Tiêu điểm

ĐBQH: “Bộ trưởng có trách nhiệm đến đâu khi văn hóa xuống cấp?”

ĐB Nguyễn Thị Kim Thuý chất vấn và yêu cầu Bộ trưởng Văn hoá làm rõ trách nhiệm trong việc ngăn chặn sự xuống cấp về văn hoá, đạo đức xã hội hiện nay.

Tiếp tục phiên chất vấn Bộ trưởng VH-TT&DL chiều 10/8, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (đoàn Đà Nẵng) bày tỏ, vấn đề quan tâm nhất về văn hóa hiện nay là xây dựng nếp sống văn hóa, ngăn chặn sự xuống cấp về văn hóa, đạo đức xã hội. Vấn đề này đã được chỉ ra từ lâu nhưng chưa được giải quyết.

“Ai cũng hiểu một mình ngành văn hóa không giải quyết được việc này, nhưng là người đứng đầu cơ quan nhà nước về văn hóa, Bộ trưởng thấy trách nhiệm của mình đến đâu khi văn hoá xuống cấp và có kiến nghị gì để thay đổi thực trạng là cơ quan quản lý Nhà nước thì không đủ thẩm quyền mà cơ quan có thẩm quyền thì không phải chịu trách nhiệm?”, đại biểu Thuý nêu.

 Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý, đoàn Đà Nẵng (Ảnh: Quochoi.vn).

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói: Quả thực văn hóa rất rộng và liên quan đến nhiều cấp nhiều ngành. Trong đó, Bộ VH-TT&DL thực hiện chức năng quản lý nhà nước.

Thời gian qua, Bộ tập trung chuyển hướng từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước bằng văn hóa thông qua công cụ pháp luật. Bộ cũng chủ động rà soát, tham mưu Quốc hội ban hành các luật về vấn đề này; tham mưu Chính phủ ban hành các Nghị định, quyết định.

"Giải pháp căn cơ là Bộ chủ động phối hợp bằng các chương trình liên kết để chủ động thực hiện", ông Hùng nói.

Thời gian qua, Bộ cũng đã ký kết với Bộ Giao thông Vận tải xây dựng văn hóa giao thông; ký kết với Bộ Giáo dục và Đào tạo về xây dựng văn hóa học đường; ký kết với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam về xây dựng văn hóa trong công nhân và người lao động…

"Chúng tôi muốn tạo ra sức mạnh, đề cao vấn đề các ngành, các cấp cùng chúng tôi xây dựng môi trường văn hóa", ông nói và cho biết riêng năm 2022, xác định trong môi trường văn hoá phải chọn cơ sở thôn, bản, ấp làm - nơi nuôi dưỡng, bồi dưỡng trực tiếp sinh hoạt của người dân để giáo dục, hình thành nếp sống văn hóa.

Ông Hùng nêu ví dụ như Hà Nội đã cấp cho khu phố 70 triệu đồng để tập trung xây dựng khu phố văn hóa đúng thực chất. Cũng như vậy, ở Nghệ An đã đầu tư 30 triệu đồng cho một thôn, bản xây dựng văn hóa.

“Nhờ những chính sách cụ thể của từng địa phương nên môi trường văn hóa đã được đi vào thực chất hơn”, ông Hùng nói.

Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn chiều 10/8 (Ảnh: Quochoi.vn).

Tranh luận lại với Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng, phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã có trong báo cáo gửi đến Quốc hội.

“Qua đọc báo cáo đó, tôi thấy, Bộ đã dành 9/27 trang nói về giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử. Khi đọc hết phần đấy tôi mới lo lắng rằng, rõ ràng cái này không chỉ riêng của Bộ VH-TT&DL", bà Thúy nói.

Do vậy, theo đại biểu Kim Thúy, câu hỏi của bà đề cập đến trách nhiệm của Bộ VH-TT&DL đến đâu trong vấn đề này. Bà Thúy cho biết, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chưa làm rõ kiến nghị để thay đổi thực trạng cơ quan quản lý nhà nước thì không đủ thẩm quyền, còn cơ quan có thẩm quyền thì không phải chịu trách nhiệm.

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, cơ quan này đã nhìn nhận được vấn đề môi trường văn hóa, môi trường xã hội đang xuống cấp. Để có giải pháp cho vấn đề này, theo ông Hùng, phải huy động được cả hệ thống chính trị trong công tác giáo dục, bồi đắp, bồi dưỡng ý thức về văn hóa, ý thức về xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc.

Còn về mặt chủ trương, theo ông Hùng, đã đầy đủ. Cụ thể, Trung ương đã xây dựng Nghị quyết, Ban Bí thư đã có Chỉ thị, Chính phủ đã có các quyết định. Còn Bộ VH-TT&DL đã có các hướng dẫn. Gần đây nhất, Bộ đã ban hành tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc, trong đó đặt ra các vấn đề cụ thể.

Từ các tiêu chí đó, theo Bộ trưởng, vấn đề quan trọng là vận động để tổ chức thực hiện. Cụ thể, trong mỗi gia đình phải có ý thức này, Bố phải làm gương cho con cái, mẹ phải giữ vai trò gì. Trong các tiêu chí đó không chế tài cụ thể, mà chỉ dựa trên cơ sở ý thức xây dựng gia đình, tổ ấm.

“Tôi nghĩ rằng, đây là cuộc cách mạng có tính lâu dài, quá trình vận động phát triển trên tinh thần là nhân cái tốt. Cho nên chúng tôi cũng khuyến khích việc biểu dương các gia đình tiêu biểu, gia đình văn hóa với phương châm lấy cái đẹp dẹp cái xấu, từ đó để nhân lên những hình ảnh đẹp trong cộng đồng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói thêm.