Pháp luật

ĐB Phạm Phú Quốc có quốc tịch Síp: Tại sao đang là ĐBQH lại phải “nương tựa” ở đất nước khác?

Thông tin ông Phạm Phú Quốc, ĐBQH (đoàn TP.HCM) có thêm quốc tịch Cộng hòa Cộng hòa Síp (Cyprus) đã gây bất ngờ cho dư luận. Dư luận đặt câu hỏi: Vì sao ĐBQH đương nhiệm- Người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân nhưng lại sở hữu “hộ chiếu vàng” mà không chủ động khai báo với tổ chức?

Như tin đã đưa, chiều 1/9, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, đã chủ trì buổi họp báo thông tin về việc ĐBQH Phạm Phú Quốc có hai quốc tịch Việt Nam và Cộng hòa Síp.

Tại cuộc họp báo, thông tin về vụ việc, ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP, Giám đốc trung tâm Báo chí TP cho biết, ngay sau khi có thông tin ĐBQH Phạm Phú Quốc có hai quốc tịch, các cơ quan chức năng của TP.HCM đã làm việc với ĐB này. Sau đó, ngày 25/8, ông Phạm Phú Quốc đã có đơn xin thôi làm nhiệm vụ ĐBQH khóa XIV và có đơn xin thôi chức vụ Tổng giám đốc công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC).

ĐBQH Phạm Phú Quốc

Về hướng xử lý, ông Hà Phước Thắng, Chánh văn phòng UBND TP.HCM cũng cho biết, ngày 27/8 ông Quốc đã có đơn giải trình để báo cáo sự việc với các cơ quan chức năng. Qua đơn giải trình của ông Quốc, các cơ quan đã rà soát và báo cáo hướng xử lý. Từ đề xuất của Đoàn ĐBQH TP, UBND TP và Ban tổ chức Thành ủy TP.HCM đã thống nhất hướng xử lý. Trong tuần này, đoàn ĐHQH TP.HCM sẽ họp và kiến nghị lên Quốc hội xem xét, bãi nhiệm tư cách ĐBQH của ĐB Phạm Phú Quốc. Thứ hai, về mặt Đảng, TP.HCM sẽ làm việc và xem xét, quyết định trong tháng 9/2020. Thứ ba, với nhiệm vụ Tổng giám đốc công ty IPC của ông Phạm Phú Quốc, UBND TP đã giao cho sở Nội vụ tham mưu về việc có quyết định đình chỉ chức vụ này của ông Quốc.

Sau đó, TP sẽ giao cho các đơn vị chức năng làm rõ trách nhiệm của ông Quốc trước khi xem xét cho thôi việc, những công việc này sẽ hoàn thành trong tháng 9/2020.

Nhận định về sự việc trên, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ĐBQH khóa XIII Bùi Thị An nhận định: “ĐB Phạm Phú Quốc có quốc tịch Síp là thể hiện sự không gương mẫu, không chấp hành đúng quy định của Đảng và của tổ chức. Ông Phạm Phú Quốc là ĐQBH, là người làm luật và trực tiếp thảo luận trên nghị trường mà không trung thực trong kê khai hồ sơ là điều không thể chấp nhận được, gây mất niềm tin trong nhân dân.

Nếu đúng là năm 2018 (hai năm sau ứng cử đại biểu Quốc hội), ông Quốc mới nhập quốc tịch Síp thì việc một đại biểu đương nhiệm nhập quốc tịch khác thì phải có trách nhiệm báo cáo trung thực với tổ chức khi có sự thay đổi về lý lịch. Liên quan đến sinh mệnh chính trị mà ĐBQH không báo cáo với tổ chức là vi phạm nghiêm trọng”.

Cũng theo ĐB Bùi Thị An, ĐBQH là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri và nhân dân Việt Nam, tại sao nhân dân bầu đồng chí ấy làm ĐBQH mà lại “nương tựa” vào đất nước khác”? Ông Phạm Phú Quốc không thể đại diện cho cả hai đất nước. Là ĐBQH mà có quốc tịch nước ngoài thì lấy gì để đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc?.

Bà An dẫn chứng, trường hợp ông Phạm Phú Quốc không phải là trường hợp đầu tiên. Ngay đầu khoá đã xảy ra trường hợp của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường khi đã được bầu trúng nhưng Quốc hội không phê chuẩn tư cách đại biểu vì thiếu trung thực khi không kê khai việc nhập quốc tịch Malta. Ông Phạm Phú Quốc lúc đó đang là ĐBQH, biết rất rõ chuyện đấy nhưng lại để diễn ra với mình.

“Tôi được biết, muốn nhập quốc tịch nước ngoài là phải có đơn, ông Quốc không phải là một đứa trẻ mà lý giải là được người nhà bảo lãnh. Về nguyên tắc, ĐBQH chỉ có một quốc tịch và cần xử lý nghiêm", bà An nêu quan điểm.

Liên quan đến việc ĐBQH Phạm Phú Quốc không chủ động khai báo về việc sở hữu quốc tịch Síp, nhiều ý kiến cho rằng, luật Tổ chức Quốc hội và luật bầu cử ĐBQH không quy định cụ thể về tiêu chuẩn, nhưng Điều 2 luật Bầu cử ĐBQH lại nêu rõ "Công dân nước Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử ĐBQH". Như vậy có nghĩa là người ứng cử ĐBQH phải là công dân Việt Nam.

Hương Lan