Giáo dục

"Dập tắt" tư tưởng bỏ môn thi Lịch sử trong cuộc đua vào 10

Theo chuyên gia giáo dục, giảm bớt môn thi vào lớp 10, đặc biệt là môn Lịch sử chỉ có lợi với học sinh lười học.

Lịch sử không phải là “gánh nặng”

Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngay đầu tháng 5, tất cả học sinh TP.Hà Nội đã chuyển sang hình thức học trực tuyến để đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Tuy nhiên, điều này lại là trở ngại cho học sinh khi đối mặt với các kỳ thi, đặc biệt, đối với học sinh thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT.

Những ngày qua, trên các diễn đàn giáo dục, không ít phụ huynh có con thi vào 10 bày tỏ mong muốn, đề nghị sở GD&ĐT Hà Nội bỏ môn thi thứ tư (môn Lịch sử) để giảm tải cho các con, bởi vì lứa học sinh sinh năm 2006 này đã trải qua 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, cũng có phụ huynh phản đối những đề nghị trên.

Nguyên nhân xuất phát từ việc, ngày 12/3, sở GD&ĐT Hà Nội đã công bố môn thi thứ tư của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT hệ công lập năm học 2021-2022 là môn Lịch sử. Học sinh lớp 9 trên địa bàn thành phố bước vào “guồng” học song song với ôn thi chuyển cấp. 

Trước ý kiến trái chiều, nhiều chuyên gia cho rằng, việc bớt một môn thi cũng không phải chuyện quá cần kíp ngay lúc này.

Chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp luật, nhà văn Bùi Ngọc Phúc cho biết: “Quan điểm của tôi nhất quán, tính đến hôm nay là ngày 11/5, các con đã học và ôn tập môn Lịch sử được 2 tháng qua, cả thầy và trò đều đã nỗ lực rất nhiều. Chính vì vậy, việc bỏ môn thi thứ tư có thật sự cần thiết? Một thay đổi trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 dù nhỏ nhất, cũng sẽ tác động đến nhiều thí sinh.

Trước khi tạm dừng đến trường, học sinh lớp 9 trên địa bàn thành phố đã bước vào "guồng" học và ôn thi hiệu quả.

Theo tôi, môn thi có thể giảm tải về nội dung chứ không thể bỏ được. Nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp, thay vì bỏ môn thi thứ tư, sở GD&ĐT Hà Nội sẽ có nhiều phương án lựa chọn khác nhau, điều này sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hoá đã tính đến”.

Dẫn chứng cho việc môn thi Lịch sử không phải “gánh nặng” cho các thí sinh, nhà văn Bùi Ngọc Phúc chỉ ra: Tôi xin điểm qua về môn Lịch sử để phụ huynh tham khảo, dữ liệu được dẫn nguồn từ kết quả của môn thi Lịch sử vào 10 năm học 2019-2020.

Bài thi môn Lịch sử có thời gian làm bài là 60 phút với 40 câu hỏi trắc nghiệm, mỗi câu hỏi có 4 phương án trả lời, với mỗi câu hỏi, thí sinh có 1,5 phút để khoanh phương án đúng, thời gian này là hợp lý cho những học sinh có kiến thức cơ bản. Trong 4 câu, bao giờ cũng có 2 câu được loại trừ ngay lần đọc đầu tiên, còn lại 2 câu để thí sinh cân nhắc trước khi chọn. Kết quả của kỳ thi vào 10 năm học 2019-2020 đã chứng minh, các con đã làm rất tốt.

Theo nhà văn Bùi Ngọc Phúc, không cần thiết bỏ môn thi thứ tư vào lớp 10 vì cả thầy và trò đều đã nỗ lực suốt 2 tháng qua.

Trong kỳ thi vào 10 năm học 2019-2020, chính môn Lịch sử đã gỡ điểm cho nhiều thí sinh, bởi vì chênh nhau 0,25 điểm cũng quyết định việc đỗ hay trượt. Thời điểm năm 2019 khi công bố môn thi thứ 4 là môn Lịch sử, nhiều phụ huynh đã hoang mang lo lắng, nhưng khi công bố kết quả, phổ điểm của môn Lịch sử đạt mức cao kỷ lục. Trong 84.908 thí sinh dự thi có tới gần 1/4 đạt điểm từ 8-9 điểm, 951 điểm 10. Như vậy, gần 90% số bài thi đạt trên trung bình và không có điểm 0. Như vậy môn Lịch sử không phải “gánh nặng” mà ngược lại.

Bỏ môn thi, thiệt thòi cho học sinh chăm chỉ

Trao đổi với PV về những tranh cãi của phụ huynh trong thời điểm này, TS. Vũ Thu Hương (chuyên gia giáo dục) phân tích: “Trên thực tế, các phụ huynh luôn nghĩ đến chuyện giảm áp lực cho con mình mà lại không muốn giảm theo cách, gia đình tự giảm, tự tạo không gian cho con thoải mái, mà chỉ muốn giảm chung để con mình có cơ hội “ngoi lên” trong bảng xếp hạng điểm số. Nếu họ muốn giảm áp lực cho con, chỉ cần giảm yêu cầu về điểm số áp đặt cho con, nhưng tâm lý một số phụ huynh lại thường thích con mình ở vị trí cao hơn, nên mong giảm môn thi. Đây là tâm lý rất kỳ quặc ở phụ huynh.

Việc giảm môn thi sẽ rất nguy hiểm, vô lý và có hại cho chính học sinh. Bởi lẽ, trẻ em ở Việt Nam hiện nay đã đang sống trong môi trường giáo dục “lệch”, các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ được học nhiều nhưng chủ yếu là bài tập, trong khi các môn học khác, các kỹ năng, các kiến thức khoa học thường thức thì lại chưa thực sự được chú trọng. Khi những đứa trẻ bước ra đời, sẽ thiếu hụt rất nhiều về cả kiến thức và kỹ năng trong cuộc sống. Từ đó, hình thành nên những tính cách không hay của trẻ. Vì vậy, phải hướng đến giáo dục toàn diện. Và đã như vậy, thì không nên bỏ bớt môn thi”.

“Bên cạnh đó, bây giờ đã là tháng Năm, học sinh đã có khoảng thời gian ôn tập mấy tháng qua, chưa kể, các con đã có thể tự ôn từ trước đó. Việc cắt giảm môn thi vào thời điểm này nếu nói là có lợi, thì chỉ có lợi cho những học sinh vốn dĩ không chịu ôn tập, không bao giờ chịu học Lịch sử. Nếu học sinh đã không chịu ôn tập thì tức là đã “học lệch”, còn với những học sinh đã học đã ôn tập thì thậm chí còn bị thiệt thòi. Vậy thì cần gì phải có động thái tạo điều kiện cho những học sinh ấy, chỉ vì nhóm học sinh lười học Lịch sử mà cắt bỏ môn thi?

Theo TS. Vũ Thu Hương, việc cắt giảm môn thi vào thời điểm này nếu nói là có lợi, thì chỉ có lợi cho những học sinh vốn dĩ không chịu ôn tập, không bao giờ chịu học Lịch sử.

Nếu lấy lý do là dịch Covid-19, khi học sinh phải tạm dừng đến trường, các con vẫn được học online, tự tìm hiểu kiến thức qua mạng xã hội và rất nhiều nguồn tài liệu khác. Thời gian bắt đầu nghỉ dịch cũng là lúc các con đã bước vào thười gian ôn thi không còn học kiến thức mới. Lúc này, càng đòi hỏi học sinh phải phát huy khả năng và ý thức tự học. Không thể nói, do dịch, các con không được đi học thêm nên sẽ thiệt thòi. Điều đó hoàn toàn sai! Vậy những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện học thêm ở ngoài thì sao? Đây là cơ hội tốt để thể hiện sự công bằng cho tất cả học sinh, học sinh không đi học thêm được thì càng phải thể hiện tinh thần và quyết tâm tự học.

Nếu đòi hỏi của phụ huynh là có lợi thì ngành giáo dục sẵn sàng đáp ứng, nhưng đòi hỏi có hại thì chúng ta phải “dập tắt” đi” - TS. Vũ Thu Hương nhấn mạnh.

Cẩm Mịch