Kinh tế

Đẩy mạnh thực hiện công tác an toàn sinh học trong chăn nuôi

Tình trạng bệnh dịch trên vật nuôi có chiều hướng phức tạp. An toàn sinh học được xem như một hướng đi mới cho ngành chăn nuôi của Việt Nam.

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, tính đến tháng 8/2021, tổng đàn lợn trên cả nước ước đạt 26,67 triệu con, tăng 4,5%; đàn gia cầm 515 triệu con ước tăng 5,4%; đàn bò thịt trên 6,3 triệu con, tăng khoảng 1,8%; đàn bò sữa trên 331 ngàn con; đàn dê cừu trên 2,8 triệu con; riêng đàn trâu 2,4 triệu con giảm 3,8%.

8 tháng đầu năm, dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục, lở mồm long móng ở trâu, bò có xu hướng quay trở lại thì chăn nuôi an toàn sinh học được xem là giải pháp hữu hiệu giúp kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi, hạn chế ô nhiễm môi trường, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững và nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi.

Mới đây, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Cục Chăn nuôi, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức Diễn đàn Khuyến nông Nông nghiệp trực tuyến với chủ đề: "Tăng cường an toàn sinh học trong chăn nuôi tạo sản phẩm an toàn có chứng nhận”.

Điểm hội nghị tại Trung tâm Khuyến nông Quốc gia.

Theo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tham mưu, xây dựng và triển khai nhiều dạng mô hình khuyến nông chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Tính từ năm từ năm 2017 đến năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã triển khai 17 dạng mô hình chăn nuôi tại 109 điểm với 842 hộ tham gia. Các mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, được ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học để nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả, có tính cạnh tranh, góp phần vào việc phát triển chăn nuôi bền vững, tạo ra các sản phẩm an toàn chất lượng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng hiện nay.

Tuy nhiên, hiện nay, ngành chăn nuôi triển khai thực hiện kế hoạch trong điều kiện đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản; Dịch bệnh trên động vật diễn biến phức tạp; Biến đổi khí hậu đã phần nào ảnh hưởng đến hoạt động chăn nuôi, sản xuất chăn nuôi; Thị trường tiêu thụ nông sản giảm và chịu tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, các nước gia tăng hàng rào kỹ thuật. Nhiều hàng hóa gặp khó khăn trong xuất khẩu.

Tại Diễn đàn, 4 nhóm vấn đề chính như các cơ chế chính sách hỗ trợ và định hướng trong chăn nuôi an toàn sinh học; các yêu cầu về chứng nhận sản phẩm; quản lý chăn nuôi; chăn nuôi đạt chứng nhận VietGAP, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, được đưa ra thảo luận và nhận sự ủng hộ lớn từ phía các đơn vị tham dự.

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các hoạt động khuyến nông thường xuyên góp phần tăng cường áp dụng an toàn sinh học trong chăn nuôi, hằng năm thực hiện cập nhật bổ sung, xây dựng các tài liệu về chăn nuôi an toàn sinh học, các quy trình thực hành chăn nuôi tốt trên từng đối tượng vật nuôi; tổ chức trung bình mỗi năm từ 10-12 lớp tập huấn ToT cho cán bộ khuyến nông các cấp và người chăn nuôi về các quy trình chăn nuôi an toàn, quy trình chứng nhận an toàn dịch bệnh, chứng nhận thực hành chăn nuôi tốt...

Trao đổi với Người Đưa Tin bên lề hội nghị, Tiến sĩ Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khuyến cáo:

“Trong bối cảnh dịch bệnh trên đàn vật nuôi như dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục, lở mồm long móng vẫn còn xảy ra và dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc áp dụng các giải pháp tăng cường an toàn sinh học trong chăn nuôi là hết sức cấp bách. Thực hiện tốt an toàn sinh học trong chăn nuôi là nhiệm vụ then chốt để đảm bảo sản xuất chăn nuôi đạt được các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra trong năm 2021 và các năm tiếp theo”.

Tiến sĩ Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia 

Ông Nguyễn Văn Thuận – Trưởng phòng Chất lượng nông sản, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản lưu ý, chăn nuôi nhỏ lẻ với quy mô nông hộ là nhóm có nguy cơ rất cao trong việc mất ATSH và lây nhiễm dịch bệnh. Vì vậy, các cơ sở này cần lưu ý những thông tin cơ bản để chăn nuôi ATSH, ký cam kết chăn nuôi ATSH. Các cơ sở chăn nuôi khác cần được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.