để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển doanh nghiệp. Đây là lần đầu tiên Chính phủ đã xây dựng chương trình này cho cả nhiệm kỳ.

Hai là, Chính phủ đã ghi được những dấu mốc mới rất quan trọng trong tiến trình hội nhập quốc tế, với việc ký kết đàm phán và thúc đẩy phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Ba là, nhìn vào bức tranh kinh tế tổng thể của nước ta thì niềm tin đang được khơi dậy, kinh tế vĩ mô ổn định, an sinh bảo đảm, doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh, đầu tư trong và ngoài nước được mở rộng, tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhất trong gần 1 thập kỷ qua. Trong bối cảnh kinh tế thế giới phức tạp thì đó thực sự là một kỳ tích.

ĐBQH Vũ Tiến Lộc.

Tuy nhiên, Đại biểu Vũ Tiến Lộc cũng còn một số vấn đề băn khoăn và kiến nghị. Ông Lộc đặt vấn đề: “Một là, về tăng trưởng, qua các báo cáo, tôi thấy dường như chúng ta hơi quá lạc quan về triển vọng phát triển kinh tế trong những năm tới. Mặc dù trong giai đoạn năm 2016 – 2018, nền kinh tế tăng trưởng khả quan, với tốc độ tăng trưởng trung bình ước tính khoảng 6,57%/năm, nhưng việc đạt được tốc độ tăng trưởng trung bình 6,5 – 7% cho cả giai đoạn 2016 – 2020, theo tôi vẫn là thách thức rất lớn. Nền kinh tế của chúng ta đang có độ mở rất cao, vì thế rất nhậy cảm với những tác động từ bên ngoài.

Trong bối cảnh cục Dự trữ liên bang Mỹ thắt chặt tiền tệ, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và giữa các nền kinh tế lớn đang có xu hướng leo thang thì liệu Việt Nam có thể tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trên 10%/năm cho hai năm tơi?...”.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: “Nhiều dự báo cho tăng trưởng kinh tế dự báo toàn cầu cũng như tăng trưởng kinh tế Mỹ cho giai đoạn 2019 – 2020 đang được điều chỉnh theo hướng giảm đi. Trong bối cảnh đó, tôi cho rằng xu lướng về xuất khẩu, đầu tư trong 3 năm tới của chúng ta khó khả quan và thuận lợi.

Do vậy, tôi đề nghị việc xác định các mục tiêu khác như thu chi ngân sách, nợ công rất cần có sự cẩn trọng, cân nhắc kỹ, không nên dựa vào tốc độ tăng trưởng GDP”.

Về vấn đề lạm phát, ông Lộc cho rằng: “Trong khi có vẻ lạc quan về tăng trưởng kinh tế thì Chính phủ dường như thiếu tự tin về mục tiêu kiềm chế lạm phát. Trong 3 năm qua, đặc biệt là 2018, chúng ta vẫn giữ vững lạm phát dưới 4%... Đó là một trong những thành tựu quan trọng bậc nhất, thể hiện bản lĩnh và năng lực điều hành kinh tế của Chính phủ. Lạm phát thấp đã và đang tạo điều kiện cho ổn định giá cả, ổn định lãi suất, thúc đẩy kinh tế phát triển cao hơn, bền vững hơn. Vậy tại sao chúng ta lại không kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4%?”.

“Tóm lại, khi thay đổi mục tiêu lạm phát từ “dưới 4%” thành “khoảng 4%”, Chính phủ dường như đang rút khỏi cam kết vàng đang được doanh nghiệp, người dân, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đồng lòng ủng hộ. Với sự điều chỉnh này, Chính phủ sẽ khó bảo đảm mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội là đưa làm phát về dưới 3% vào cuối nhiệm kỳ”, ông Lộc nói.

Về mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020, theo ông Lộc, đây là một mục tiêu rất nhiều thách thức.

Đại biểu Lộc phân tích” “Để đạt được mục tiêu này, điểm nghẽn thể chế là chưa có một chế độ kế toán, chính sách thuế phù hợp cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Để đảm bảo cho các doanh nghiệp này không bất lợi so với các doanh nghiệp lớn mà còn được đối xử với các hộ kinh doanh…

Tôi kiến nghị phải áp dụng chế độ kế toán và thuế thật đơn giản cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ như các nước đã làm. Đây là giải pháp có tính đột phá. Giải pháp này cộng hưởng với các giải pháp quyết liệt, đồng bộ với nỗ lực của chính phủ, đặc biệt là cắt giảm giấy phép con và thủ tục hành chính.

Với phương châm tiếp tục cởi trói cho doanh nghiệp với tinh thần “trên nóng, dưới nóng”, và “ở giữa cũng phải nóng”. Chứ không phải như hiện nay, “trên nóng, dưới nóng” mà “ở giữa lại lạnh”. Có như vậy, chúng ta mới khởi động được hành trình nâng cấp, chính thức hóa khu vực kinh tế tư nhân, chuyển đổi các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Với hành trình này thì mục tiêu có được 1 hay 2 hoặc 3 triệu doanh nghiệp tưởng xa vời nhưng lại thành hiện thực”.