Tiêu điểm

ĐBQH kiến nghị "sớm thương lượng tăng lương tối thiểu năm 2023"

Cử tri cho rằng, một trong những giải pháp hiệu quả trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực với cán bộ công chức, viên chức, là thu nhập phải đảm bảo cuộc sống.

Cán bộ thiếu trách nhiệm, ngại khó, ngại khổ

Thảo luận tại Hội trường của Quốc hội sáng 1/6 về vấn đề kinh tế - xã hội, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) cho rằng, tham nhũng, tiêu cực vẫn còn nhức nhối, gây ảnh hưởng lớn đến phục hồi, phát triển kinh tế xã hội.

Ông chỉ rõ, đó là tình trạng lợi dụng kẽ hở thao túng thị trường trái phiếu, chứng khoán; thao túng thị trường bất động sản thông qua đấu giá, nâng giá; thao túng thị trường vật tư y tế, thuốc chữa bệnh…

Để hạn chế tình trạng trên, theo đại biểu Huỳnh Thanh Phương, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao trách nhiệm của bộ máy quản lý một cách thực chất, nhất là người đứng đầu.

“Thực tế còn nhiều điểm nghẽn, có nhiều thủ tục không có trong quy định. Thêm vào đó là tình trạng thiếu trách nhiệm, đùn đẩy, sợ liên đới, ngại khó, ngại khổ; mưu cầu lợi ích cục bộ, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm… ở không ít cán bộ quản lý", đại biểu Phương nói.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương cho rằng, thu nhập chính từ lương hàng tháng hiện nay thấp, đã và đang bào mòn liêm sỉ của cán bộ nhà nước.

Vị đại biểu đoàn Tây Ninh còn đề xuất tiếp tục có những biện pháp pháp luật hành chính, kinh tế đủ mạnh để đấu tranh có hiệu quả tham nhũng, tiêu cực, làm lành mạnh hóa bộ máy quản lý nhà nước và quản lý doanh nghiệp cả ở khu vực công và khu vực tư.

Ngoài ra, theo ông Huỳnh Thanh Phương, cử tri cho rằng một trong những giải pháp hiệu quả trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực với cán bộ công chức, viên chức, là thu nhập phải đảm bảo cuộc sống.

"Trong đợt đại dịch Covid-19 vừa qua, nhiều cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động bị ảnh hưởng, rất khó khăn trong cuộc sống, nhưng chưa được quan tâm thỏa đáng. Thu nhập chính từ lương hàng tháng hiện nay thấp, đã và đang bào mòn liêm sỉ, nhân phẩm và lòng tự trọng của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức", ông Phương nêu ý kiến.

Đại biểu Phương kiến nghị cần nhanh chóng có biện pháp hữu hiệu thực hiện ngay lộ trình cải cách tiền lương, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người lao động.

"Cần nhận thức rằng, đây là khoản đầu tư nguồn lực con người, đầu tư cho sự phát triển, là nguồn lực nội sinh quan trọng, là động lực tăng trưởng kinh tế - xã hội ở nước ta", đại biểu đoàn Tây Ninh nói.

Cần sớm tăng lương tối thiểu vùng

Quan tâm đến vấn đề tăng lương tối thiểu, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) lưu ý tới người lao động làm việc theo hợp đồng và đây cũng là vấn đề mà người sử dụng lao động đặc biệt quan tâm. Hiện vẫn còn ý kiến khác nhau về phía người sử dụng lao động, nhất là đối với nhóm doanh nghiệp thâm dụng nhiều lao động sẽ chịu tác động lớn khi điều chỉnh tiền lương vì chi phí đi kèm tăng lên không hề nhỏ.

“Thực tế, chúng ta có những doanh nghiệp sử dụng tới 45.000 lao động, chưa kể số doanh nghiệp sử dụng khoảng 10.000 lao động trên cả nước hiện cũng rất nhiều. Tuy vậy, người lao động ủng hộ, đón chờ quyết định việc tăng lương tối thiểu từ ngày 1/7/2022. Họ cho rằng, trong thời gian qua, người lao động đã chia sẻ rất nhiều với doanh nghiệp, nhất là trong thời gian dịch bệnh, họ phải làm việc 3 tại chỗ, đồng ý tăng thời giờ làm thêm”, bà Xuân nói.

 Đại biểu Nguyễn Thị Xuân đề nghị Chính phủ quyết định tăng lương tối thiểu đối với người lao động theo hợp đồng kể từ ngày 1/7/2022.

Theo thông lệ, việc tăng tăng lương tối thiểu vùng được điều chỉnh từ ngày 1 tháng 1 hàng năm, tiền lương tối thiểu của người lao động thường được tăng mỗi năm từ 5 đến 7%.

Tuy nhiên, trong 2 năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tỉ lệ lao động thiếu việc làm thất nghiệp tăng cao, tiền lương tối thiểu vùngđã không tăng, thu nhập giảm, đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn.

Đến thời điểm này, người lao động cần được chia sẻ khó khăn sau thời gian kiệt quệ vì dịch bệnh và bão giá đang tăng.

“Trong bối cảnh đó, việc đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 là đúng đắn và cần thiết. Tuy doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tăng chi phí tiền lương nhưng việc tăng lương tối thiểu không chỉ cho người lao động mà chính là giúp doanh nghiệp có thêm động lực để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh”, nữ đại biểu nhìn nhận.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Xuân đề nghị Chính phủ quyết định tăng lương tối thiểu đối với người lao động theo hợp đồng kể từ ngày 1/7/2022 như Tờ trình của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng như kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và theo nguyện vọng của hàng triệu lao động theo hợp đồng trên cả nước.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, tăng lương tối thiểu vùng là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Cũng kiến nghị về nội dung này, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) chỉ ra rằng, người lao động là tài sản quý giá của đất nước, người lao động cần phải được đãi ngộ xứng đáng, phải được đặt vào trung tâm của các chính sách để được hưởng thành quả từ sự phát triển của đất nước, của dân tộc. 

Để bảo vệ và phát triển tài sản quý giá này, đại biểu đưa ra một số đề xuất, kiến nghị với Chính phủ: Thứ nhất, Chính phủ cần chỉ đạo Hội đồng tiền lương quốc gia sớm thương lượng tăng lương tối thiểu năm 2023 để bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ như quy định của Bộ Luật Lao động.

Thứ hai, Chính phủ cần nghiên cứu, giao cơ quan độc lập, có thể là cơ sở nghiên cứu để công bố, phản biện lại mức sống tối thiểu do cơ quan thống kê công bố, đảm bảo tính khách quan, khoa học. Đây cũng là kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới.

Thứ ba, Chính phủ cần nghiên cứu điều chỉnh mức lương tối thiểu giờ cao hơn hẳn so với mức trung bình thu nhập tháng. 

Thứ tư, đề nghị Thủ tướng Chính phủ khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2045 nhằm thực hiện đột phá chiến lược về nguồn nhân lực.