Chính sách

ĐBQH băn khoăn quy định Kiểm toán Nhà nước được quyền ra quyết định xử phạt hành chính

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, nhiều ĐBQH tham gia góp ý vào dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Kiểm toán Nhà nước (KTNN).

Phát biểu tại hội trường, ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hoà) cho biết, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định chỉ có hành vi vi phạm hành chính được quy định trong luật này mới bị xử lý vi phạm hành chính.

ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh nêu: “Việc quy định về thẩm quyền và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN như dự thảo đề xuất là không phù hợp, dễ xung đột với luật Xử lý vi phạm hành chính”.

ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh tham gia góp ý (Ảnh: Quochoi.vn).

“Tuy nhiên, trên thực tế, luật Xử lý vi phạm hành chính chưa đề cập đến hành vi vi phạm hành chính và chế tài xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, cũng như thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính và thẩm quyền ra quyết định của KTNN và Tổng KTNN, nên hoạt động của KTNN cũng bị ảnh hưởng. Do vậy, có thể chấp nhận cho KTNN có quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán Nhà nước. Tuy nhiên, cần bổ sung thẩm quyền, chế tài xử phạt trong luật Sửa đổi, bổ sung một số điều luật xử lý vi phạm hành chính để tạo tương thích giữa các luật với nhau”, đại biểu Thịnh nói.

Trong khi đó, ĐBQH Tống Thanh Bình (đoàn Lai Châu) và đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (đoàn Ninh Thuận) bày tỏ băn khoăn về việc KTNN có quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Hai đại biểu lo ngại, việc KTNN được ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính liệu có vượt quá thẩm quyền và có xung đột với luật Xử lý vi phạm hành chính không?

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc.

Tham gia giải trình liên quan đến nội dung này, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, việc bổ sung quy định quyền xử phạt hành chính cho KTNN được quy định không xử phạt công chức viên chức.  

“Bởi vì, công chức viên chức ở các cơ quan Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập đã có luật Cán bộ viên chức điều chỉnh, nên những đơn vị liên quan thực hiện kiểm toán nếu có cản trở ngoài cán bộ công chức viên chức thì xử phạt hành chính”, ông Hồ Đức Phớc lý giải.

Tổng KTNN đề nghị Quốc hội xem xét nội dung này và nếu Quốc hội thông qua thì KTNN chỉ xử phạt hành chính hai việc, một là cản trở không cung cấp tài liệu, hai là chống đối kiểm toán.

Tổng KTNN cho biết thêm: “Việc quy định cụ thể thế nào, cho biết sẽ do Chính phủ quy định chi tiết. Thực tế các quốc gia trên thế giới đều quy định Kiểm toán Nhà nước có quyền ra quyết định xử phạt hành chính, thậm chí Hàn Quốc phạt tù về vấn đề này”.

Nhóm PV Quốc hội