Môi trường

Đẩy mạnh mô hình EPR, mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất với môi trường

Mục tiêu của EPR là thay đổi thói quen của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu trong sử dụng nguyên liệu và thiết kế sản phẩm để tối ưu hóa chi phí thu gom, tái chế.

Sáng 21/7, thông qua buổi tập huấn nâng cao năng lực truyền thông thay đổi hành vi về giảm ô nhiễm nhựa đại dương, đã tạo cơ hội để các phóng viên, biên tập viên được học hỏi, nâng cao kiến thức, nhận thức được vấn đề rác thải nhựa đặc biệt là rác thải nhựa ở đại dương.

Toàn cảnh buổi tập huấn nâng cao năng lực truyền thông thay đổi hành vi về giảm ô nhiễm nhựa đại dương

Ông Lưu Anh Đức, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương nêu lên 6 vấn đề chính của buổi tập huấn: vai trò và vị trí của Việt Nam trong việc chủ động tham gia xây dựng về thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương; chính sách pháp luật của nhà nước và giải pháp thúc đẩy cơ chế của nhà sản xuất đối với chất thải bao bì tại Việt Nam hay các doanh nghiệp nhập khẩu; vai trò của doanh nghiệp trong việc xây dựng nền kinh tế tuần toàn; vai trò của truyền thông trong việc tuyên truyền về Luật bảo vệ môi trường 2020; truyền thông phải thay đổi hành vi về giảm ô nhiễm nhựa đại dương; chia sẻ kinh nghiệm về cách khai thác đề tài về vai trò của doanh nghiệp và nhà sản xuất trong việc giảm thiểu rác thải nhựa.

Ông Lưu Anh Đức, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương

“Việt Nam tiếp tục chủ động tham gia vào công cụ xây dựng pháp lý giảm thiểu rác thải nhựa để chuẩn bị đầy đủ, nguồn lực cần thiết để thiết lập cơ chế điều phối giữa các bộ, ngành và địa phương liên quan từ đó đảm bảo được quyền và lợi ích cao nhất của quốc gia trong việc phòng chống ô nhiễm nhựa đại dương", ông Lưu Anh Đức cho biết thêm.

Tại buổi tập huấn, ông Nguyễn Thi, đại diện của Vụ Pháp chế - Bộ Tài nguyên và Môi trường, chia sẻ về những vấn đề xung quanh Điều 54 (trách nhiệm tái chế của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu) và Điều 55 (trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu) của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; bên cạnh đó là hướng dẫn cụ thể quy định này tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP và Thông tư 02/2022/TT-BTNMT về hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường.

EPR là công cụ để thực hiện kinh tế tuần hoàn, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, theo đó nhà sản xuất phải có trách nhiệm không chỉ dừng lại ở đưa sản phẩm ra thị trường mà còn mở rộng đến giai đoạn tiêu hủy nó. Nhà sản xuất buộc phải thiết kế làm sao để dễ thu gom, tái chế, kéo dài vòng đời sản phẩm để giảm bớt trách nhiệm thu gom của mình hoặc sử dụng những nguyên liệu không thuộc diện trách nhiệm tái chế để sản xuất ra sản phẩm.

Ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường

Ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường cho biết những tác động gây suy thoái, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đã trực tiếp quay trở lại tác động đến cuộc sống. Điển hình là đại dịch Covid-19 vừa qua cùng với rác thải khí nhà kính làm tăng nguy cơ về thiên tai, lũ lụt, hạn hán ảnh hưởng đến toàn cầu. Nhiệt độ của các nước đã nâng cao, đạt mức kỉ lục trong năm nay và ảnh hưởng này sẽ còn tiếp diễn những năm tới.