Chính sách

ĐBQH giải thích lý do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận nhiều phiếu "tín nhiệm thấp"

Sau khi có kết quả lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu cho rằng, danh dự con người là rất lớn, các tư lệnh ngành có nhiều phiếu “tín nhiệm thấp” sẽ điều hành quyết liệt hơn.

Ngay sau khi có kết quả lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 6, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) đã có cuộc trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội.

Thưa Đại biểu, theo kết quả lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn thì Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhận 140 phiếu tín nhiệm cao, 137 phiếu tín nhiệm thấp. Như vậy, số tín nhiệm cao và thấp gần ngang nhau. Theo ông, tại sao lại có sự nhìn nhận khác biệt giữa các Đại biểu như vậy?

Tôi nghĩ rằng, đó là do cách nhìn của từng Đại biểu Quốc hội. Có người nhìn dưới góc độ lĩnh vực giáo dục là phức tạp, mặc dù kết quả chưa thật tốt, nhưng thấy Bộ trưởng cũng đã làm vất vả, nỗ lực rồi nên vẫn đánh giá tín nhiệm cao. Nhưng cũng có Đại biểu nhìn dưới góc độ những tồn tại của bộ Giáo dục và Đào tạo có thể giải quyết được nhưng do Bộ trưởng làm chưa quyết liệt nên đánh giá tín nhiệm thấp.

Vậy, cá nhân ông nhìn nhận về Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo như thế nào?

ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu: Bây giờ đã có kết quả phiếu tín nhiệm rồi thì tôi cũng có thể trả lời mấy việc. Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa qua, xã hội hơi thất vọng.

Thứ nhất, kỳ thi 2 trong 1 gọi là đột phá trong giáo dục thì không thành công. Năm trước, đề thi quá dễ cho nên điểm 10 rất nhiều, “mưa” điểm 10, có những em 29 - 30 điểm mà vào đại học rất khó, không vào được theo nguyện vọng của mình.

Nhưng sang đến năm nay đề thi quá khó, lại phát hiện ra chuyện động trời là dối trá trong chấm thi. Đó là vấn đề dư luận rất phản đối, không công bằng.

Thứ hai là về câu chuyện sách giáo khoa. Làm gì có chuyện in sách giáo khoa một lần, học xong rồi vứt bỏ, rất lãng phí. Chúng ta phải học tập theo lời Bác là phải tiết kiệm. Dùng như vậy rất lãng phí, xã hội lại phải gánh một gánh nặng không đáng có.

Hơn nữa, tại sao lại phải độc quyền in sách giáo khoa để tạo sự khan hiếm, cái này rất bất cập.

Vấn đề thứ ba, tôi muốn góp ý với bộ Giáo dục và Đào tạo là trong quá trình soạn thảo sách giáo khoa thì ý thức trách nhiệm trong soát xét không cao, dẫn những tài liệu tham khảo quá lạc hậu.

Ví dụ, trong môn Giáo dục công dân của học sinh, trích dẫn Bộ luật Hình sự năm 1999, nhưng bây giờ đã là Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) rồi, không hề có sự cập nhật.

Mặc dù đây chỉ là tài liệu tham khảo thôi, chúng tôi không đánh giá về mặt nhận thức, nhưng đây là tinh thần trách nhiệm trong quá trình soát xét, sửa đổi.

Cuối cùng là vấn đề lạm thu trong trường học không có hồi kết, đầu năm nào cũng đều có chuyện này.

Những vấn đề trên đụng chạm rất nhiều, câu hỏi đặt ra là có sửa được không? Tôi nghĩ là sửa được. Ví dụ như in sách giáo khoa, cứ đưa ra công khai, cho các nhà xuất bản cạnh tranh, đấu thầu in.

Cơ chế thị trường, đơn vị nào in sách giá rẻ mà lại đẹp, chất lượng tốt sẽ bán được nhiều, bên nào làm kém người ta không mua.

Còn về soát xét sách giáo khoa, anh nào làm không đến nơi đến chốn thì kỷ luật, cho nghỉ việc. Nhiệm vụ của anh phải soát xét cho phù hợp với thực tế, tại sao anh không làm?

Vấn đề dạy thêm học thêm phải có chế tài xử lý rất nghiêm, tôi nghĩ sẽ giải quyết được. Cứ làm nghiêm  giáo viên sẽ thực hiện, nếu giáo viên không làm đúng quy định sẽ cách chức, kỷ luật hoặc cho thôi việc.

Vấn đề thi 2 trong 1 Bộ phải tìm mọi cách thiết kế để có kỳ thi công bằng, đề không được quá dễ hoặc quá khó. Phải có hội đồng thẩm định đề cho rõ, có trách nhiệm.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu (ảnh: Nguyễn Hường).

Vậy, nhìn tổng thể về kết quả lấy phiếu tín nhiệm chiều nay (25/10), Đại biểu nhận xét như thế nào, kết quả đó có đánh giá sát với thực tế hay không?

ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu: Tôi cho là sát với thực tế, phản ánh khách quan.

Qua kết quả lấy phiếu tín nhiệm, Đại biểu có chia sẻ gì với các tư lệnh ngành có nhiều phiếu “tín nhiệm thấp”?

ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu: Qua kết quả bỏ phiếu lần này để cho các vị trưởng ngành nhìn lại mình, việc điều hành của mình đã tốt hay chưa. Vấn đề quan trọng là bây giờ mới có nửa nhiệm kỳ, còn nửa nhiệm kỳ nữa, tôi tin các đồng chí tư lệnh ngành có nhiều phiếu “tín nhiệm thấp” chắc chắn sẽ điều hành quyết liệt hơn, có giải pháp tốt hơn.

Bởi vì, con người chúng ta, danh dự là rất lớn. Khi họ nhìn thấy phiếu tín nhiệm của mình thấp như vậy chắc sẽ ngày đêm suy nghĩ xem cách làm như thế nào để quản lý ngành của mình tốt lên. Tôi nghĩ họ sẽ làm được. Chúng ta phải tin tưởng như thế, chứ cũng không quá nặng về chuyện này.

Trân trọng cảm ơn ông!