Bất động sản

ĐBQH: Không ít gia đình 4 người sống trong 10 mét vuông

Đại biểu đề nghị bổ sung quy định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cần xác định chỉ tiêu đất làm nhà ở cho công nhân, người lao động.

Công nhân ở khu nhà trọ khá xập xệ

Cho ý kiến về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) đồng tình với việc sửa đổi toàn diện Luật Đất đai.

Tuy nhiên, đại biểu đề cập tới khía cạnh đó là khi sửa đổi và ban hành Luật Đất đai mới đảm bảo quyền tiếp cận đất đai của người dân như thế nào, đặc biệt là các nhóm đối tượng như công nhân, người lao động và dân cư ở nông thôn.

Ông Thông cho biết, một thực tế không thể phủ nhận đó là các khu công nghiệp mọc lên rất nhiều, nhưng khâu quản lý về quy hoạch nhà ở cho công nhân, người lao động hầu như chưa được quan tâm đúng mức, chương trình phát triển nhà ở cho công nhân không đạt được kết quả như mong muốn.

ĐBQH Nguyễn Hữu Thông cho rằng vướng mắc phát triển nhà ở cho công nhân, người lao động là rất nhiều.

“Hiện tại, phần lớn các công nhân được xem là một trong những lực lượng chính tạo nên của cải, vật chất cho xã hội phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư khá xập xệ và không ít gia đình có 4 người, vợ chồng, con cái sống trong những ngôi nhà chưa đầy 10m2, bao gồm cả nhà vệ sinh, họ không dám mua tủ lạnh, máy giặt vì không có chỗ để”, ông Thông nêu lên thực tế.

Có thể nói khó khăn, vướng mắc phát triển nhà ở cho công nhân, cho người lao động rất nhiều, đã được bàn thảo suốt thời gian qua và nay còn có những giải quyết trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần này.

Để đảm bảo nhu cầu an cư, lạc nghiệp của hàng triệu công nhân, để đảm bảo quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần bổ sung quy định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cần xác định chỉ tiêu đất làm nhà ở cho công nhân, người lao động tùy theo nhu cầu thực tế và định hướng phát triển của từng địa phương.

Luật Đất đai quy định miễn tiền sử dụng đất đối với các trường hợp xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu hiện hành quy định các trường hợp đất đã được giải phóng mặt bằng cần phải đấu giá lựa chọn nhà đầu tư. Bởi chính sự mâu thuẫn, chồng chéo này và doanh nghiệp khó tiếp cận với quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội trong thời gian qua.

Theo đại biểu, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Đất đai cần có phương án xử lý nút thắt này.

Thu hẹp bớt quyền lựa chọn của người dân

Trong khi đó, về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cho biết Luật hiện hành đã quy định ngoài Tòa án nhân dân thì có Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai và dự thảo Luật sửa theo hướng bỏ thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của Chủ tịch UBND. Đại biểu đề nghị hết sức cân nhắc đối với sửa đổi này.

Lý do là từ trước đến nay, mặc dù trải qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung, song pháp luật nước ta luôn giao cho UBND là một trong những cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.

Bởi đây là cơ quan có chức năng quản lý Nhà nước về đất đai, cho nên việc thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến nguồn gốc đất, liên quan đến quá trình sử dụng đất rất thuận lợi, do các hồ sơ, tài liệu này đều đang được lưu giữ tại cơ quan hành chính.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy nêu ý kiến tại phiên thảo luận.

Theo đại biểu, không phải là không có lý khi pháp luật giao cho Ủy ban nhân dân chỉ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đối với loại đất mà không có một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất.

Mặc dù, không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất nhưng với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương thì UBND có điều kiện thuận lợi để nắm được nguồn gốc lịch sử đất đai, nắm được quá trình mâu thuẫn, tranh chấp của các bên, cho nên cũng thuận lợi trong quá trình giải quyết.

Hiện nay, pháp luật đang đồng thời giao thẩm quyền giải quyết tranh chấp cho tòa án đối với cả loại đất này, tức là đất không có giấy tờ, nhưng sau khi thụ lý hồ sơ thì Tòa án đều phải có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cung cấp hồ sơ, tài liệu thì mới có căn cứ giải quyết, cho nên thời gian giải quyết sẽ bị kéo dài hơn.

Theo đại biểu, pháp luật hiện hành đang giao cho 2 cơ quan cùng có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, đó là Tòa án nhân dân và Ủy ban nhân dân. Việc quy định như vậy nhằm tạo điều kiện cho người dân có thêm được sự lựa chọn cơ quan giải quyết việc tranh chấp của mình, trong đó cơ chế giải quyết thông qua Ủy ban nhân dân thủ tục đơn giản hơn, người dân không phải nộp lệ phí.

“Dự thảo đã sửa theo hướng bỏ thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của Ủy ban nhân dân là đã thu hẹp bớt quyền lựa chọn của người dân, đã bỏ đi một cơ chế giải quyết có tính linh hoạt và có tính ưu việt riêng”, đại biểu nêu.

Vì vậy, đại biểu đề nghị tiếp tục giữ quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của Chủ tịch UBND như quy định của pháp luật hiện hành, tạo điều kiện cho người dân có thêm sự lựa chọn về cơ chế giải quyết tranh chấp của mình.