Môi trường

ĐBQH Dương Trung Quốc: "Sự bất lực chính là đồng lõa"

Nhận định về tình trạng khai thác trái phép tài nguyên, khoáng sản, ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng nhiều nơi chính quyền gần như bất lực trước thực trạng này.

Vấn đề nhức nhối nhiều năm

Vừa qua, tại kỳ họp thứ 18 khóa XV HĐND TP.Hà Nội có phiên chất vấn giữa các đại biểu và cơ quan chức năng về công tác quản lý Nhà nước về khai thác cát, sỏi, lòng sông.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Chủ tịch HĐND TP.Hà Nội - cho biết, công tác quản lý Nhà nước về khai thác cát, sỏi, lòng sông thời gian qua đã được UBND các cấp có biện pháp để bảo vệ, quản lý nhằm đảm bảo việc khai thác hợp lý, hiệu quả, đúng pháp luật. Tuy nhiên qua khảo sát của các ban thuộc HĐND Thành phố cho thấy, vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế; hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép vẫn đang diễn biến rất phức tạp gây lãng phí nguồn tài nguyên, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống đê điều, an ninh trật tự và ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nhân dân, gây bức xúc dư luận thời gian qua…

Đây cũng là vấn đề nóng, luôn được dư luận quan tâm tại hầu hết tại các địa phương, bởi việc này gây tác động tiêu cực đến môi trường, ảnh hưởng tài nguyên, cảnh quan và cuộc sống của cộng đồng ven sông.

Trong một diễn biến khác, sau cuộc họp HĐND TP. Hà Nội có đề cập vấn đề khai thác cát sỏi trái phép, lực lượng chức năng huyện Đan Phượng đã bắt giữ 10 tàu hút cát và các đối tượng liên quan khi đang khai thác cát trái phép trên sông Hồng.

Tình trạng khai thác cát trái phép ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhiều hộ dân sinh sống ven sông.

Tương tự, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ (Hà Nội) - ông Doãn Trung Tuấn - cho hay, thời gian qua, huyện đã thực hiện nhiều giải pháp trong phạm vi thẩm quyền, tuy nhiên tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện còn phức tạp. Năm 2018, huyện đã tập trung chỉ đạo các lực lượng chức năng xử lý bắt 9 vụ, 9 đối tượng, phạt 775 triệu đồng, trong đó có 1 vụ xử lý hình sự, thu giữ các phương tiện như máy xúc, xe ô tô. Năm 2019, xử lý 6 vụ, 7 đối tượng, thu giữ nhiều phương tiện liên quan. Năm 2020, xử lý 4 vụ, 4 đối tượng, xử phạt 65 triệu đồng.

Bất cập trong công tác quản lý

Liên quan đến trách nhiệm quản lý của địa phương về vấn đề khai thác cát sỏi trái phép, ông Tuấn cho biết, trách nhiệm của huyện là phối hợp bảo vệ tài nguyên, bảo vệ cát sỏi chưa khai thác, có hành động ngăn chặn và báo cáo cấp trên đối với các nội dung vượt thẩm quyền.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ nêu khó khăn như công an huyện chỉ có một chiếc xuồng, một đồng chí công an được cấp phép lái xuồng đó, nếu điều tra truy bắt vào ban đêm thì rất phức tạp. Ông Tuấn cũng đề xuất sở Nội vụ tham mưu xác định mốc giới trên lòng sông giữa địa bàn huyện Phúc Thọ với 2 xã của Vĩnh Phúc để thuận tiện quản lý.

Trao đổi với PV tạp chí Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật, ĐBQH Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) nhìn nhận, vấn đề này đã tồn tại từ rất lâu, ai cũng nhìn thấy hậu quả nặng nề như: Phá hoại cảnh quan môi trường, tài nguyên, đời sống bình yên của người dân… Nhưng vấn đề ở đây là tại sao chúng ta không ngăn cản được việc này khi mà các đơn vị khai thác một cách công khai?

Nhức nhối tình trạng khai thác cát trái phép tại các địa phương. 

“Không địa bàn nào không có chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội. Trên thực tế, khi người dân biết, họ báo cáo song chính quyền gần như bất lực, sự bất lực chính là đồng lõa. Bởi lẽ, không có gì khó khăn để xử lý khi đơn vị khai thác làm công khai, bằng những chiếc sà lan cỡ lớn, sử dụng các phương tiện hiện đại, xây dựng bến bãi; thậm chí nhiều địa phương xe cộ vận chuyển cát còn phá hỏng cả đường nhưng chính quyền cứ lờ đi. Đặc biệt, họ còn lợi dụng lý do là dòng chảy giáp danh giữa hai địa phương rồi đùn đẩy trách nhiệm cho nhau…”, ông Quốc nói.

“Mỗi khi có người nói về vấn đề này, chính quyền toàn đưa ra những lý lẽ như: Không đủ nhân lực, đơn vị khai thác di chuyển liên tục… Tôi là người tiếp xúc cử tri rất nhiều, ở đâu cũng có tình trạng như vậy và đều có kịch bản chung là chính quyền hoàn toàn không biết, hoặc là không làm gì được. Theo tôi, chúng ta cứ theo cơ chế, ai không làm được cho nghỉ việc, bảo đảm họ làm được ngay”, vị ĐBQH tỉnh Đồng Nai nêu quan điểm.

Nói về vấn đề này dưới góc độ tài nguyên, ĐBQH Dương Trung Quốc đặt vấn đề, đây là nhu cầu của đời sống trong hoạt động xây dựng… Tuy chúng ta từng bàn đến việc sử dựng các nguyên liệu khác trong xây dựng để hạn chế khai thác cát sỏi lãng phí; nhưng hiện tại, hầu hết vật liệu xây dựng vẫn lấy từ tài nguyên, trong khi có rất nhiều vật liệu khác có thể thay thế.

Cùng quan điểm với ĐBQH Dương Trung Quốc, luật sư Nghiêm Quang Vinh (đoàn Luật sư TP. Hà Nội) nhìn nhận, đánh giá việc khai thác cát sỏi trái phép trước tiên phải đặt ra câu hỏi: Tại sao người ta lại phải khai thác cát sỏi trái phép? 

Theo ông, việc khai thác cát sỏi là do nhu cầu xây dựng của xã hội tăng cao mà các doanh nghiệp trong lĩnh vực này chưa cung ứng đủ, từ đó xuất hiện lợi ích kinh tế, dẫn đến việc tranh giành và vi phạm pháp luật do khai thác cát sỏi trái phép.

“Cái gốc vấn đề ở đây là làm gì để đảm bảo vật liệu xây dựng cho nhân dân”, ông Vinh đặt vấn đề. Đồng thời, luật sư cũng nêu giải pháp: Thứ nhất, phải làm sao nghiên cứu được vật liệu khác để thay thế cát trong xây dựng; thứ hai, phải quy định rõ ràng phạm vi khai thác, chứ còn làm qua loa, không quy định rõ ràng sẽ gây ra những xung đột lợi ích, có lợi ích nhóm và gây ra những hậu quả nghiêm trọng. 

 

Khai thác cát sỏi trái phép bị xử lý thế nào?

Theo Khoản 2 Điều 4 luật Khoáng sản 2010 thì chỉ được tiến hành hoạt động khoáng sản khi được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Khai thác cát trái phép là hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào tính chất, mức độ có thể bị xử lý như sau:

Xử phạt vi phạm hành chính: Điều 48 Nghị định 36/2020/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 20 đến 200 triệu đồng đối với trường hợp tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm từ 10 -  50 m3 trở lên. Ngoài ra, còn bị tịch thu toàn bộ khoáng sản được quy đổi bằng tiền, tịch thu phương tiện sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.

Truy cứu trách nhiệm hình sự: Điểm a Khoản 54 Điều 1 luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 (sửa đổi Điều 227 Bộ luật Hình sự 2015) về Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên quy định:   Hành vi thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trái phép có thể bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Đỗ Tuấn