Tiêu điểm

ĐBQH: Đề nghị quy định rõ nguyên tắc tự chủ của cơ sở khám chữa bệnh

Các ĐBQH cũng đã nêu ra một số vấn đề còn băn khoăn cần được cân nhắc trước khi thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Cần lấy ý kiến của 100 bệnh viện trước khi trình

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, chiều 6/1, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Góp ý kiến vào dự án Luật, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (đoàn Tp. Hồ Chí Minh), đề nghị cần có nguyên tắc về tự chủ của cơ sở khám chữa bệnh rõ ràng hơn. Trong đó, cần quy định cụ thể nguyên tắc về tự chủ tổ chức và nhân sự.

“Còn nếu đợi hướng dẫn của Chính phủ thì liệu hướng dẫn đó có phù hợp với suy nghĩ của đại biểu Quốc hội và mong muốn như vậy không? Vì trong tổ chức nhân sự, ngoài bộ máy, biên chế, tuyển dụng, có nội dung phải trả lương chính sách cho cán bộ và chưa có quy định nào cấp luật về vấn đề này”, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân phân tích.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân góp ý kiến vào dự án Luật.

Về tài chính, đại biểu đoàn Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, dự thảo nêu tự chủ theo quy định của pháp luật nhưng chưa rõ là theo Luật nào, đề nghị nên nêu rõ theo nguyên tắc tự chủ nào, và theo quy định pháp luật nào, sớm hoàn thiện để trình nội dung này.

Về thẩm quyền của Bộ Y tế liên quan đến giá khám chữa bệnh, đại biểu cho rằng, Bộ trưởng Y tế chỉ hướng dẫn chi tiết phương pháp xác định giá mà Luật Giá đã quy định.

Hiện nay có 19.150 dịch vụ kỹ thuật cần phải định giá, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân băn khoăn Bộ Y tế định giá gì?. Hiện nay Bộ Y tế mới chỉ xác định 10% giá dịch vụ kỹ thuật, 48% dịch vụ thực hiện quy đổi giá, còn hơn 42% dịch vụ chưa có giá kéo dài nhiều năm.

Đại biểu băn khoăn hơn 42% chưa có giá dịch vụ thì ai chịu trách nhiệm, cơ sở khám chữa bệnh sẽ vận dụng giá nào? Do đó, đại biểu cho rằng, nếu Bộ Y tế chưa công bố giá, định giá thì cơ sở khám chữa bệnh được làm.

Nhấn mạnh Luật càng phức tạp thì càng phải chặt chẽ, đại biểu cho rằng, không để nội dung trái với luật khác được quy định trong Luật này.

Cần nhìn bài học 10 năm qua, những luật nào Chính phủ trình mà không kèm theo Nghị định thì sau này sẽ rất khó khăn. Do đó, đại biểu kiến nghị chỉ trình Luật này khi kèm theo Nghị định hướng dẫn để kiểm soát, đồng thời cần lấy ý kiến của 100 bệnh viện trên cả nước trước khi trình.

Các đại biểu tại phiên họp chiều 6/1.

Đồng tình với nhiều nội dung đổi mới, tiến bộ trong dự thảo Luật, đại biểu Khương Thị Mai (đoàn Hà Nội) cho biết, Điều 110 của dự thảo Luật đã quy định về giá khám bệnh, chữa bệnh.

Tuy nhiên, giá dịch vụ khám chữa bệnh cần đảm bảo đủ các yếu tố cấu thành để các cơ sở khám, chữa bệnh có đủ điều kiện, nguồn kinh phí để đầu tư, đảm bảo đời sống cho đội ngũ y bác sĩ và nhân viên y tế.

Đối với Điều 108 quy định về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, đại biểu đề nghị quy định theo hướng, cơ sở khám, chữa bệnh tự bảo đảm đầu tư và chi thường xuyên, được quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh nhưng không vượt quá giá tối đa theo quy định của Bộ Y tế, trừ giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu hoặc giá dịch vụ khám, chữa bệnh hình thành từ hoạt động hợp tác theo hình thức đối tác công – tư.

Về quy định liên quan đến giấy phép hành nghề, đại biểu cho rằng cần quy định giấy phép hành nghề có giá trị 5 năm kể từ ngày cấp để kiểm soát chất lượng người hành nghề, khắc phục tình trạng người không còn hành nghề vẫn có tên trên hệ thống.

Còn những băn khoăn

Cho ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) nhấn mạnh dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là dự án Luật rất quan trọng, tác động đến mọi người dân, nội dung sửa đổi của Luật phải thể hiện được sự ưu việt của xã hội ta.

Đại biểu cũng đánh giá cao cơ quan thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc hoàn thiện hồ sơ dự án Luật để trình tại kỳ họp lần này.

Đại biểu Lê Hoàng Anh cho biết, 8 nhóm vấn đề lớn cần tiếp tục thảo luận tại kỳ họp này thì có những nội dung được quy định ở một điều, nhưng cũng có vấn đề quy định trong một mục, thậm chí là trong một chương.

Do đó, có những khó khăn trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý. còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu xem xét. Với số lượng lớn nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét, đại biểu Lê Hoàng Anh bày tỏ băn khoăn việc thông qua dự thảo Luật tại kỳ họp lần này.

Lý giải cho băn khoăn của mình, đại biểu Lê Hoàng Anh cho biết, tại lần trình này, nhiều chính sách đã được sửa đổi, bổ sung mới nhưng chưa có hồ sơ đánh giá tác động. Dự thảo cũng chưa rõ tính thống nhất khả thi của văn bản hướng dẫn chi tiết luật số, điều khoản của dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết đã tăng lên. Đến nay, dự thảo luận sơ bộ có 40 điều giao Chính phủ quy định chi tiết chiếm hơn 33% điều luật, chưa kể nhiều điều luật giao cho Bộ trưởng Bộ Y tế.

Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) liên quan đến nhiều luật nhưng chưa rõ tính tương thích, tính đồng bộ với các luật khác. Trong đó, liên quan đến 2 luật đang được hoàn thiện để Quốc hội thảo luận thông qua tại Kỳ họp thứ 5 là Luật Giá (sửa đổi) và Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Đại biểu Lê Hoàng Anh bày tỏ băn khoăn việc thông qua dự thảo Luật tại kỳ họp lần này.

Đại biểu chỉ rõ, Luật Khám bệnh, chữa bệnh có điều khoản quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chưa tương thích với dự thảo Luật Giá (sửa đổi), vai trò của Bộ trưởng Bộ Tài chính chưa rõ trong quy định này.

Một số chính sách đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đối với nhân viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đối với người bệnh là chưa phù hợp và chưa tháo gỡ được khó khăn trong thực tế.

Đại biểu dẫn chứng dự thảo Luật chưa có quy định về xã hội hóa đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập với hình thức liên doanh, liên kết, quy định tự chủ của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nhất là tự chủ về tài chính là chưa rõ ràng….

Đại biểu rằng, đối với người bệnh trong quan hệ khám bệnh, chữa bệnh thì thường ở vị trí yếu thế hơn nhưng dự thảo Luật còn có điều khoản chưa quan tâm bảo vệ người bệnh.

Mặc dù có giải trình để giữ nguyên như dự thảo nhưng đại biểu Lê Hoàng Anh cho rằng, đây là quy định hạn chế quyền công dân chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp. Người bệnh không có quyền xem thông tin trong bệnh án và không được sao lục toàn bộ hồ sơ bệnh án…

Từ những phân tích trên, đại biểu đoàn Gia Lai cho rằng, dự thảo Luật còn nhiều nội dung khác cần nghiên cứu, rà soát, chỉnh lý, đánh giá tác động và phải có thời gian vật chất cần thiết. Đại biểu bày tỏ mong muốn Quốc hội cân nhắc việc thông qua dự án Luật tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh tại kỳ họp bất thường này.