Xu hướng thị trường

Đầu tư vào điện mặt trời, BIM Group làm ăn ra sao?

Với tham vọng chinh phục thị trường năng lượng tái tạo, BIM Group đã thu về khoản lợi nhuận kinh ngạc khi đầu tư xây dựng dự án điện mặt trời 330MW tại Ninh Thuận.

BIM Group lớn cỡ nào?

BIM Group là một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành lớn nhất Việt Nam, được thành lập từ năm 1994 có trụ sở chính tại TP.Hạ Long, Quảng Ninh. Dẫu vậy, BIM Group vẫn được biết đến là một công ty gia đình, được dẫn dắt bởi 3 thành phần chủ chốt là ông Đoàn Quốc Việt - Chủ tịch HĐQT, Đoàn Quốc Huy -  con trai ông Việt, giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT và bà Khổng Thị Hiền - vợ ông Việt, giữ chức Phó tổng Giám đốc.

Trước khi ông quyết định đầu tư tại Việt Nam, ông Đoàn Quốc Việt từng là một doanh nhân đã thành công trong nhiều lĩnh vực tại Ba Lan. Trải qua 27 năm phát triển, dưới sự điều hành của ông Việt, BIM Group mở rộng mô hình kinh doanh và tập trung vào các lĩnh vực chính là: Phát triển Du lịch và Đầu tư Bất động sản, Nông nghiệp - Thực phẩm, Dịch vụ Thương mại và Năng lượng tái tạo.

Đến nay, BIM Group vẫn đang đứng vững trên thị trường khi sở hữu hơn 5,6 triệu m2 quỹ đất, tập trung chủ yếu ở thị trường phía bắc. Sở hữu 21 công ty con, BIM Group đang là đối tác ưu tiên của các tập đoàn quản lý khách sạn hàng đầu thế giới. Hiện nay, ông Việt dần lui về hậu trường, vắng mặt trong hầu hết các hoạt động truyền thông của tập đoàn, nhường quyền điều hành BIM Group cho con trai Đoàn Quốc Huy.

Ông Đoàn Quốc Việt (trái) và con trai Đoàn Quốc Huy (phải).

Nói về lĩnh vực năng lượng tái tạo, trước khi Chính phủ có chính sách khuyến khích thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực này tại các tỉnh Nam Trung Bộ, BIM Group đã sớm nhận diện tiềm năng và đầu tư 2 nhà máy điện mời trời và công nghiệp muối lớn nhất Đông Nam Á tại tỉnh Ninh Thuận.

Tháng 9/2017, BIM Energy được thành lập bởi 2 thành viên lâu năm trong hệ sinh thái BIM Group là công ty TNHH Đầu tư Phát triển sản xuất Hạ Long (BIM Hạ Long) và công ty Cổ phần Muối Cà Ná Ninh Thuận, cùng ông Đoàn Quốc Huy - con trai ông Việt.

Tháng 1/2018, cụm nhà máy điện mặt trời BIM do BIM Energy làm chủ đầu tư đã được thi công. Doanh nghiệp này cũng thực hiện ký kết hợp đồng mua bán điện với tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vào cuối năm 2018.

Với tiến độ triển khai nhanh chóng, trong hơn 9 tháng chính thức thi công, cả 3 nhà máy điện mặt trời BIM 1, BIM 2 và BIM 3 với tổng công suất lên đến 330 MWP, được lắp đặt hơn 1 triệu tấm pin năng lượng mặt trời với tổng số vốn 7.000 tỷ đồng đã hoàn tất nghi thức đóng điện và hòa lưới điện quốc gia trong tháng 4/2019.

Thời điểm đó, BIM Group nổi lên là một trong những đơn vị tham vọng bậc nhất trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Cụm nhà máy điện mặt trời của BIM Group với tổng công suất lên đến 330 MWP tại Ninh Thuận.

"Kinh doanh" từ mặt trời?

Chỉ vài tháng sau khi cụm dự án điện mặt trời 330MWP đi vào hoạt động, BIM Energy đã thu về mức lãi ấn tượng.

Cụ thể, năm 2019, lợi nhuận thuần của BIM Enery đạt mức 344 tỷ đồng, cao gấp 59,6 lần so với năm 2018, tương ứng với biên lợi nhuận lên tới 49%. Kết quả kinh doanh của công ty TNHH Tập đoàn BIM (công ty mẹ - được thành lập bởi vợ chồng doanh nhân Đoàn Quốc Việt, đánh dấu quá trình tái cơ cấu của tập đoàn) cũng đã báo lãi hơn 1.013 tỷ đồng.

Trên bảng cân đối kế toán, tính đến ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của công ty TNHH Tập đoàn BIM lần lượt đạt 27.992 tỷ đồng và 6.288 tỷ đồng.

Tính đến hết năm 2020, dù dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành kinh doanh như bất động sản và dịch vụ, doanh nghiệp này vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh với mức lợi nhuận đạt 2.062 tỷ đồng.

Thu Huyền