Kinh tế vĩ mô

Đâu là rào cản đối với kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp?

Kinh tế tuần hoàn giúp giảm thiểu việc sử dụng đầu vào từ bên ngoài, thay vào đó tái sử dụng các chất cặn bã, sử dụng năng lượng tái tạo và tái sinh hệ sinh thái.

Kinh tế tuần hoàn, giải pháp cho một hệ sinh thái bền vững

Theo báo cáo của Ellen MacArthur (tổ chức phi lợi nhuận- Anh), kinh tế tuần hoàn là một hệ thống công nghiệp phục hồi và tái tạo. Sử dụng các năng lượng tái tạo trong quá trình sản xuất, loại bỏ việc sử dụng các hóa chất độc hại và chất thải gây suy giảm khả năng tái sử dụng. Hiểu một cách đơn giản, kinh tế tuần hoàn là biến rác thải đầu ra của ngành này thành nguồn nguyên liệu đầu vào của ngành khác hay tái sử dụng nguyên liệu, phế phẩm trong nội tại quy trình sản xuất của một doanh nghiệp. Kinh tế tuần hoàn giúp gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tại châu Âu, kinh tế tuần hoàn đã được triển khai một cách toàn diện nhằm xây dựng một hệ sinh thái khu vực bền vững và ổn định. Tháng 7/2014, Ủy ban châu Âu đã thông qua chương trình: “Hướng tới nền kinh tế tuần hoàn: Vì một Châu Âu không rác thải”

Hệ thống thu hồi chủ động tạo ra các vòng lặp, giúp hạn chế sử dụng tài nguyên mới và hạn chế tác động môi trường. Nguồn: Ellen MacArthur Foundation

Trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Phát triển nghiên cứu kinh tế tuần hoàn (ĐHQG, Tp.HCM) cho biết, những năm gần đây tại Việt Nam, kinh tế tuần hoàn nhận được nhiều sự quan tâm từ Chính phủ.

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đưa kinh tế tuần hoàn vào trong nhóm những giải pháp chiến lược. Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vừa qua, Thủ tướng cũng đã báo cáo về vấn đề trung hòa Carbon ở Việt Nam đến năm 2050, trong đó có đề cập đến kinh tế tuần hoàn và cách tiếp cận để giải quyết bài toán phát triển bền vững, phát triển bao trùm.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, áp dụng kinh tế tuần hoàn có thể giảm 55% phát thải khí nhà kính cho toàn bộ nền kinh tế, đây được coi là công cụ giải quyết cho bài toán kinh tế - môi trường nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Việc giảm nguyên vật liệu sơ cấp thông qua các hoạt động tái sử dụng nguyên vật liệu tại chỗ, hoặc sinh ra trong quá trình sản xuất sẽ giúp bảo tồn, tái tạo các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng trở lên cạn kiệt, giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả cạnh tranh, tiết kiệm chi phí sản xuất đồng thời gia tăng cơ hội tìm kiếm thị trường mới, giải quyết thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động.

Tiềm năng ứng dụng và các rào cản kinh tế tuần hoàn đối với nông nghiệp Việt Nam

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn cho lĩnh vực nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao hiện nay là yêu cầu tất yếu.

Việt Nam có một nền sản xuất nông nghiệp đa dạng và rất phong phú. Đây là tiền đề quyết định cho sự thành công khi ứng dụng kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp thông minh tích hợp chuyển đổi số trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Mục đích thực hiện kinh tế tuần hoàn trong nông, lâm nghiệp là giúp giảm thiểu việc sử dụng đầu vào từ bên ngoài, thay vào đó là tái sử dụng các chất cặn bã và chất thải, phân bón gốc sinh học, sử dụng năng lượng tái tạo và tái sinh hệ sinh thái. Từ đó tạo các vòng tròn dinh dưỡng khép kín và giảm thải ra môi trường, xử lý và tái sử dụng chất thải, tinh chế sinh học .

Các nguồn đầu vào, chất thải, phụ phế phẩm sinh ra trong quá trình sản xuất như nuôi tôm, cá tra, trồng lúa…hoàn toàn có thể được tận dụng để xây dựng lên các mô hình kinh doanh đổi mới, sáng tạo trong nông nghiệp.

 Ứng dụng công nghệ cao đã đưa nền nông nghiệp Israel phát triển vượt bậc

Theo quy hoạch tổng thể khu và vùng ứng dụng công nghệ cao tại Việt Nam đến năm 2020, định hướng 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Việt Nam sẽ có nhiều vùng nông nghiệp công nghệ cao phân bổ ở khắp các địa phương. Để thúc đẩy đề án này, Chính phủ đã đưa ra chính sách 100 nghìn tỉ đồng, khuyến khích các ngân hàng thương mại ưu tiên cho vay đối với các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

“Hiện đã có 29 dự án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được quy hoạch xây dựng và đưa vào hoạt động”, ông Quân cho biết.

PGS, Ts Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện phát triển nghiên cứu kinh tế tuần hoàn (ĐHQG, Tp.HCM)

Tuy nhiên, vị Viện trưởng việc ứng dụng kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam hiện nay còn nhiều nan giải khi vấp phải khá nhiều rào cản đến từ hạ tầng sản xuất, thể chế, quy chuẩn đầu tư… Điển hình là các yếu tố như trình độ học vấn của người lao động, hạ tầng giao thông, chính sách quản lý đất đai, vốn đầu tư, di cư và đô thị hóa. Bên cạnh đó là các khó khăn đến từ mặt kỹ thuật, hạ tầng công nghệ thông tin, công nghệ số.

Ông Quân đánh giá, để hoàn thành chuyển đổi số, thành công ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, điều kiện tiên quyết là sự kết hợp chặt chẽ giữa 4 nhà: Nhà nước- Nhà nông- Nhà khoa học và doanh nghiệp.

Trong đó, Nhà nước cần phải thể hiện rõ hơn nữa vai trò tổ chức sản xuất thông qua việc phát triển và xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết giữa các chuỗi sản xuất, các chuỗi thực phẩm với kênh phân phối và hệ thống thu mua, xuất khẩu.

Tập trung nâng cao năng lực của các bên liên quan từ chính quyền trung ương, chính quyền địa phương cho đến các doanh nghiệp, HTX, các trường Đại học và Viện nghiên cứu để kịp thời cập nhật và bổ sung hệ thống kiến thức.