Sự kiện

Đẩy mạnh vai trò thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam - ASEAN

Trong nhiệm kỳ mới, Hội VASEAN xác định tập trung vào 4 nhiệm vụ trọng tâm trong đó nhấn mạnh nâng cao chất lượng hoạt động, uy tín của VASEAN và các đơn vị.

Ngày 12/7, Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam - ASEAN (VASEAN) đã tổ chức chương trình Đại hội khóa III nhiệm kỳ 2023 - 2028 đánh dấu 15 năm hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp trong khối ASEAN nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế trong khối của VASEAN.

Phát biểu khai mạc, ông Bùi Tường Lân - Phó Chủ tịch Thường trực Hội cho biết, nhiệm kỳ 2017-2023, VASEAN thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình chính trị trên thế giới diễn biến hết sức phức tạp; cường độ xung đột vũ trang gia tăng ở nhiều khu vực trên thế giới đã ảnh hưởng lớn đến kinh tế thế giới đẩy giá dầu, khí đốt, lương thực, thực phẩm… tăng cao chưa từng thấy. 

Ông Bùi Tường Lân - Phó Chủ tịch Thường trực Hội VASEAN (Ảnh: Quách Sơn).

Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến toàn thế giới, nhiều nước và khu vực ASEAN đóng cửa biên giới để phòng dịch nên nhiều ngành kinh tế tê liệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo ông Lân, ở khu vực ASEAN hầu hết các nền kinh tế lớn đều tăng trưởng âm trong năm 2020, đến năm 2021 đã có tín hiệu phục hồi. Việt Nam các năm 2018 và 2019 tăng trưởng GDP đạt trên 7%, nhưng do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên GDP năm 2020 chỉ đạt 2,91% và năm 2021 đạt 2,58%. 

Bước vào năm 2022 các cuộc xung đột lớn trên thế giới diễn ra ngày càng phức tạp, đặc biệt là từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraina xảy; đại dịch Covid-19 với những biến thể mới liên tục xuất hiện; đồng thời Trung Quốc vẫn duy trì chính sách Zero Covid đặt ra những thách thức to lớn đối với toàn thế giới, khu vực ASEAN và Việt Nam.

Ông Lân đánh giá, nhìn chung, trong nhiệm kỳ vừa qua có rất nhiều khó khăn đã ảnh hưởng trực tiếp đến mọi hoạt động của Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam - ASEAN, các đơn vị thành viên, hội viên của Hội. Nhiều chương trình của Hội không thể thực hiện hoặc được thực hiện nhưng quy mô phải thu hẹp. Nhưng với tinh thần đoàn kết, cố gắng vượt khó của lãnh đạo và các thành viên, hội viên nên Hội VASEAN đã đạt được kết quả khả quan.

Toàn cảnh sự kiện (Ảnh: Quách Sơn).

Theo dự báo kinh tế thế giới thời gian tới khá ảm đạm, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ suy yếu trong cả năm 2022 và năm 2023, trong khi lạm phát tiếp tục ở mức cao. Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 và năm 2023 sẽ chỉ đạt 3,6%, giảm lần lượt 0,8 và 0,2 điểm % so với mức dự báo được đưa ra hồi tháng 1/2022. 

Tăng trưởng trung hạn cũng sẽ giảm xuống mức 3,3% - thấp hơn so với mức trung bình 4,1% trong giai đoạn từ 2004 - 2013. Tỉ lệ lạm phát tại các nền kinh tế phát triển sẽ ở mức 5,7%, còn các nền kinh tế đang phát triển mới nổi là 8,7% trong năm nay, cao hơn đáng kể so với dự báo đưa ra trước đó.

Trong thời gian đó, khu vực ASEAN có triển vọng tăng trưởng tích cực do tỉ lệ tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 cao của khu vực. Điều này giúp các chính phủ nhanh chóng nới lỏng hạn chế, tạo thuận lợi phục hồi kinh tế. 

Ngoài ra, những khó khăn kinh tế như chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, lạm phát toàn cầu cao hơn và tăng trưởng toàn cầu thấp hơn chắc chắn sẽ làm tổn hại đến xuất khẩu và tăng trưởng của ASEAN.

Trước tình hình đó, ông Bùi Tất Thắng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội VASEAN đã đề ra nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới, trong đó, nâng cao chất lượng hoạt động, uy tín của VASEAN và các đơn vị trực thuộc Hội. 

Đồng thời đảm bảo đủ khả năng cung cấp các thông tin thiết yếu về tình hình kinh tế - xã hội trong và ngoài nước; tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp hội viên trong nước mở rộng đầu tư, kinh doanh, kết nối giao thương… với các doanh nghiệp nước ngoài. 

Ông Bùi Tất Thắng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội VASEAN (Ảnh: Quách Sơn).

Chấm dứt hoạt động các đơn vị không còn nhân sự, không có phương án thực hiện nhiệm vụ trong thời gian dài, vi phạm pháp luật, không chấp hành nghị quyết, Điều lệ Hội...

Thứ hai, duy trì và phát triển lực lượng hội viên của Hội; cấp lại Giấy chứng nhận hội viên theo tên mới của Hội; chủ động liên hệ, kết nối lại với các hội viên có tiềm năng, uy tín sau thời gian dài cách trở do đại dịch Covid-19. 

“Tập hợp, đoàn kết, phối hợp hoạt động giữa các hội viên vì lợi ích chung của Hội tham gia phát triển các lĩnh vực liên quan đến hoạt động của Hội, góp phần xây dựng và phát triển đất nước, xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị với các nước cả trong và ngoài khu vực ASEAN”, ông Thắng nói.

Thứ ba, thông qua các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của Hội như tổ chức các diễn đàn, hội thảo, hội nghị, tập hợp các ý kiến của hội viên góp ý kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền về các cơ chế, chính sách liên quan đến thúc đẩy phát triển đầu tư, thương mại, hợp tác văn hóa du lịch, lĩnh vực hoạt động khác của Hội; tư vấn, phản biện và giám định xã hội theo đề nghị của cơ quan nhà nước.

Thứ tư, tăng cường hơn nữa quan hệ với các tổ chức quốc tế trong và ngoài khu vực; gia nhập các tổ chức quốc tế tương ứng và kết nạp các tổ chức quốc tế vào Hội; mở rộng ký kết và thực hiện các thỏa thuận quốc tế theo quy định của pháp luật. Hợp tác chặt chẽ với Đại sứ các nước ASEAN tại Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam ở các nước ASEAN.