Chính sách

ĐBQH kiến nghị làm hộ chiếu điện tử, đẹp xứng tầm tài sản quốc gia

Nhiều đại biểu Quốc hội tán thành với việc gắn chíp điện tử vào hộ chiếu, vì đây là việc các quốc gia khác trên thế giới đã làm từ rất lâu.

Sáng 12/6, tiếp tục chương trình làm việc của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Đại biểu Hà Thị Lan (đoàn Bắc Giang) cho rằng, hộ chiếu có gắn chip điện tử và kiểm soát nhập cảnh bằng cổng kiểm soát tự động, đây là vấn đề mới của Việt Nam nhưng phù hợp với sự phát triển chung của thế giới.

“Tôi thấy hiện nay có trên 120 quốc gia sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử. Tại khu vực Đông Nam Á, còn Việt Nam và Myanmar chưa sản xuất và sử dụng hộ chiếu điện tử. Đây là xu thế toàn cầu được Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế khuyến khích sử dụng. Do đó, trong dự thảo luật quy định về hộ chiếu điện tử và kiểm soát xuất, nhập cảnh bằng cổng kiểm soát tự động là rất cần thiết, tạo hành lang pháp lý cho sản xuất phát hành loại hộ chiếu này, góp phần nâng tầm giá trị cuốn hộ chiếu Việt Nam và áp dụng công nghệ tiên tiến trong kiểm soát xuất, nhập cảnh”.

ĐB Bùi Mậu Quân (Hải Dương).

Bà Lan dẫn ra một loạt những lợi ích nếu như sử dụng hộ chiếu điện tử: “Hộ chiếu điện tử nhằm tăng tính xác thực hộ chiếu, chống nguy cơ làm giả, thực tế hiện nay các nước trên thế giới đối mặt với tình trạng gia tăng sử dụng hộ chiếu và các loại giấy tờ xuất, nhập cảnh giả để hoạt động vi phạm pháp luật như: buôn lậu, di cư bất hợp pháp.

Do đó, việc phát hành hộ chiếu điện tử là một trong những biện pháp hiệu quả nhằm tăng cường và bảo đảm an ninh, an toàn, mặt khác chip điện tử trong hộ chiếu tích hợp đầy đủ các dữ liệu về nhân thân và đặc điểm sinh trắc học của người sử dụng, có thể thay thế giấy tờ tùy thân. Và việc sử dụng hộ chiếu điện tử cũng giúp cho công tác kiểm soát xuất, nhập cảnh tại cửa khẩu nhanh hơn, chính xác hơn. Việc kiểm soát xuất, nhập cảnh bằng cổng kiểm soát tự động sẽ rút ngắn thời gian làm thủ tục, giảm thời gian xếp hàng làm thủ tục, tránh tình trạng ùn ứ tại các bục kiểm soát, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng hiện nay.

Thực tế hiện nay một số người thường xuyên đi nước ngoài mặc dù hộ chiếu còn thời hạn sử dụng thậm chí còn nhiều năm nhưng hết trang để đóng dấu kiểm chứng phải thay hộ chiếu mới với số hộ chiếu mới gây bất tiện trong giao dịch, sử dụng, nhất là hộ chiếu có thị thực còn thời hạn của nước ngoài. Do đó, khi sử dụng hộ chiếu điện tử và kiểm soát bằng cổng kiểm soát tự động rất thuận tiện, thay việc đóng dấu vào các trang hộ chiếu bằng việc đóng dấu trong hệ thống dữ liệu của cơ quan kiểm soát xuất, nhập cảnh. Người thường xuyên có hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh không phải lo ngại việc thay đổi hộ chiếu vì hết trang đóng dấu kiểm chứng như hiện nay. Mặt khác, hệ thống công kiểm soát tự động ngày càng được nhiều nước sử dụng trong kiểm soát xuất, nhập cảnh bảo đảm nhanh chóng, thuận lợi cho hành khách.

Đồng tình với ý kiến đại biểu Hà Thị Lan, ĐB Bùi Mậu Quân (đoàn Hải Dương) nói: “Qua trao đổi so với một số nước hiện nay chất lượng hộ chiếu chúng ta còn thấp và chưa phải một cuốn hộ chiếu đẹp, có chất lượng cao. Hiện nay, hộ chiếu có giá trị 10 năm nhưng chỉ khoảng 3 năm trở ra là hộ chiếu bị hỏng, màng bảo vệ an ninh có thể bị bong, giấy có thể bị rách và độ bảo an chưa cao nên có thể bị làm giả. Vì vậy, chúng tôi đề nghị để có cuốn hộ chiếu đẹp xứng tầm là tài sản quốc gia, đảm bảo ngang tầm các nước trong khu vực, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo để chúng ta có hành lang pháp lý để ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử”.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh. Ảnh: Ngọc Thắng

Cũng về việc gắn chíp điện tử vào hộ chiếu, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn TP Hà Nội) băn khoăn về quy định trong dự án Luật vẫn chưa rõ ràng: “Quyền và nghĩa vụ công dân điểm c khoản 1 quy định ”Người từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chip điện tử hoặc hộ chiếu không gắn chip điện tử theo quy định". Trong hồ sơ trình lần này, tôi để ý đọc nhưng không có nội dung nào giải thích rõ vì sao lại có quy định lựa chọn này. Nếu gắn chip điện tử hết với tất cả hộ chiếu hoặc không gắn chịp điện tử hết thì sao? Có lợi hay hại gì?

Trong tờ trình Chính phủ nói bộ Công an được giao nhiệm vụ xây dựng phần mềm dùng chung cho bộ Công an, bộ Quốc phòng, bộ Ngoại giao để đảm bảo tính khả thi của luật khi có hiệu lực. Nếu chỉ có mấy bộ nêu trên mà đảm bảo cải cách hành chính trong xuất cảnh, nhập cảnh là chưa phù hợp”.

Cũng nhân việc nói về việc sử dụng phần mềm quản lý công, vị đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị: “Nhân đây, tôi đề nghị bộ Công an sớm xem xét kết luận việc cơ sở dữ liệu của Hà Nội đã phối hợp với Nhật Cường thời gian qua đã thực hiện dịch vụ công trực tuyến có kết nối liên thông được không, để tránh việc công sức của Nhà nước và nhân dân trong thời gian vừa qua đã bỏ ra, nếu chúng ta không sử dụng coi như bỏ đi hết. Chỗ này nên khai thác để chúng ta tránh lãng phí, không phải chỉ riêng Hà Nội mà các địa phương khác cũng thế”.

Nhóm PV Quốc hội