Sức khỏe

Đậu mùa khỉ vọt lên hơn 1.000 ca, chuyên gia cảnh báo đường lây ít ngờ

Số ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ tăng nhanh trên toàn cầu, theo đó trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã nâng mức cảnh báo của mình.

Đậu mùa khỉ đã lây lan ra nhiều quốc gia

1.019 trường hợp được xác nhận và nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được báo cáo ở 29 quốc gia ngoài vùng lưu hành thường xuyên của virus, theo CDC. Vương quốc Anh đã báo cáo nhiều trường hợp nhất cho đến nay - 302 ca - tiếp theo là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Canada và Đức. Con số thống kê được tính đến hết ngày 6-6.

CDC khuyến cáo khách du lịch quốc tế "thực hành các biện pháp phòng ngừa nâng cao" để tránh mắc và lây lan căn bệnh virus hiếm gặp.

Sau những lời cảnh báo từ châu Âu về sự chủ quan khi coi đậu mùa khỉ như một căn bệnh lây lan qua đường tình dục trong một cộng đồng nhất định, CDC khẳng định có rất nhiều đường lây khác cần chú ý.

Bản đồ thể hiện các cụm ca bệnh đậu mùa khỉ ở ngoài vùng lưu hành. Ảnh: CDC

Đặc biệt cơ quan này khuyên mọi người nên tránh tiếp xúc gần với những người có dấu hiệu bị bệnh, bao gồm cả những người bị phát ban "lạ" trên da hoặc bộ phận sinh dục của họ; cũng như tránh tiếp xúc với động vật hoang dã đã chết hoặc còn sống, đặc biệt là các loài gặm nhấm, chẳng hạn như chuột và sóc, và các loài linh trưởng không phải người, ví dụ như khỉ và vượn.

Tại châu Phi vùng lưu hành thường xuyên của đậu mùa khỉ các ca bệnh hầu hết xảy ra do sự tiếp xúc với thú rừng.

Người dân cũng được khuyên tránh tiếp xúc với các vật dụng liên quan đến người bệnh, chẳng hạn như quần áo và giường ngủ, hoặc các vật dụng có khả năng mang mầm bệnh từ động vật; đồng thời tránh tiêu thụ hoặc chế biến thịt từ động vật hoang dã.

Trước những số ca đậu mùa khỉ tăng mạnh, CDC nhấn mạnh: "Nếu bạn bị ốm và có thể mắc bệnh đậu mùa khỉ, hãy trì hoãn việc đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng cho đến khi bạn được chuyên gia chăm sóc sức khỏe hoặc các quan chức y tế công cộng xác nhận"

Thế giới ứng phó đợt bùng phát đậu mùa khỉ

Nhiễm trùng do bệnh đậu mùa khỉ có thể gây ra các tổn thương đau đớn trên khắp cơ thể và để lại sẹo lâu dài. Diễn biến bệnh kéo dài khoảng ba tuần. Tuy nhiên, không giống như những gì thường thấy trong các trường hợp đậu mùa khỉ ở châu Phi, hầu hết các ca bệnh được xác định ở Châu Âu và Mỹ đều ở thể nhẹ. Thông thường, triệu chứng đầu tiên của bệnh đậu mùa khỉ là sốt, nhưng một số ca ở Mỹ gần đây không ghi nhận sốt hoặc các dấu hiệu ban đầu khác trước khi các tổn thương xuất hiện.

Trước diễn biến của đợt bùng phát đậu mùa khỉ hiện nay, nhiều nước trên thế giới đang có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để tránh phải đối mặt với một dịch bệnh khác hậu Covid-19. Các quan chức y tế ở Vương quốc Anh đang xây dựng một mạng lưới rộng khắp để nhanh chóng tìm kiếm các ca mắc mới, ngoài ra đưa kèm khuyến nghị: "Nguy cơ đối với dân số Anh vẫn ở mức thấp, nhưng chúng tôi yêu cầu mọi người cảnh giác với bất kỳ loại phát ban hoặc tổn thương mới nào có thể xuất hiện như đốm, vết loét hoặc mụn nước, trên bất kỳ bộ phận nào của cơ thể."

Cơ quan quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) đã kích hoạt đội đặc nhiệm khẩn cấp chống bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có việc mở rộng nhanh chóng sản xuất vaccine.

Trong khi đó, 1.200 liều vắc-xin và 100 liệu trình điều trị đã được chuyển tới các bang của Mỹ - nơi ghi nhận các trường hợp tiếp xúc với người lây nhiễm.

Khi thế giới vẫn đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19, các chuyên gia cảnh báo rằng những loại virus mới nổi là không thể tránh khỏi trong những năm tới và cần giám sát tốt hơn để đón đầu các mầm bệnh mới tiềm ẩn. Tiến sĩ Theresa Tam, giám đốc y tế công cộng của Canada cho biết: "Bệnh truyền nhiễm mới nổi luôn có thể tấn công chúng ta. Và chúng ta nên chuẩn bị hết sức có thể, đồng nghĩa với việc tăng cường năng lực y tế công cộng toàn cầu".

WHO cảnh báo virus đậu mùa khỉ có khả năng đã âm thầm lây lan một thời gian trước khi bị phát hiện. Ảnh: AP.

Đậu mùa khỉ lây nhanh nhưng khó thành đại dịch

Mới đây, nhiều quan chức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lên tiếng kêu gọi chính quyền các quốc gia và vùng lãnh thổ tăng cường giám sát về virus gây bệnh đậu mùa khỉ. Vốn là một căn bệnh đặc hữu có nguồn gốc từ khu vực Trung Phi và Tây Phi nhiều năm qua, đậu mùa khỉ trong những tuần qua bất ngờ lan rộng sang các khu vực khác, chưa rõ nguyên nhân.

Tuy lây lan nhanh nhưng giới chuyên gia đa phần vẫn cho rằng đậu mùa khỉ trên toàn cầu vẫn đang trong tầm kiểm soát. Đơn cử, quan chức phụ trách lĩnh vực kiểm soát nguy cơ lây nhiễm toàn cầu của WHO - TS Sylvie Briand cho rằng nếu áp dụng các biện pháp phù hợp ở thời điểm hiện tại, thế giới có cơ hội kiểm soát thành công bệnh đậu mùa khỉ. “Người dân không nên lo lắng vì virus gây bệnh đậu mùa khỉ có tốc độ lây truyền chậm hơn nhiều so với các loại virus khác như SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19”, hãng tin Al Jazeera dẫn lời bà Briand.

Chuyên gia dịch bệnh Jo Walker thuộc ĐH Yale (Mỹ) trả lời phỏng vấn của đài NPR, mặc dù số ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ gia tăng trong thời gian gần đây là đáng báo động, song virus gây bệnh này ít lây lan hơn nhiều so với virus SARS-CoV-2.

Trúc Chi (t/h theo Người Lao Động, VTV News)