Sự kiện

Đầy rẫy sai phạm, BRT nên chạy như xe buýt thường

Từ những phân tích của chuyên gia giao thông, việc khắc phục sự yếu kém của xe buýt nhanh BRT không còn khả thi, cách duy nhất để tránh lãng phí là cho chạy như buýt thường.

Ngày 4/9 vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận, chỉ ra hàng loạt sai phạm cũng như hoạt động không hiệu quả của tuyến buýt nhanh BRT. Trong đó quy rõ trách nhiệm thuộc về UBND TP.Hà Nội, sở GTVT Hà Nội, ban Quản lý dự án.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị để các bên liên quan có biện pháp xử lý, khắc phục. Đây cũng là một trong những điều dư luận quan tâm, liệu dự án này còn khắc phục được hay không?

Không còn khả năng khắc phục?

Theo phân tích của một số chuyên gia thì dự án này khó có thể khắc phục, vì vốn dĩ nó đã sai ngay từ đầu.

Trao đổi với Người Đưa Tin, một vị lãnh đạo, nguyên là Thứ trưởng bộ GTVT cho rằng, khó có thể khắc phục dự án 1.000 tỷ đồng này. Không chỉ bởi hạ tầng giao thông đã cố định hàng chục năm nay, mà dự án được làm khi thiếu sự tính toán, nói đúng là đã phạm sai lầm ngay từ đầu.

Làn xe buýt nhanh BRT (bên trái) chiếm gần 1/2 đường Láng Hạ (Đống Đa, Hà Nội).

Ông giải thích: “Bản chất của buýt nhanh là nhanh, để nhanh được thì cần có đường riêng như tàu hoả, có rào chắn đảm bảo an toàn với phương tiện khác. Trong khi đó, BRT của Hà Nội sử dụng phần đường cũ trên nền tảng tuyến đường vốn đã tắc, nhiều đoạn qua cầu vượt BRT lại đi chung với phương tiện khác. Như vậy, buýt nhanh làm sao nhanh được.

Việc đặt điểm đỗ cũng bất cập. Điểm tại bến Yên Nghĩa thì không sao, vấn đề ở điểm đầu Kim Mã, khách dừng xe ở đó không bấu víu vào đâu được, vì đó không phải là đầu mối giao thông. Dừng xe trả khách cụt ngay tại Kim Mã như hiện nay chẳng khác nào “đem con bỏ chợ” thì lấy đâu ra người đi. Tất cả vấn đề này đã được dự báo trước tuy nhiên không có sự tiếp thu, phân tích kỹ nên hậu quả như hiện nay”.

Từ đó ông nêu ý kiến: “Việc có thể làm là cải tạo, nâng cấp ga Hàng Cỏ. Từ đó tạo ra đầu mối kết hợp các loại phương tiện như đường tàu hỏa, xe buýt… hình thành sự đồng bộ, tạo ra sự tập trung giao thông cho khách hàng. Còn BRT không thay đổi được nữa”.

Đồng ý với những phân tích trên, chuyên gia giao thông Nguyễn Hữu Đức cho biết: “Bản chất của BRT là rất tốt, nó là sự kết hợp giữa xe buýt và đường sắt đô thị. BRT kế thừa tính cơ động của xe buýt và tốc độ của xe lửa, trong khi không tốn kém như đầu tư xe lửa. Tuy nhiên việc áp dụng không đúng nên không phát huy hiệu quả.

Các biện pháp áp dụng hiện nay đều rất khó khăn. Tuyến BRT áp dụng trên tuyến đường tắc, các tiêu chí chuẩn của BRT chưa đạt được. Tuyến BRT Hà Nội chỉ kéo dài hơn chục km vì thế chỉ phục vụ được số lượng khách rất ít. Nói là BRT nhưng thực chất không phải BRT, nó chỉ như buýt thường thôi”.

Vị chuyên gia cho rằng, giải pháp là tăng sự kết nối giữa BRT với các loại hình giao thông công cộng khác, bởi thực tế việc liên kết BRT với các phương tiện giao thông công cộng khác là rất yếu. “Tuy nhiên giải pháp nào đưa ra hiện nay thì cũng bộc lộ nhược điểm mà thôi”, ông Đức nói.

Chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Xuân Thuỷ nhấn mạnh: “Dự án buýt BRT không có cách nào khắc phục. Trong khi cũng không thể bỏ đi dự án nghìn tỷ này, nên giải pháp duy nhất là cho chạy như buýt thường. Thực tế hiệu quả buýt thường hiện nay còn cao hơn BRT, trong khi không chiếm đường như BRT”.

Cần quy rõ trách nhiệm

TS. Nguyễn Xuân Thủy cho biết, những sai phạm tại dự án buýt nhanh BRT Hà Nội đã được nhiều chuyên gia cảnh báo trước, những cảnh báo trước đây đã thành hiện thực. Ông nói: “Ngay từ khi nắm được chủ trương sẽ thực hiện dự án BRT, tôi cũng đã nói thẳng là phải đánh giá kỹ lưỡng giữa hiệu quả và chi phí thực hiện dự án này.

Không thể chạy làn đường riêng, buýt "nhanh" cũng chậm như buýt thường.

Đặc biệt, trong bối cảnh hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển chưa đồng bộ, nhiều điểm nghẽn giao thông chưa được giải quyết, ùn tắc còn nghiêm trọng thì việc thiết kế đường riêng, xây dựng hệ thống nhà chờ mới, cầu đi bộ riêng... nhìn đã thấy lãng phí, không khả thi".

Từ những sai phạm của BRT, TS. Thủy đề xuất, Nhà nước cần quy trách nhiệm cho những người liên quan khi triển khai bất kỳ dự án nào. Điều này đảm bảo, những người thực hiện phải nâng cao trách nhiệm của bản thân mình, tránh tình trạng gây thất thoát tài sản của Nhà nước.

"Ai đó phải chịu trách nhiệm, phải lên truyền hình xin lỗi nhân dân. Hiệu quả không tương xứng với số tiền đầu tư đó là điều ai cũng thấy. Chỉ khi quy đúng người, đúng trách nhiệm thì mới tránh được những vết xe đổ sau này”, ông Thủy nói.

Tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa hoạt động từ 1/1/2017 với tổng mức đầu tư 53,6 triệu USD (hơn 1.000 tỷ đồng) với quãng đường dài 14,77km. Giá mỗi chiếc xe buýt hơn 5 tỷ đồng.
Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị cho hay, 9 tháng đầu năm 2018, BRT đã đạt được 92.838 lượt xe ứng với 3,72 triệu lượt khách. Trung bình 40,2 khách/mỗi lượt/tuyến trong khi công suất tiêu chuẩn là 90 khách/lượt, tức chỉ đáp ứng được chưa đầy 50% công suất.
Tuy nhiên, theo thực tế ghi nhận của PV có những chuyến xe vào thời điểm chỉ có 5-6 khách.