Sự kiện

ĐBQH Lê Thanh Vân đề xuất giám sát trong việc bổ nhiệm, luân chuyển

Đại biểu Lê Thanh Vân đề xuất Quốc hội cân nhắc thay 2 chuyên đề giám sát về hành chính và giám sát về thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Ngày 21/7, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ hai, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XV. Tại đây các đại biểu đã bàn về các chuyên đề dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022 gồm:

Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021

Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành.

Chuyên đề 3: Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021.

Chuyên đề 4: Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021.

Hai chuyên đề giám sát dư luận quan tâm

Phát biểu thảo luận, ĐBQH Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đề nghị Quốc hội cân nhắc thay 2 chuyên đề giám sát về hành chính và giám sát về thực hành tiết kiệm chống lãng phí bằng hai chuyên đề mà nhân dân quan tâm.

Thứ nhất, việc thực hiện chính sách pháp luật trong việc bổ nhiệm, luân chuyển. Thứ hai là việc thực hiện chính sách pháp luật trong quản lý sử dụng tài sản công.

Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022.

Đối với việc thực hiện chính sách pháp luật trong việc bổ nhiệm, luân chuyển ông lấy ví dụ bằng 2 câu chuyện nóng trong thời gian gần đây: “Một cán bộ tại TP. Nha Trang nhận thức ấu trĩ về chống dịch. Việc luân chuyển từ phòng chuyên môn của thành phố xuống, dư luận đặt ra câu hỏi rằng cán bộ như vậy làm vị trí trụ cột ở phường là mắt xích cuối cùng nối nhà nước với nhân dân thì uy tín của Đảng, Nhà nước thế nào?

Ngay Quốc hội, Hội đồng bầu cử phải loại một đại biểu bầu ra nhưng không đủ tư cách. Lý do là vi phạm trước đó rất nhiều năm. Điều đó cho thấy công tác triển khai các quy định về tổ chức nhân sự bởi các văn bản pháp luật có những lúc tùy tiện, thiếu quyết đoán, không chọn đúng người”.

Theo đại biểu này, nếu giám sát chuyên đề này có kết quả sẽ là một động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho chính phủ sốc lại đội hình, nâng cao chất lượng bộ máy để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chiến lược 5 năm.

ĐB Lê Thanh Vân nói thêm, chuyên đề thứ hai là việc thực hiện chính sách pháp luật trong quản lý sử dụng tài sản công ở các doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập. Tài sản công trong các đơn vị này được chuyển hóa từ công sang tư bằng nhiều thủ đoạn như đấu giá trá hình, chuyển đổi mục đích sử dụng. Thời gian qua cho thấy vi phạm rất nhiều nhưng thời gian qua lại ít kiểm tra, ít giám sát.

Giám sát tối cao của Quốc hội rất cần thiết

Trong khi đó, đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định) cho rằng vấn đề giám sát, nhất là nội dung giám sát tối cao của Quốc hội là rất cần thiết. Chúng ta có rất nhiều nội dung giám sát tuân theo pháp luật, giám sát để thực hiện những quyết định của Quốc hội. Theo đề nghị của các đại biểu, của các đoàn, có nhiều nội dung, đối tượng, lĩnh vực cần giám sát.

“Tôi nghĩ rằng, trong nhiều nội dung như vậy thì phải “liệu cơm, gắp mắm”. Tôi tán thành với tinh thần tờ trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, trên cơ sở đó sẽ lựa chọn danh sách chuyên đề cụ thể”, BĐ Kim nói.

Cũng theo đại biểu Vũ Trọng Kim, khi đưa chương trình cụ thể từng chuyên đề, chúng ta thường có kế hoạch chặt chẽ, có thời gian, có nội dung, có yêu cầu và khi thực hiện báo cáo giám sát nêu rất cụ thể về những kết quả đạt được, những ưu điểm, tồn tại kể cả những vấn đề kiến nghị.

Nhưng vấn đề tồn tại mà chúng ta chưa quan tâm thoả đáng trong chủ trương thực hiện giám sát này từ trước tới nay đó là vấn đề “hậu giám sát”.  Do vậy, từ lần này, khi lập chương trình thì cần đặt ra việc “hậu giám sát” để giao cho cơ quan, đơn vị nào thực hiện việc theo dõi, báo cáo Quốc hội.

Trong những kiến nghị đó, các địa phương, các đối tượng được giám sát có những kết quả gì, đã thực hiện ra làm sao chứ không phải như “lưỡi dao chặt xuống nước” sau khi “lưỡi dao rút lên rồi thì nước lại như cũ”.

Cho nên, chúng ta có chương trình giám sát công phu nhưng sau đó đạt kết quả như thế nào để thực hiện những kiến nghị cần hết sức lưu ý. Kể cả những kiến nghị của các đoàn giám sát với các ngành và Chính phủ. Các cơ quan, đơn vị này cần báo cáo kết quả đã thực hiện hay trả lời những kiến nghị đó cụ thể.

“Khi thực hiện hậu giám sát, tôi rất mong muốn điều đó. Nếu hậu giám sát làm được tốt thì mới hiệu quả mới mang lại”, ông Kim nói. 

Quan tâm đến vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

ĐBQH Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định).

Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định) nhất trí với các nội dung trong tờ trình, trong đó đại biểu này cho biết việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 đã chỉ ra nhiều lĩnh vực còn xảy ra lãng phí, vi phạm kế hoạch tiến độ… gây ảnh hưởng đến việc phát triển kế hoạch, đề án khác…. Đây là những vấn dề lớn của đất nước.

Về chuyên đề giám sát này, đại biểu Dũng đã đề cập đến vấn đề tiết kiệm điện. Đó là lãnh đạo ngành điện giải thích làm rõ ý nghĩa tác dụng của một hộ gia đình sử dụng điện thích hợp không sử dụng điện tràn lan, không để điều hoà quá thấp thì không chỉ giảm chi phí cho mình mà phần điện không dùng đến sẽ sử dụng cho hộ khác.

“Ông bà chúng ta có câu tích tiểu thành đại, với sự phát triển kinh tế như hiện nay, cùng sự tiết kiệm của mỗi công dân, doanh nghiệp. Tôi cho rằng điều này sẽ giúp đất nước phồn vinh. Nếu thông qua chuyên đề này chúng ta không chỉ hoàn thiện khung pháp lý mà còn giúp đi vào tâm thức mỗi cá nhân về việc thực hành chống lãng phí. Không chỉ làm lợi cho chính mình, gia đình mình mà còn làm lợi cho xã hội. Vì thế, tôi lựa chọn chuyên đề 1, việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, ĐB Dũng chia sẻ.

Hoàng Bích