Thế giới

Dầu vẫn sẽ là nguồn năng lượng số 1 thế giới cho đến năm 2045

Nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng từ 90,6 triệu thùng/ngày trong thời kỳ đại dịch hoành hành năm 2020 lên 108,2 triệu thùng/ngày vào năm 2045, và sau đó sẽ đi ngang.

Khi các quốc gia trên thế giới chuẩn bị nhóm họp tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 sắp diễn ra tại Glasgow, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nhận định rằng, theo quan điểm của họ, dầu thô sẽ tiếp tục là nguồn năng lượng hàng đầu trong nhiều thập kỷ, đặc biệt là trong bối cảnh các quốc gia ít giàu có hơn trên thế giới vẫn đang tìm kiếm tăng trưởng và mức sống cao hơn.

OPEC cho biết, việc xe điện ngày càng được sản xuất nhiều và các nguồn năng lượng thay thế và tái tạo được thúc đẩy mạnh hơn sẽ thực sự mở ra kỷ nguyên giảm nhu cầu dầu ở các nước phát triển.

Tuy nhiên, nhu cầu năng lượng của các nền kinh tế đang phát triển vẫn sẽ khiến dầu giữ vị trí nguồn năng lượng số 1 thế giới cho đến năm 2045, OPEC cho biết hôm 28/9 trong Báo cáo Triển vọng Dầu thế giới (WOO) hàng năm mới nhất của mình.

Nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng từ 90,6 triệu thùng/ngày trong thời kỳ đại dịch hoành hành năm 2020 lên 108,2 triệu thùng/ngày vào năm 2045, và sau đó hầu như sẽ không thay đổi, OPEC đưa ra dự đoán trong báo cáo.

“Điều thấy rõ trong WOO năm nay là, nhu cầu năng lượng và dầu mỏ đã tăng lên đáng kể vào năm 2021, sau khi sụt giảm mạnh vào năm 2020, và dự báo sẽ tiếp tục mở rộng trong dài hạn”, báo cáo cho biết.

Nhu cầu năng lượng sơ cấp toàn cầu dự kiến sẽ tăng 28% trong giai đoạn 2020-2045, với tất cả các loại năng lượng, được thúc đẩy bởi quy mô nền kinh tế toàn cầu dự kiến tăng gấp đôi và dân số thế giới thêm khoảng 1,7 tỷ người vào năm 2045.

Chỉ có than sẽ ít được sử dụng hơn, trong khi các nguồn năng lượng khác sẽ có nhu cầu ngày càng tăng, mặc dù sẽ có sự thay đổi về tỉ trọng. Cụ thể, tỉ trọng cho năng lượng tái tạo, hạt nhân và khí tự nhiên sẽ lớn hơn, theo OPEC.

Theo Tổng thư ký OPEC Barkindo, để đáp ứng nhu cầu thị trường, sẽ cần 11,8 nghìn tỷ USD đầu tư liên quan đến dầu mỏ cho đến năm 2045. Ảnh: The Guardian Nigeria

Bản báo cáo dài 340 trang phác họa một tương lai mà ở đó nhu cầu đối với dầu sẽ giảm ở các quốc gia giàu có hơn thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), khi các nỗ lực chống biến đổi khí hậu được thực hiện dưới hình thức năng lượng tái tạo và nhiên liệu thay thế trong ô tô, máy bay và tàu thủy.

Dự báo, số lượng phương tiện trên thế giới sẽ tăng từ 1,1 tỷ lên thành 2,6 tỷ vào năm 2045, và 500 triệu trong số đó sẽ chạy bằng điện, chiếm khoảng 20% tổng số phương tiện.

Nhưng sự gia tăng dân số và mở rộng tầng lớp trung lưu ở phần còn lại của thế giới, bao gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ, sẽ đồng nghĩa với việc nhu cầu dầu tăng trong giai đoạn 2020-2045, mặc dù phần lớn sự gia tăng đó sẽ diễn ra trong nửa đầu của giai đoạn này, báo cáo của OPEC cho biết.

Dầu mỏ sẽ đáp ứng 28,1% nhu cầu năng lượng của thế giới vào năm 2045, giảm so với mức 30% vào năm 2020 nhưng vẫn cao hơn khí đốt tự nhiên (24,4%) và than đá (17,4%). Phần còn lại được đáp ứng bởi các nguồn năng lượng thủy điện, năng lượng hạt nhân và sinh khối và các nguồn năng lượng tái tạo khác như gió và mặt trời.

Báo cáo lưu ý rằng, nhận thức ngày càng tăng về sự cần thiết phải đẩy nhanh các hành động chống biến đổi khí hậu đã dẫn đến các ý định chính sách mới đầy tham vọng nhằm đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản, Anh, Canada và Brazil đã đề xuất lộ trình để đạt được các mục tiêu mới.

Tuy nhiên, OPEC lưu ý, có những nghi ngờ đáng kể về việc liệu tất cả các cam kết về khí hậu đầy tham vọng đó có được hiện thực trong khung thời gian đề xuất hay không.

Ví dụ, hồi tháng 7, EU đã đưa ra gói “Fit for 55”, trong đó khối liên minh với 27 quốc gia thành viên tuyên bố sẽ giảm 55% lượng phát thải so với mức của năm 1990 vào năm 2030.

OPEC cho rằng, hiện tại kế hoạch này vẫn chính xác là một kế hoạch và cần được tất cả các quốc gia thành viên EU đàm phán và đồng ý.

Vương quốc Anh sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) từ 31/10 đến 12/11 tại Glasgow, Scotland, nơi các nhà lãnh đạo thế giới sẽ tìm cách giảm phát thải khí nhà kính và hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Minh Đức (Theo Business Standard, Guardian)