Ngôi sao

Đạo diễn “Thành phố ngủ gật”: "Tôi cũng có đại gia đấy chứ"

Nhiều người gọi đạo diễn Lương Đình Dũng là “dị nhân” bởi anh có cách làm phim hơi “khác người”: Chưa bao giờ mời diễn viên nổi tiếng tham gia phim của mình và làm phim ít khi để ý đến... doanh thu. Mới đây, đạo diễn này đã có những chia sẻ thẳng thắn với PV báo Người Đưa Tin về hành trình theo đuổi nghiệp làm phim, và những tâm tư trong nghề.

Tôi cũng có đại gia đấy!

Chào đạo diễn Lương Đình Dũng! Anh vừa hoàn thành dự án điện ảnh “Thành phố ngủ gật” - một tên phim đầy tính ẩn dụ. Bộ phim này có gì đặc biệt không, thưa anh?

Ngay cái tên phim “Thành phố ngủ gật” cũng đặc biệt rồi ấy chứ. Trong phim, thành phố được thể hiện như một nhân vật. Nó cho thấy một trạng thái thú vị của cả câu chuyện tôi muốn kể. Nội dung phim sẽ “nhảy ra ngoài” những suy nghĩ của ai đó khi nghĩ đến bộ phim, khác biệt từ cách kể chuyện, màu sắc và xây dựng tính cách nhân vật đến việc chọn diễn viên. Phim này tôi vẫn sử dụng nhiều diễn viên không chuyên.

Quá trình thực hiện phim khó khăn chồng chất. Chúng tôi phải quay trong bối cảnh một khu nhà đang thi công, lúc nào cũng ở tình trạng máy khoan cắt kêu ầm ầm, bị hối thúc tiến độ. Đoàn phim vài chục con người nhồi nhét trong căn phòng rộng chừng 20-30m2, nhiều lúc thấy ngộp thở vì thiếu oxy. Đó là hơn 20 ngày vật lộn để có được những khung hình ưng ý nhất.

Đạo diễn Lương Đình Dũng được xem là "dị nhân" của làng điện ảnh Việt.

Anh từng chia sẻ, phim này kinh phí sản xuất gần 2 tỷ đồng và mục đích chính để đi thi?

Mục tiêu đầu tiên của tôi là đi thi, như thế phim mới có cơ hội vươn ra quốc tế, và tham dự liên hoan phim cũng là cơ hội để quảng bá thể loại phim như thế này. Sau đó, về nước mới phát hành được.

Đã làm phim thì mục tiêu là khán giả. Tuy nhiên, mỗi phim sẽ có những con đường tiếp cận khán giả khác nhau. “Thành phố ngủ gật” là một dự án phim độc lập, kinh phí thấp, tuy nhiên không vì thế mà tôi dễ dãi. Tôi đã mất nhiều tháng để tìm đúng nhân vật đúng với hình dung của mình nhất. Tôi thích diễn viên không chuyên cho bộ phim nhiều hơn. Đôi khi, chỉ vì tôi thích tìm kiếm sự mới mẻ nào đó, tránh sự nhàm chán cho chính bản thân mình thôi.

Thật ra, diễn viên đóng vai chính của bộ phim này ban đầu tôi không chọn, bởi tôi cảm giác bạn này thiếu kiên nhẫn khi làm việc. Nhưng, tôi bị thuyết phục bởi bạn đó vẫn theo đuổi dự án và kiên trì gửi cho tôi các video bạn ấy diễn xuất. Sự kiên nhẫn và chịu khó của bạn đó đã thuyết phục tôi. Tôi đã gửi cho bạn đó những bài tập đặc biệt, và gần 6 tháng sau đó chúng tôi mới chính thức khởi quay. Tất cả diễn viên trong phim này, tôi đều hài lòng vì diễn xuất của họ.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện “Thành phố ngủ gật” dường như khá lặng lẽ, đối lập hẳn với sự ồn ào của “578” với các chiến dịch thử vai rầm rộ?

Mỗi phim có tính chất khác nhau! “Thành phố ngủ gật” là dự án cá nhân nhiều hơn, nên tôi chủ động, linh hoạt trong nhiều chuyện. Còn “578” là dự án lớn, sử dụng đội ngũ lớn, diễn viên lên đến hàng nghìn người, liên quan đến nhiều thành viên và cộng đồng, nên phần tác động tự nhiên, truyền tai nhau của nó cũng tạo nên một sự rầm rộ nào đó rồi.

Những cảnh quay trong phim "Thành phố ngủ gật".

Đạo diễn Lương Đình Dũng từng gây “sốt” với một số dự án phim đầu tư với kinh phí “khủng” 18 tỷ hay 60 tỷ. Hình như anh có đại gia đầu tư cho phim của mình?

(Cười) Tôi phải thú nhận một điều là mình cũng có đại gia đấy chứ. Sự thật có nhiều nhà đầu tư tin tưởng và sẵn lòng đầu tư. Tuy nhiên, để họ tin thì ngoài lời nói, mối quan hệ, thì mình phải có phim đáng tin. Họ nhìn phim, nhìn cách làm mới tin đạo diễn.

Nếu nhà đầu tư nhìn thấy 3 thứ ở mình: Thứ nhất, họ xem phim của mình, và bộ phim là chứng thực duy nhất về năng lực; Thứ hai là cách làm việc nghiêm túc, và họ phải cảm nhận được mình lao động nghệ thuật vì phim; Thứ ba là phim phải có mục tiêu cực kỳ rõ ràng, mình phải thuyết phục được rằng phim vừa có yếu tố nghệ thuật và vừa có khả năng thành công ở rạp, thì người ta mới tin tưởng mà đầu tư vào phim của mình.

Scandal sẽ không bao giờ có trong từ điển của tôi

Nhưng anh có buồn không khi bị cho là ảo tưởng, tự tin thái quá vì trả lại bằng khen của giải Cánh Diều, rồi đi chinh chiến ở các LHP Quốc tế?

Nếu đạo diễn nào không tự tin thì không nên làm phim. Vì làm phim tốn tiền lắm. Khi trả lại bằng khen ở giải Cánh Diều 2016, lúc đó tôi chỉ nghĩ là không phù hợp thì gửi lại thôi. Tôi không cố gắng làm mọi thứ để khẳng định cái tôi cá nhân. Xét cho cùng, cũng chẳng để làm gì, bởi nó không phải nhu cầu và tính cách của tôi. Cái tôi muốn ở đây là những bộ phim tác động tích cực thế nào vào cuộc sống, trong thời đại “nền kinh tế hình ảnh” được các quốc gia coi trọng.

Điện ảnh là một phương tiện tác động mạnh mẽ nhất. Tôi muốn điện ảnh Việt Nam được khẳng định, các thế hệ sau này sẽ đỡ vất vả hơn. Đơn giản đó là một phần trách nhiệm của những người đi trước như tôi.

Nhiều nhà làm phim, nhất là phim điện ảnh, chiếu rạp, vì áp lực bán vé, họ sẵn sàng tạo scandal xung quanh bộ phim PR, gây chú ý. Quan điểm của anh thế nào?

Mỗi nhà làm phim sẽ có một cách làm riêng để tiếp cận khán giả. Làm phim cũng khó khăn lắm, cô đơn lắm. Nếu họ lỗ thì ai thương họ đâu. Làm phim thực chất là kinh doanh mạo hiểm. Họ làm bất cứ điều gì mà luật cho phép, thì mình cũng không thể phản đối đâu. Nhưng với tôi, scandal sẽ không bao giờ có trong từ điển của mình.

Lương Đình Dũng khẳng định, scandal sẽ không bao giờ có trong "từ điển" của anh.

Nhiều người vẫn cứ tò mò, Lương Đình Dũng có phải “tay chơi” trong làng điện ảnh hay không, khi các phim anh làm, ít khi thấy nhắc đến câu chuyện về áp lực doanh thu?

Quan điểm của tôi luôn là “phim phải đẻ ra phim”. Tuy nhiên, mọi áp lực hay sự vội vã đều có thể dẫn đến thất bại. Tôi có một hướng đi rõ ràng cho tương lai làm phim lâu dài của mình, bởi tôi không chỉ có khát vọng làm phim để phát hành ở Việt Nam, tôi muốn phim mình có mặt trên thị trường quốc tế. Tôi luôn muốn chuyên tâm làm phim mà không bị một rào cản nào cả.

Về kịch bản, anh đang chỉ làm những tác phẩm do chính mình từng viết thành sách. Có phải anh không có lựa chọn?

Thực tế, nếu mình viết được và làm luôn sẽ có những lợi thế, bởi mình hiểu từng chân tơ kẽ tóc điều mình muốn làm. Hơn nữa, mỗi cuốn sách tôi viết đều có chủ đích chuyển thể thành phim. Nhưng, việc này không đồng nghĩa với suy nghĩ trên thị trường không có kịch bản hay. Tôi không tin điều đó. Tôi tự hỏi, liệu chúng ta đã trả đủ tiền cho những kịch bản tốt?

Tôi tự nhận mình là một người tràn đầy năng lượng, bởi sau khi hoàn thành những dự án phim dang dở là tôi sẽ bắt đầu làm phim “Ma đói: Mật mã 45”. Ở dự án này, chúng tôi có kế hoạch thực hiện 3 phần, mục tiêu của Ma đói, Mật mã 45 vừa là phục vụ khán giả Việt Nam và thị trường nước ngoài, phần 1 dự kiến ra mắt trong năm 2020.

Xin cảm ơn những chia sẻ thẳng thắn của anh!