Thế giới

Sri Lanka vỡ nợ, người dân trở lại với bếp củi để nấu ăn

Khí đốt đã trở nên khan hiếm hoặc quá đắt đỏ so với khả năng chi trả của người dân, những người dùng bếp điện cũng chật vật do tình trạng cắt điện triền miên.

Trong bối cảnh Sri Lanka đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, thiếu hụt những nhu yếu phẩm cơ bản từ thuốc men đến khí đốt, người dân đang dần trở lại với bếp củi để nấu ăn. 

Sự thay đổi này bắt đầu từ đầu năm khi khắp đất nước ghi nhận hơn 1.000 căn bếp phát nổ, khiến ít nhất 7 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương. Nguyên nhân do các nhà cung cấp đã nâng tỉ lệ khí propan nhằm cắt giảm chi phí, điều này khiến áp suất trong bình tăng lên mức nguy hiểm.

Tại nhiều nơi trên quốc đảo 22 triệu dân này, khí đốt đã trở nên khan hiếm hoặc giá quá đắt đỏ so với khả năng chi trả của người dân. Một số người đã chuyển sang sử dụng bếp dầu hỏa, tuy nhiên cũng đang thiếu hụt do Chính phủ cạn kiệt ngoại tệ đề nhập khẩu nhiên liệu. Những người dùng bếp điện cũng chật vật do tình trạng cắt điện triền miên.

Cô Niluka Hapuarachchi, 41 tuổi, cho biết đã may mắn thoát nạn một cách thần kỳ khi bình ga tại nhà phát nổ ngay sau khi nấu ăn hồi tháng 8. Cô Niluka Hapuarachchi nói: “May mắn thay, khi đó không có ai ở bếp. Vụ nổ khiến mảnh kính vương vãi khắp sàn. Tôi sẽ không bao giờ sử dụng gas để nấu ăn nữa, bởi nó không an toàn. Hiện tôi chuyển sang đun nấu bằng củi".

Ông Karunawathi, 67 tuổi, chủ một quán ăn ven đường, cũng đã chuyển sang dùng bếp củi. Ông cho biết đã phải cân nhắc giữa "bài toán" hoặc là đóng tiệm hoặc là duy trì kinh doanh bằng khói và bồ hóng. Ông Karunawathi chia sẻ: “Chúng tôi đã ngạt khói khi dùng bếp củi, nhưng không có lựa chọn nào khác. Trên thực tế, củi cũng đang trở nên khó kiếm và đắt hơn”.

Người dân ở ngoại ô thủ đô Colombo, Sri Lanka đang đun nấu bằng bếp củi. Ảnh: Nation Africa.

Trước cuộc khủng hoảng, hầu như các hộ gia đình ở thủ đô Colombo (Sri Lanka) đều đủ tiền để dùng khí đốt, nhưng hiện tại những người buôn bán củi như ông Selliah Raja lại hoạt động sôi nổi.

Ông Selliah Raja, 60 tuổi, cho hay: “Trước đó, chúng tôi chỉ cung cấp cho một nhà hàng dùng lò đốt củi, nhưng hiện tại chúng tôi có rất nhiều khách hàng đến mức không kịp đáp ứng nhu cầu”. Các nhà cung cấp củi của ông ở tỉnh khác đã nâng giá gấp đôi do nhu cầu và chi phí vận chuyển tăng vọt.

Ông Sampath Sohara, một người thợ làm rừng tại làng Nehinna, tỉnh Western của Sri Lanka, chia sẻ với hãng tin AFP: “Trước đó, chủ đất đã trả tiền cho chúng tôi để chặt bỏ những cây cao su hết khả năng khai thác. Nhưng hiện tại, họ phải trả tiền để có được những cây này".

Ông Riyad Ismail, 51 tuổi, đang ghi nhận sự gia tăng của ​​doanh số bếp củi công nghệ cao do ông tự sáng chế vào năm 2008. Ông đã gắn một quạt điện nhỏ chạy bằng pin để thổi luồng không khí vào bếp, giúp bếp cháy tốt hơn, giảm khói và muội than so với bếp củi truyền thống.

Hai loại bếp là hạng sang “Ezstove” và hạng bình dân “Janalipa” của ông Riyad Ismail có giá lần lượt ở mức 50 USD và 20 USD, đang ghi nhận danh sách dài những người mua phải chờ đợi. Ông Ismail cho biết thiết kế kiểu bếp như vậy rất thành công và đã có một số bản sao chép thiết kế xuất hiện trên thị trường.

Người dân xếp hàng để mua bình khí đốt ở thủ đô Colombo, Sri Lanka vào ngày 31/12/2021. Ảnh: AFP.

Sri Lanka từng là quốc gia có thu nhập trung bình, với GDP bình quân đầu người tương đương Philippines và mức sống khiến các nước láng giềng như Ấn Độ phải “ghen tị”. Tuy nhiên, sự quản lý kinh tế yếu kém và ngành du lịch thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19 đã khiến quốc đảo này cạn nguồn ngoại tệ để chi trả cho nhập khẩu.

Tình hình kinh tế Sri Lanka có thể không sớm được cải thiện khi Thủ tướng Ranil Wickremesinghe mới đây tuyên bố: “Chúng ta cũng sẽ phải đối mặt với những khó khăn đến năm 2023. Đây là sự thật, là thực tế".

Chuyên gia kinh tế Steve Hanke tại Đại học Johns Hopkins ước tính lạm phát hiện tại ở Sri Lanka là 128%, chỉ đứng sau lạm phát Zimbabwe ở mức 365%. Liên Hợp Quốc gần đây cho biết khoảng 80% người dân tại quốc đảo vùng Nam Á này đã phải bỏ bữa vì không đủ tiền chi trả cho thực phẩm.

Phạm Hà Thanh (theo Digital Journal, Channel News Asia)