Chính sách

ĐBQH Dương Trung Quốc hỏi Giám đốc viện Tim có sẵn sàng nhường chức cho người giỏi hơn không?

Câu chuyện tranh luận về người tài giữa ĐB Dương Trung Quốc và ĐB Nguyễn Quang Tuấn đang làm “nóng” nghị trường Quốc hội. Sáng 25/10, ĐB Dương Trung Quốc đặt câu hỏi, rằng ông Nguyễn Quang Tuấn (Giám đốc bệnh viện Tim) có sẵn sàng nhường chức cho người giỏi hơn không?

Bên hành lang Quốc hội sáng 25/10, ĐBQH Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) đã có những chia sẻ thẳng thắn về quan điểm sử dụng nhân tài trong bộ máy công chức Nhà nước.

Trước đó, ngày 24/10, khi thảo luận tại nghị trường về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, ông cho rằng nhiều đại biểu đang “lệch hướng” trong việc bàn Luật này: “Chúng ta chỉ bàn trong phạm vi công chức thôi, công chức có năng lực. Một công chức khó có thể phát hiện ra cái gì kiệt xuất được cả, vì họ thực hiện theo luật pháp, theo quy trình đã định rồi".

Hay ông ví von: “Công chức có năng lực thì chỉ cần đánh máy giỏi để khỏi ảnh hưởng đến thủ trưởng thôi. Những chuyện đó nằm trong cả quy trình".

Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) bày tỏ ông rất "sốc và buồn" vì quan điểm của ĐBQH đoàn Đồng Nai. Ông đề nghị: Tôi rất mong Quốc hội nhìn nhận đánh giá lại phát biểu của ĐB Dương Trung Quốc trong vấn đề này nếu không người dân sẽ hiểu sai".

ĐBQH Dương Trung Quốc.

Phát biểu của ông về nhân tài trong bộ máy cán bộ, công chức tại nghị trường ngày hôm qua và phản ứng của Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) rất "sốc và buồn" đang gây xôn xao dư luận. Ông có thể nói rõ hơn về quan điểm của mình? 

ĐBQH Dương Trung Quốc: Anh Tuấn nói, anh ấy làm trong bộ máy Nhà nước là vì lòng yêu nước, vì tự tôn dân tộc, không vì giá trị gì cả. Thế tôi hỏi, người không phải công chức có lòng yêu nước không?

Anh Tuấn đang là Giám đốc bệnh viện Tim, anh có sẵn sàng thấy người giỏi hơn mà giao chức Viện trưởng cho người ta không? Nếu anh ấy giao thì cấp trên có đồng ý không? Một ông Việt Kiều yêu nước không phải là Đảng viên có giao ông ấy làm Viện trưởng không? Nếu giao thì có thể điều hành được không?

Chính bản thân tôi, trước đang là Phó Viện trưởng viện Sử học thì Chi bộ ra nghị quyết “ông Quốc muốn tiếp tục làm công việc này, thì một là ông phải vào Đảng. Hai là ông phải làm Phó Tiến sĩ". Thôi thế tôi nghỉ.

Trong cơ chế này, việc vận dụng tư tưởng sử dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải hiểu khác đi. Thời kỳ cụ Hồ nó đặc thù thế này, là chúng ta vừa giành độc lập, phần lớn trí trức tài năng đều được đào tạo từ chế độ cũ. Vì đặt đại nghĩa lên trên cùng, cái giá trị quan trọng không chỉ là vấn đề đãi ngộ, mà là lòng yêu nước. Thời đại bây giờ khác rồi, lòng yêu nước cũng khác, đừng lấy chuẩn cũ áp vào bây giờ.
Triết lý sâu sắc nhất của cụ Hồ là dùng đúng người, đúng chỗ, đúng lúc. Bây giờ một người rất giỏi bên ngoài về, đừng đề bạt làm gì, anh hãy sắp xếp một công việc phù hợp, tạo ra môi trường hoạt động tốt để họ phát triển, chế độ đãi ngộ và sự tôn trọng là thế.

Cho nên anh muốn làm cho sức sống của tư tưởng Hồ Chí Minh nó tồn tại mãi mãi thì cũng phải phát triển theo thời đại.

Dường như ĐB Nguyễn Quang Tuấn đã hiểu sai ý phát biểu của ông?

ĐBQH Dương Trung Quốc: Tôi thì không bằng lòng lắm, có thể khác biệt nhau chuyện tranh luận, nhưng đừng quy chụp là xa rời tư tưởng, cái chuyện đó chẳng có nghĩa lý gì cả, quan trọng phải cố gắng tìm ra cốt lõi.

Thực ra theo quan niệm của mình công chức là đặc thù, cái quan trọng nhất của Công chức là tính kỷ luật, kỷ luật công vụ, làm cho tốt các trọng trách của mình, quan hệ biết trên biết dưới, với dân. Thứ hai là kỷ luật về chính trị, anh phải trung thành với chế độ ấy. Đã trong hệ thống anh phải trung thành, chỉ có cái khác, khái niệm là trung thành với đất nước, quốc gia, ở đất nước mình là trung thành với Đảng. 

Đừng đòi hỏi tài năng của công chức, vì anh phải làm việc theo đúng quy chuẩn, theo pháp luật, theo quy chế, anh hãy làm tốt lĩnh vực của mình.

Theo như đại biểu Tuấn và ông cũng vừa nói là thời đại nào người tài cũng là quan trọng, trọng dụng, y tá giỏi luôn phải đứng dưới một bác sĩ bình thường. Hệ thống giá trị như ông nói bây giờ khác là khác như thế nào?

ĐBQH Dương Trung Quốc: Bây giờ cái gì cũng chức vụ, bằng cấp. Điều đó không phải không quan trọng, rõ ràng hệ thống giá trị vẫn kích thích. Tâm lý người xưa là chỉ làm quan thôi, trong khi đó, ngày nay ta cần những công chức có tính chuyên nghiệp cao. Tại sao bóng đá Việt Nam chỉ cần có 2 nhân tố: Một là người lãnh đạo giỏi; Hai là đá chuyên nghiệp trung thực, là thay đổi ngay.

Phát biểu "Công chức tài năng chỉ cần đánh máy giỏi để không ảnh hưởng đến thủ trưởng thôi" của ông trước nghị trường được người dân rất quan tâm.

Không, đó là cách diễn đạt không đúng. Người đánh máy thì phải đánh máy giỏi, một anh bác sĩ công thì anh phải làm bác sĩ giỏi – bác sĩ giỏi không chỉ thực hiện chức trách nghề nghiệp, mà làm tăng thêm giá trị của bệnh viện công, cảnh sát hay cán bộ tham mưu cũng là hiểu tương tự như vậy. Chữ công chức nó là ở nghĩa đó, nó tạo ra một cái chuẩn mực, làm hệ quy chiếu, hệ giá trị cho cả xã hội.

Quan trọng nhất là kỷ luật công vụ và kỷ luật chính trị với công chức. Sự trung thành là điều bắt buộc.

Nhưng thưa ông, nhân tài không phải có nhiều. Làm thế nào để thu hút nhân tài vào làm cán bộ công chức?

Tôi nhắc lại quan điểm của tôi, nhân tài không phải xuất chúng hay kiệt suất. Nhân tài, bản chất ngày xưa là gì? Là anh nào dùng đúng việc anh ấy, từ đó, anh mới phát huy được sức mạnh của xã hội. Còn xuất chúng là chuyện khác, chuyện cả xã hội, chứ đâu chỉ là công chức mới đề cao. Các tư nhân họ cũng tranh thủ, cũng đi lùng chất xám, cũng "mua đầu người" chứ, nó nằm ngoài phạm vi của luật này (Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức - PV). Cái đó nên để Luật khác làm.

Công chức thì đừng đòi hỏi xuất chúng. Nếu xuất chúng là lãnh đạo rồi. Người làm chính trị lại hệ thống khác.

Xem thêm clip: ĐBQH tranh luận về người tài:

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, dù còn nhiều ý kiến khác nhau, Chủ tịch Hồ Chí Min vẫn sẵn sàng sử dụng lại các cán bộ, công chức, quan chức trong chính quyền cũ.

Trong số đó Cụ Huỳnh Thúc Kháng, một trí thức Hán học, từng là Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ thời thuộc Pháp, một người ngoài Đảng nhưng nổi tiếng tài năng, đức độ và lòng yêu nước, Người vẫn tìm mọi cách để mời cụ ra làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Đến khi Người đi Pháp năm 1946, nhiều cán bộ là đảng viên, Người không giao mà quyết định giao cho cụ Huỳnh Thúc Kháng làm Quyền Chủ tịch nước.

Cụ Bùi Bằng Đoàn, nguyên là Thượng thư Bộ hình ra làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội. Cụ Phan Kế Toại nguyên là Khâm sai Đại thần ra làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ; GS Nguyễn Văn Huyên, dù là người ngoài Đảng nhưng vẫn được Người trọng dụng, giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục tới 29 năm. Các Bộ trưởng trong Chính phủ sau Cách mạng hầu hết đều là người ngoài Đảng.

Đến cuối năm 1946, Người gửi bức thư “Tìm người tài đức” đăng trên báo Cứu Quốc, kêu gọi đồng bào cả nước ở đâu thấy có người tài giỏi thì xin mách bảo với Chính phủ để Chính phủ sử dụng. Người viết: “Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận”.

Với tầm nhìn xa, trông rộng và thấm nhuần tư tưởng sử dụng hiền tài của các bậc tiên liệt, dựa vào thực tiễn của cách mạng Việt Nam, Bác Hồ luôn xác định rõ ràng, rành mạch giữa vai trò lãnh đạo của Đảng với công tác sử dụng cán bộ và lựa chọn hiền tài.

Bằng cách ứng xử đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quy tụ được tất cả những tinh hoa của dân tộc đến với cuộc kháng chiến cứu nước và kiến quốc.

Công Luân - Hoa Liên