Tiêu điểm thế giới

Đáp trả lệnh trừng phạt của Mỹ, Iran cảnh báo sẽ rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân

Ngày 28/4, Ngoại trưởng Iran tuyên bố nước này sẽ xem xét việc sẽ rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT) sau động thái siết chặt trừng phạt của Mỹ.

Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif.

Đài truyền hình đăng tải phát ngôn của Bộ trưởng Ngoại giao Iran, ông Mohammad Javad Zarif về các bước tiến mới của đất nước sau khi Mỹ siết chặt lệnh trừng phạt.

"Cộng hòa Iran có rất nhiều lựa chọn, và các nhà chức trách đang cân nhắc. Từ bỏ NPT (Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân) là một trong số đó”, ông Zarif tuyên bố.

Đây là lần thứ 2 Iran đưa ra cảnh báo sẽ rút khỏi hiệp định NPT. Phía Iran đã từng cân nhắc vấn đề này khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Iran ký với P5+1 năm 2015.

Cảnh báo lần này là phản hồi của Iran Mỹ sau khi chính quyền Washington ban hành lệnh trừng phạt lên thị trường xuất khẩu dầu của nước này. Cụ thể vào đầu tháng 4, Mỹ chỉ trích lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, đưa lực lượng vào danh sách đen và yêu cầu các đối tác ngừng thu mua dầu của nước này trước tháng 5 nếu không sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt

Ngày 23/4, giá dầu tăng lên mức cao nhất từ tháng 11/2018 sau khi Washington tuyên bố mọi hình thức miễn trừ trừng phạt với hoạt động nhập khẩu dầu Iran sẽ kết thúc vào tuần tới, buộc các nhà nhập khẩu dừng mua dầu từ Tehran và tiếp tục khiến nguồn cung toàn cầu bị thu hẹp.

Tháng 11/2018, Mỹ tái áp đặt trừng phạt đối với xuất khẩu dầu thô của Iran sau khi Tổng thống Donald Trump đơn phương rút khỏi JCPOA. Phía Washington chỉ cho phép 8 quốc gia được tiếp tục mua dầu thô của Iran trong 6 tháng tiếp theo với số lượng hạn chế. Các nước được miễn trừ bao gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Thổ Nhĩ Kỳ, Italy và Hy Lạp.

Đáp trả lại đồng thái này, Tổng thống Iran Hassan Rouhani và một số chỉ huy quân sự cấp cao đe dọa sẽ cản trở các tuyến đường vận chuyển dầu từ các nước vùng Vịnh nếu Washington cố gắng bóp nghẹt hoạt động xuất khẩu dầu của Tehran.

Iran đe dọa phong tỏa eo biển Hormuz.

Phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Lực lượng Hải quân Trung ương Mỹ - Trung úy Chloe Morgan nhận định: "Eo biển Hormuz là tuyến đường biển quốc tế. Đe dọa đóng cửa eo biển này tác động xấu đến cộng đồng quốc tế và làm suy yếu dòng chảy thương mại tự do".

Tuyến đường này là sợi dây kết nối các nhà sản xuất dầu thô Trung Đông đến thị trường ở châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu, Bắc Mỹ và các khu vực xa hơn nữa. Một phần ba lượng dầu trên thế giới được vận chuyển qua eo biển Hormuz mỗi ngày.

Bá Di