Giáo dục

Đào tạo luật gắn với thực hành nghề nghiệp

Trường Đại học Ngoại thương hướng tới việc xây dựng đào tạo ngành luật giúp các em sinh viên học tập thông qua trải nghiệm thực tế.

Sáng nay (8/11), trường Đại học Ngoại thương tổ chức lễ ký kết bản ghi nhớ với các đối tác trong chương trình đào tạo V-Lex.

Mục tiêu chung của Chương trình Luật Kinh doanh quốc tế theo mô hình thực hành nghề nghiệp (V-Lex) là cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực pháp luật nói chung và pháp luật kinh doanh quốc tế nói riêng. Cụ thể, Chương trình Luật Kinh doanh quốc tế theo mô hình thực hành nghề nghiệp có mục tiêu đào tạo cử nhân luật chất lượng cao: Có kiến thức chuyên môn sâu về pháp luật kinh doanh quốc tế, và giải quyết tranh chấp kinh doanh quốc tế.

Sau khi hoàn thành khóa học, sinh viên sẽ có kỹ năng cơ bản trong thực hành nghề nghiệp và ứng dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh trong hoạt động kinh doanh quốc tế.

Sử dụng thành thạo tiếng Anh pháp lý trong các hoạt động nghề nghiệp, tư vấn và tham gia giải quyết tranh chấp kinh doanh quốc tế.

Ngoài ra, đảm nhận được những công việc đòi hỏi khả năng ứng biến với thay đổi trong môi trường kinh doanh quốc tế. Có năng lực phát hiện và giải quyết tốt các vấn đề về pháp luật kinh doanh quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp kinh doanh quốc tế.

Trường Ngoại thương ký bản ghi nhớ với các đối tác

Chương trình xác định đào tạo cả đạo đức nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm, sức khỏe tốt, có ý thức phục vụ cộng đồng, có năng lực khởi nghiệp và tạo việc làm cho mình, xã hội, có năng lực học tập suốt đời.

Sau khi kết thúc chương trình đào tạo V-LEX sinh viên sẽ có các kiến thức và thực tiễn pháp lý thuộc khối kiến thức cơ sở ngành luật. Phân tích được các vấn đề pháp lý (kiến thức và thực tiễn pháp lý) thuộc khối kiến thức ngành trong các lĩnh vực như dân sự, thương mại, hành chính, hình sự và tố tụng.

Đặc biệt, tổng hợp được các kiến thức và thực tiên pháp lý của khối kiến thức chuyên ngành pháp luật kinh doanh quốc tế về hợp đồng thương mại quốc tế và các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế.

PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương phát biểu trong buổi lễ ký kết: “Với triết lý giáo dục “hướng tới khai phóng, gắn với thực tiễn, nuôi dưỡng tính trung thực, tinh thần trách nhiệm và năng lực sáng tạo”, chương trình đào tạo của trường hướng tới 3 đặc trưng: căn bản, mở và linh hoạt. Trong đó, căn bản để tạo dựng nền tảng cho khả năng học tập suốt đời; mở để tăng cơ hội học tập trong nhiều môi trường học tập trong nước và quốc tế; và linh hoạt để tăng cơ hội lựa chọn định hướng nghề nghiệp.

Trường chúng tôi đã xây dựng chương trình đào tạo chất lượng cao Luật kinh doanh Quốc tế theo mô hình thực hành nghề nghiệp (V-Lex).

Chương trình đã chính thức tuyển sinh khóa cử nhân đầu tiên cho năm học 2021-2022. Điểm nổi bật của chương trình này là chương trình thực hành nghề nghiệp và áp dụng mô hình V-Lex với ba đặc trưng: triển khai mô hình song giảng kết hợp giảng viên của nhà trường và việc thực hành thực tiễn; thăm quan thực tế tại các tổ chức thực hành nghề; tham gia các cuộc thi giả định tại Việt Nam và quốc tế.

Chúng tôi đã xác định, các tổ chức như trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, trung tâm Hòa giải thương mại quốc tế Việt Nam, câu lạc bộ luật sư Long Biên, tiếng Anh pháp lý sẽ là bốn trụ cột cho chương trình học V-Lex”.

PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương

Về phía đối tác tham gia, ông Vũ Ánh Dương, Phó chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi đánh giá cao ý tưởng của trường đại học Ngoại thương trong việc triển khai chương trình đào tạo chất lượng cao của ngành luật, cũng như việc ký kết hợp tác với các tổ chức hành nghề thực tiễn để phục vụ cho chương trình.

Đây là minh chứng cho mục tiêu đào tạo lý thuyết gắn liền với thực tiễn. Điều này tạo cơ hội thúc đẩy phát triển tư duy của sinh viên, giúp các em có được hệ thống kiến thức và kỹ năng cần thiết. Ngoài ra, việc này còn có ý nghĩa nâng cao tinh thần học tập, khơi gợi cảm hứng, lòng yêu nghề. Giúp sinh viên hình dung và định hướng được nghề nghiệp của mình”.

LS.Lê Hưng Quang, Chủ tịch Trung tâm Hòa giải thương mại quốc tế Việt Nam bày tỏ: “Trong suốt quá trình hợp tác trước đây, chúng tôi đánh giá rất cao chất lượng đào tạo của trường Đại học Ngoại thương. Tôi mong thông qua bản ký kết ngày hôm nay sẽ đóng góp được phần nào trong việc hỗ trợ vào hoạt động của nhà trường”.

Chương trình đào tạo được hi vọng sẽ mở ra phương thức đào tạo mới cho các bạn sinh viên hiện nay.