Thế giới

Đặt quân ở Ba Lan, Mỹ gửi tín hiệu rõ ràng cho Nga

Về phần mình, Moscow tuyên bố không bị đe dọa trước sự tăng cường hiện diện của quân đội Mỹ ở châu Âu, trong bối cảnh xung đột vũ trang Nga-Ukraine ngày càng nóng.

Ba Lan ca ngợi cam kết của Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 29/6 về việc thiết lập trụ sở của Quân đoàn Lục quân số 5 ở Ba Lan tương đương với việc hiện thực hóa giấc mơ ấp ủ lâu nay, đồng thời gửi một tín hiệu răn đe rõ ràng đối với Nga, Reuters đưa tin.

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh NATO đang diễn ra tại Madrid (Tây Ban Nha), Tổng thống Biden hôm 29/6 tuyên bố Mỹ sẽ tăng cường lực lượng và thiết bị của mình trên khắp châu Âu và thiết lập một trụ sở quân đội thường trực mới ở Ba Lan để đối phó với các mối đe dọa mới tiềm tàng từ Moscow theo sau xung đột Nga-Ukraine.

Kể từ khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, Ba Lan đã coi việc gia tăng quân đội NATO ở sườn phía Đông của liên minh phương Tây là rất quan trọng đối với an ninh của Trung Âu khi đối mặt với sự quyết đoán ngày càng tăng của Nga. Ngoài ra, Warsaw từ lâu đã muốn Mỹ đặt một căn cứ quân sự lâu dài trên đất của mình.

"Đó là một thành công đến từ các cuộc đàm phán lâu dài và nhất quán về vấn đề này, đồng thời, một dấu hiệu rất rõ ràng rằng người Mỹ có ý định tăng chứ không giảm sự hiện diện của họ ở Ba Lan", ông Jakub Kumoch, cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Ba Lan, nói với Reuters khi được hỏi về thông báo của ông Biden.

Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Marcin Przydacz viết trên Twitter: “Một điều tưởng chừng như không thể đối với nhiều người ngày nay đã trở thành sự thật. Chúng tôi có sự hiện diện thường trực của Mỹ ở Ba Lan .. Đó cũng là một tín hiệu rõ ràng cho Moscow”.

Binh sĩ Mỹ thuộc Sư đoàn Dù 82 và các phương tiện quân sự được nhìn thấy tại căn cứ quân sự tạm thời dành cho quân đội Mỹ được thành lập tại Sân bay Arlamow, Ba Lan, ngày 24/2/2022. Ảnh: Getty Images

Ông Biden đã đến Ba Lan hồi tháng 3 và thăm các quân nhân Mỹ đang được triển khai ở đó trong bối cảnh xung đột quân sự Nga-Ukraine diễn ra ác liệt.

Ông Jaroslaw Kaczynski, lãnh đạo đảng cầm quyền của Ba Lan, cho biết hồi tháng 4 rằng Warsaw sẵn sàng để Mỹ đặt vũ khí hạt nhân trên đất của mình và hoan nghênh việc Mỹ tăng 50% quân số của họ ở châu Âu. Những bình luận này đã bị Điện Kremlin chỉ trích.

Trước khi căng thẳng giữa Nga và phương Tây bùng lên mạnh mẽ về vấn đề Ukraine, Mỹ triển khai khoảng 4.500 binh sĩ ở Ba Lan theo các thỏa thuận với NATO và cả các thỏa thuận song phương, và chủ yếu đóng quân ở miền Tây đất nước Trung Âu trên cơ sở luân phiên.

Washington kể từ đó đã điều động quân và thiết bị bổ sung đến Ba Lan trên cơ sở tạm thời và NATO cho biết hồi tháng 6 rằng liên minh hiện có 11.600 quân từ các quốc gia khác được triển khai tại Ba Lan, một con số bao gồm các lực lượng từ các thành viên NATO khác như Anh.

Vào năm 2018, Ba Lan, quốc gia có chung đường biên giới với Ukraine và đồng minh thân cận của Nga là Belarus, đã đề xuất đặt tên một căn cứ quân sự là "Pháo đài Trump" (Fort Trump) để vinh danh Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump, đổi lại ông sẽ thiết lập sự hiện diện thường trực của quân Mỹ ở đó.

Tuy nhiên, "Pháo đài Trump" đã không bao giờ thành hiện thực.

Phản ứng của Nga trước việc Mỹ tăng cường lực lượng ở châu Âu

Nga hôm 29/6 tuyên bố sẽ không bị đe dọa trước sự tăng cường hiện diện của quân đội Mỹ ở châu Âu trong bối cảnh căng thẳng gia tăng về sự can thiệp quân sự của Moscow vào Ukraine, hãng thông tấn Pháp AFP đưa tin.

“Tôi cho rằng những người đề xuất các giải pháp như vậy đang ảo tưởng rằng họ sẽ có thể đe dọa hoặc kiềm chế Nga. Họ sẽ không thành công”, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói với các phóng viên.

“Chúng tôi có khả năng và nguồn lực”, ông Ryabkov nói, đồng thời tuyên bố Nga chắc chắn sẽ có những biện pháp trả đũa.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov. Ảnh: Interfax

Minh Đức (Theo Reuters, ANews)