Sự kiện

Đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm nông sản giá trị cao, đã qua chế biến

Nâng cao năng lực sơ chế các sản phẩm nông sản sẽ giúp gia tăng lợi nhuận một cách bền vững, tạo đà cho xuất khẩu chính ngạch.

Sáng ngày 13/1, Diễn đàn kết nối nông sản 970 phiên thứ 20 đã được Bộ NN-PTNT phối hợp với Sở NN-PTNT nhiều tỉnh, thành phố tổ chức. Chủ đề phiên lần này là "Thúc đẩy liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau quả". Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đã tham dự và chỉ đạo.

Mặt hàng thanh long được thông quan trở lại

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, bắt đầu từ sáng nay (13/1- PV), phía Trung Quốc đã cho thông quan mặt hàng thanh long qua hai cửa khẩu là Móng Cái (Quảng Ninh) và Hà Khẩu (Lào Cai). Đây là một thông tin rất tích cực đối với xuất khẩu nông sản của Việt Nam, nhất là trong giai đoạn Tết nguyên đán đã cận kề.

“Rất nhiều loại nông sản trong nước đang vào vụ thu hoạch cuối năm, điều tất yếu là nhu cầu tiêu thụ sẽ tăng cao. Vì vậy, nhằm tránh lặp lại tình trạng ùn tắc xuất khẩu, các doanh nghiệp, người dân cần theo dõi sát các thông tin từ Bộ NN-PTNT, cơ quan chức năng cửa khẩu để kịp thời điều tiết kế hoạch sản xuất, xuất khẩu”, Thứ trưởng lưu ý.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần tăng cường các sản phẩm đã qua chế biến để đa dạng thị trường tiêu thụ, tránh việc quá tập trung vào xuất khẩu các sản phẩm tươi dẫn đến việc tiêu thụ bị bó hẹp, thời gian bảo quản ngắn khiến giá trị hàng hóa của nông sản giảm sút.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam 

Một vấn đề khác được Thứ trưởng nêu ra là tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất của các nhà máy chế biến trong nước, một trong những nguyên nhân gây ra thực trạng trên là mối liên kết giữa các doanh nghiệp với HTX, người sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm chưa thực sự chặt chẽ. Bên cạnh công tác xuất khẩu, các địa phương, vùng nguyên liệu cần hết sức quan tâm đến công tác phối hợp với các nhà máy chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm.

“Năm 2021, Bộ NN-PTNT đã triển khai thí điểm xây dựng ở 11 tỉnh các vùng nguyên liệu trái cây, cà phê, thủy sản…dựa trên các kết quả đạt được, trong thời gian tới, mô hình xây dựng vùng nguyên liệu lớn sẽ được chúng tôi tiếp tục thúc đẩy, nhân rộng ra cả nước”, Thứ trưởng cho biết thêm.

Sơ chế bắp tại Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai (Ảnh: Đức Thụy)

Việc sở hữu một hệ thống sản xuất, chế biến và tiêu thụ hoàn thiện sẽ đem đến những bước phát triển vượt bậc cho hoạt động xuất khẩu nông sản, tuy nhiên, để hiện thực hóa điều này, cần có sự chung tay vào cuộc của tất cả các thành phần từ doanh nghiệp, HTX,… Quan trọng nhất là mỗi “mắt xích” cần phải có chuyển biến về mặt tư duy, tập trung hơn đến việc xuất khẩu nông sản đã qua chế biến, giảm xuất khẩu sản phẩm thô để đem lại giá trị gia tăng nhiều hơn.

Nâng cao năng lực sơ chế

Tham luận tại Diễn đàn, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), Nguyễn Quốc Toản cho biết, theo thống kê của Cục, giai đoạn 2018-2020 đã có 70 tổ hợp, nhà máy chế biến với tổng vốn đầu tư hơn 20 tỷ USD được xây dựng. Mặc dù lĩnh vực này đã có những bước phát triển được đánh giá ở mức “trung bình tiên tiến” nhưng theo ông Toản là chưa đủ. Năm 2019, xuất khẩu thô là 90% đến năm 2020-2021, xuất khẩu qua chế biến là 30%, đó là bước phát triển nhưng cần đẩy cao hơn nữa tỷ lệ này. Các nhà máy sơ chế, chế biến trong nước hiện mới chỉ đang hoạt động ở mức 60% công suất.

“Năng lực sơ chế trong nước đối với mặt hàng rau quả hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 8,4 triệu tấn, xấp xỉ 30% so với sản lượng 28 triệu tấn hàng năm. Việc nâng cao năng lực sơ chế sẽ giúp gia tăng lợi nhuận một cách bền vững, tạo đà cho xuất khẩu chính ngạch. Cần tập trung hơn nữa để cân bằng 2 năng lực này”, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhấn mạnh.

Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản phát biểu tại sự kiện trực tuyến (ảnh chụp màn hình)

Cũng theo ông Toản, mấu chốt để giải quyết vấn đề này nằm ở chính các doanh nghiệp, các Hiệp hội và người sản xuất. Để chế biến đạt kết quả như mong muốn, nguyên liệu đầu vào cũng cần phải đạt chuẩn, vì vậy, sự hợp tác giữa doanh nghiệp, nhà máy chế biến và người dân cần phải được khởi tạo ngay từ khâu sản xuất ban đầu.

“Ùn tắc thông quan, thiệt hại hư hỏng hàng hóa, chi phí làm “luật”, chi phí bảo quản… báo chí đã phản ánh rất nhiều. Nếu thiết lập được chuỗi liên kết, nâng cao năng lực chế biến, tăng cường công tác xuất khẩu chính ngạch sẽ giúp giảm thiểu rất lớn những rủi ro vừa nêu”.