Thế giới

Đất nước siêu lạm phát Zimbabwe ngừng hoạt động vay vốn ngân hàng

Đồng đô la Zimbabwe (ZWL), được định giá chính thức ở mức 165,94 so với USD, nhưng được giao dịch lên tới 330 - 400 so với đồng bạc xanh trên thị trường chợ đen. 

Tổng thống Emmerson Mnangagwa của đất nước siêu lạm phát Zimbabwe mới đây đã ra lệnh cho các ngân hàng nước này ngừng hoạt động cho chính phủ và khu vực tư nhân vay vốn. Động thái chưa từng có diễn ra trong bối cảnh đồng nội tệ sụt giảm mạnh so với đồng bạc xanh và nhu cầu đối với đồng USD, được coi là vật lưu trữ giá trị, ở mức cao.

Đây là một phần của hàng loạt các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng nội tệ mất giá nhanh chóng trên thị trường chợ đen (black market- nơi diễn ra những hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa không được sự cho phép của chính phủ). Đồng đô la Zimbabwe (ZWL), được định giá chính thức ở mức 165,94 so với USD, nhưng được giao dịch lên tới 330 - 400 so với đồng bạc xanh trên thị trường chợ đen. 

Người dân cầm biểu ngữ trong cuộc tuần hành phản đối tham nhũng dọc đường Borrowdale, thủ đô Harare, Zimbabwe vào ngày 31/7/2020. Ảnh: Getty Images.

Trong một tuyên bố hôm 7/5, Tổng thống Mnangagwa cho biết đã có những tác nhân đằng sau khiến tỷ giá hối đoái sụt giảm bất chấp các nền tảng kinh tế mạnh mẽ.

Ông Mnangagwa nói: “Để giảm thiểu việc tạo ra lượng tiền lớn dễ bị lạm dụng cho mục đích thao túng tỷ giá hối đoái nhằm thu lợi tài chính, đồng thời để các cuộc điều tra hiện tại có thể diễn ra, hoạt động cho vay của các ngân hàng đối với cả chính phủ và khu vực tư nhân đều bị đình chỉ. Lệnh này có hiệu lực ngay lập tức cho đến khi có thông báo mới".

Tổng thống cáo buộc các nhà đầu cơ đã vay đô la Zimbabwe với lãi suất dưới lạm phát và sử dụng tiền để giao dịch ngoại hối.

Lệnh mới sẽ gây khó khăn cho lĩnh vực ngân hàng. Về bản chất, ngân hàng tồn tại thông qua hoạt động cho vay (thu nhập từ lãi). Hoạt động kinh doanh cốt lõi của các ngân hàng là tạo ra tín dụng và phân bổ vốn một cách hiệu quả. Nguồn thu của các ngân hàng cũng đến từ các hoạt động không được tài trợ (phí ngân hàng, phí giao dịch, phí dịch vụ và các dịch vụ khác).

Các biện pháp khác bao gồm tăng thuế đối với chuyển khoản ngân hàng ngoại hối, đánh thuế cao hơn đối với việc rút tiền mặt bằng ngoại hối vượt quá 1.000 USD và thanh toán các loại thuế đã từng được tính bằng ngoại hối hiện phải chuyển sang bằng nội tệ.

Việc phá giá tỷ giá hối đoái chợ đen của đồng đô la Zimbabwe đã và đang thúc đẩy lạm phát gia tăng. Lạm phát hàng năm của Zimbabwe đã tăng nhanh lên tới 96,4% vào tháng 4 năm nay, so với mức 60,6% hồi tháng 1.

Phạm Hà Thanh (theo Reuters, Business Times)