Pháp luật

Đau lòng chuyện trẻ con mang thai, "xử" hung thủ nhí thế nào?

Không ít bậc cha mẹ bàng hoàng bởi đối tượng thực hiện hành vi xâm hại tình dục là trẻ nam từ 14-16 tuổi.

Đau lòng chuyện trẻ con mang thai

Mới đây, dư luận xôn xao trước thông tin 1 nữ sinh 14 tuổi đang học lớp 9 tại thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa nghi bị bạn trai cùng lớp nhiều lần xâm hại dẫn tới mang thai.

Nữ sinh đó là cháu Đ.M.A (SN 2006). Khi gia đình thấy cháu M.A có dấu hiệu bất thường như bụng to, chậm kinh nguyệt đã đưa đi siêu âm mới biết M.A. đã có thai 14 tuần tuổi. Sau nhiều lần gặng hỏi, M.A. kể lại cho gia đình biết trước đó mình bị bạn cùng lớp tên là N nhiều lần xâm hại tình dục tại nhiều địa điểm khác nhau.

Lần đầu tiên khoảng tháng 5/2020 khi em này được các bạn rủ tới nhà bạn chơi. N cũng có mặt ở đó cùng với một số bạn học cùng lớp. Tại đây, M.A đã bị N kéo vào phòng ngủ, chốt cửa lại và ép quan hệ tình dục. Theo M.A, trong những lần bị N. xâm hại, em không phản kháng, không dám kêu la và không dám kể với gia đình thầy cô vì sợ xấu hổ.

Nữ sinh Đ.M.A. cho biết bị ép quan hệ tình dục với bạn nam cùng lớp.

Sau khi tiếp nhận đơn trình báo, Công an TX.Nghi Sơn đã mời nạn nhân, người giám hộ của em, N. và đại diện gia đình N., những học sinh liên quan lên làm việc để phục vụ công tác điều tra.

Trước đó, tại huyện Bến Lức, Long An, trước đó, gia đình bé gái L.T.A.T. (12 tuổi) phát hiện cháu T. có thai 8 tháng. Sau đó, gia đình đã làm đơn tố giác N.T.K (15 tuổi) gửi Công an huyện Bến Lức. N.T.K được cho là bạn trai của T.. Cả hai đã lén lút quan hệ tình dục dẫn đến bé gái mang thai và khi thai đã 8 tháng gia đình mới biết.

Những vụ việc trên khiến không ít bậc cha mẹ bàng hoàng bởi đối tượng thực hiện hành vi là trẻ nam từ 14-16 tuổi. Nhiều người đặt câu hỏi, trách nhiệm pháp lý của người từ 14-16 tuổi khi thực hiện hành vi phạm tội được quy định ra sao?

Hình phạt đã đủ sức răn đe

Về vấn đề pháp lý trong vụ việc ở Thanh Hóa, luật sư Đặng Văn Cường, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho rằng, người dưới 16 tuổi được xác định là trẻ em. Hành vi quan hệ tình dục với người dưới 16 tuổi bị pháp luật ngăn cấm và người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, nếu người đã thành niên mà quan hệ tình dục với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, dù có quan hệ tình dục tự nguyện, người thanh niên cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Tuy nhiên, nếu người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi quan hệ tình dục tự nguyện với nhau thì dưới góc độ pháp lý đây chỉ là “chuyện trẻ con”, sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp người đã đủ 14 tuổi mà dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực để thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn với người dưới 16 tuổi thì hành vi này là nguy hiểm cho xã hội, có dấu hiệu cấu thành tội Cưỡng dâm người dưới 16 tuổi hoặc tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi theo Điều 142, Bộ luật Hình sự 2015.

Để xem xét trách nhiệm hình sự của các đối tượng có liên quan, cơ quan điều tra sẽ làm rõ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và tính chất nghiêm trọng của sự việc. Trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Hiếp dâm đối với người dưới 16 tuổi thì đối tượng vi phạm từ 14 tuổi đã phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 12 và Điều 142 Bộ luật Hình sự.

Theo tôi, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã khắc phục hạn chế của những quy định trước, kịp thời ban hành những quy định cụ thể, chặt chẽ, phù hợp và có hình phạt nghiêm khắc đối với loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

Cần nhận diện các nguy cơ có tác hại cho trẻ

Liên quan đến những vụ việc xâm hại trẻ em gia tăng, bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng cục Bảo vệ trẻ em, bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Phó Giám đốc trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) nhận định: “Một trong những nguyên nhân đầu tiên dẫn đến những vụ việc đau lòng đã xảy ra chính là việc nhận diện các nguy cơ có tác hại cho trẻ ở Việt Nam chưa được thực hiện tốt.

Chúng ta không còn đội ngũ cán bộ xã hội, cộng tác viên làm việc, hợp tác với trẻ em ở cộng đồng nên các nguy cơ nguy hiểm đến trẻ em chưa được nhận diện kịp thời. Nếu các xã có cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em, họ sẽ nhận diện tốt các nguy cơ từ cộng đồng đối với trẻ em. Sau đó các cán bộ này mới có những tư vấn ngăn chặn trước các nguy cơ.

Bên cạnh đó, vấn đề giáo dục của nhà trường cho thấy giáo dục các kỹ năng cho học sinh là chưa đủ và chưa đi vào thực chất. Học sinh có quá ít thời gian để học về đạo đức, các kỹ năng sống, giáo dục về phòng chống tai nạn thương tích, giáo dục về phòng chống xâm hại tình dục...".

Ngân Giang