Kinh tế vĩ mô

Đẩy mạnh tái canh, nâng cao năng xuất, sản lượng cà phê

Chương trình tái canh cà phê không chỉ góp phần trẻ hóa vườn cây cà phê già cỗi mà còn mang lại năng suất cao, hiệu quả kinh tế rất rõ rệt.

Ngày 24/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức hội nghị “Đánh giá kết quả thực hiện tái canh cà phê giai đoạn 2014-2020 và định hướng cho giai đoạn 2021-2025”.

Theo số liệu thống kê, năm 2021 cả nước có 20 tỉnh trồng cà phê với tổng diện tích đạt 710,59 ngàn ha, tăng khảng 67,37 ngàn ha so với năm 2015, trong đó Tây Nguyên là vùng sản xuất cà phê chính của cả nước. Năng suất cà phê năm 2021 đạt 28,2 tạ/ha và sản lượng cà phê nhân ước đạt 1,816 triệu tấn.

Đến hết năm 2021, Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất, xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, trong đó đứng thứ nhất thế giới nhiều năm liền về sản xuất và xuất khẩu cà phê vối.

Toàn cảnh hội nghị.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam năm 2021 đạt hơn 1,5 triệu tấn, giá trị đạt hơn 3 tỉ USD.

Để thực hiện thành công chương trình tái canh cà phê cho các tỉnh Tây Nguyên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành các quy trình kỹ thuật hướng dẫn tái canh cà phê, các văn bản hướng dẫn và các cơ chế, chính sách, đề tài, dự án phục vụ cho công tác tái canh. Đặc biệt, đề án tái canh cà phê các tỉnh vùng Tây Nguyên đã cụ thể hóa và xác định được quy mô, địa bàn, lộ trình từng năm thực hiện tái canh, đi kèm với đó là hoàn thiện quy trình tái canh, sản xuất giống đáp ứng yêu cầu tái canh.

Trong giai đoạn 2014-2020, lũy kế diện tích tái canh và ghép cải tạo cà phê cả nước được 166.579,2 ha, trong đó các tỉnh Tây Nguyên đã thực hiện tái canh, ghép cải tạo được 129.008,4 ha cà phê, đạt trên 107,5% kế hoạch.

Chương trình tái canh cà phê đã mang lại một số hiệu quả như: Trẻ hóa vườn cây cà phê già cỗi, sâu bệnh, năng suất thấp không còn khả năng phục hồi. Hầu hết diện tích cà phê tái canh được trồng bằng giống mới, cây sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất cao, chất lượng tốt và mang lại hiệu quả kinh tế rất rõ rệt, góp phần vào chương trình phát triển cà phê bền vững.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị.

Theo đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021-2025, mục tiêu cả nước trồng tái canh và ghép cải tạo khoảng 107 nghìn ha cà phê, trong đó trồng tái canh 75 nghìn ha, ghép cải tạo 32 nghìn ha. Năng suất vườn cà phê sau khi trồng tái canh và ghép cải tạo ở thời kỳ kinh doanh ổn định đạt bình quân 3,5 tấn nhân/ha. Thu nhập/ha cà phê sau khi trồng tái canh và ghép cải tạo tăng 1,5-2 lần so với trước khi tái canh.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, tiếp nối thành công của đề án tái canh cà phê giai đoạn 2014-2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiếp tục phê duyệt đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021-2025. Đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021-2025 không chỉ thực hiện ở 5 tỉnh Tây Nguyên mà còn được mở rộng ở các tỉnh cà phê khác như Sơn La, Điện Biên, Quảng Trị, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Triển khai đề án tái canh giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát, phân loại, xác định diện tích cà phê già cỗi của từng hộ để xây dựng kế hoạch tái canh, ghép cải tạo cho từng năm sát với thực tế của địa phương. Đối với các diện tích cà phê không có nước tưới, đất quá dốc, tầng đất mỏng chuyển đổi sang cây trồng khác. Diện tích cà phê già cỗi bắt buộc phải tái canh thì cần xác rõ định diện tích có thể tái canh ngay, diện tích cần phải luân canh 1 năm, 2 năm hay 3 năm…, kết hợp trồng xen cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm...

Ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk khẳng định, tái canh cà phê nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và thu nhập cho người trồng cà phê. Qua đó, nâng cao khả năng cạnh tranh, giá trị gia tăng, góp phần phát triển bền vững ngành hàng cà phê.

Khánh Ngọc