Tiêu điểm

ĐBQH: Cần thống nhất, đồng bộ trong thành lập thanh tra cấp sở

Theo đại biểu Phạm Đình Thanh, việc thành lập thanh tra cấp sở cần có quy định rõ ràng, tránh tình trạng thực hiện không thống nhất.

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sáng 7/9, cho ý kiến về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), ĐBQH Phạm Đình Thanh (đoàn Kon Tum) cơ bản thống nhất với nội dung của dự thảo Luật, tán thành việc duy trì tổ chức hoạt động của thanh tra cấp huyện.

Về tổ chức thanh tra cấp sở, đại biểu cho rằng, cần có quy định thống nhất, đồng bộ trong việc thành lập thanh tra cấp sở trên phạm vi cả nước.

Chức năng nhiệm vụ của các sở, cơ quan thuộc UBND cấp tỉnh đã được quy định rất rõ tại Nghị định 107 ngày 14/9/2020 của Chính phủ, theo đó, phạm vi quản lý và yêu cầu quản lý chuyên ngành của từng sở là rất rõ.

Vì vậy, nên căn cứ chức năng, nhiệm vụ của các sở, cơ quan thuộc UBND cấp tỉnh quy định tại Nghị định này để quy định việc thành lập thanh tra cấp sở trên phạm vi cả nước, tránh tình trạng thực hiện không thống nhất, đồng bộ, hoặc thành lập theo áp lực biên chế, không phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn của từng địa phương.

Đại biểu Phạm Đình Thanh cho rằng cần thống nhất, đồng bộ trong việc thành lập thanh tra cấp sở trên phạm vi cả nước.

Về việc dự kiến giao thanh tra tỉnh thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi của các sở không có cơ quan thanh tra, đại biểu cho rằng, để Thanh tra tỉnh hoàn thành tốt khối lượng nhiệm vụ tăng thêm này, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét, tính toán để tham mưu quy định về việc tăng cường biên chế, củng cố hoàn thiện tổ chức bộ máy thanh tra cấp tỉnh, đảm bảo thanh tra tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Liên quan đến thanh tra sở, đại biểu Trần Nhật Minh (đoàn Nghệ An) thống nhất với quy định trong dự thảo Luật về việc thành lập thanh tra sở.

Đại biểu Trần Nhật Minh đồng tình với quy định thành lập thanh tra sở.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng thẩm quyền thành lập thanh tra sở theo quy định trong dự thảo Luật là chưa rõ ràng. Khoản 2 Điều 27 Dự thảo Luật quy định: “Thanh tra sở được thành lập tại một số sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ. Việc thành lập thanh tra tại các sở khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý và biên chế được giao”.

Theo quy định này, một số sở có phạm vi rộng, yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp thì không có quy định cơ quan nào quyết định thành lập thanh tra sở.

Đại biểu nhấn mạnh, dự thảo Luật cần quy định rõ nguyên tắc UBND cấp tỉnh quyết định thành lập thanh tra sở, trong đó việc thành lập thanh tra sở tại một số sở có phạm vi rộng, yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp cũng do UBND tỉnh quyết định thành lập nhằm đảm bảo tính thống nhất, bình đẳng giữa các tổ chức này.

Bên cạnh đó, để đảm bảo tính khả thi, đại biểu đề nghị Dự án Luật cần quy định nguyên tắc khi Chính phủ quyết định các sở được tổ chức thanh tra thì cần tính đến đặc điểm của từng địa phương, đặc biệt là với các địa phương có quy mô, diện tích, dân số lớn để đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, không nên đánh đồng các đơn vị với nhau khi có sự khác biệt về quy mô dân số, diện tích.

Báo cáo tóm tắt về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết:

Đối với Thanh tra sở, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với dự thảo Luật quy định giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc thành lập Thanh tra sở. Một số ý kiến đề nghị không phân quyền vấn đề này cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Một số ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định cụ thể một số sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp được thành lập Thanh tra sở để thực hiện thống nhất trên toàn quốc, còn lại giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập.

Về nội dung, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Cơ quan soạn thảo đề nghị tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng “Thanh tra sở được thành lập tại một số sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ hoặc của luật. Việc thành lập thanh tra tại các sở khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý và biên chế được giao tại địa phương”.

Quy định như vậy vừa bảo đảm được yêu cầu về quản lý nhà nước, sự thống nhất tương đối về tổ chức bộ máy Thanh tra sở trong phạm vi cả nước vừa đáp ứng được đặc thù yêu cầu quản lý của từng địa phương vừa thực hiện được mục tiêu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tinh gọn bộ máy. Mặt khác, quy định như vậy sẽ tạo điều kiện để Chính phủ, chính quyền địa phương chủ động trong việc quyết định tổ chức bộ máy của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.