Tiêu dùng & Dư luận

Đào dán tem đầu tiên ở Sơn La “đổ bộ” Hà Nội với giá hơn 10 triệu

Những cành đào đầu tiên có tem truy xuất nguồn gốc đã có mặt ở Hà Nội và được các tiểu thương bày bán phục vụ nhu cầu chơi Tết Nguyên đán.

Video:

Nhiều ngày sau quyết định cấm chặt phá đào rừng để chơi Tết và yêu cầu tăng cường công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc cây đào do người dân trồng dịp tết Nguyên Đán Tân Sửu. Những cành đào giống đào rừng đầu tiên có dán tem đã xuất hiện tại Hà Nội.

Ghi nhận của phóng viên ngày 22/1, trên đường Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội) những cành đào có nguồn gốc từ huyện Vân Hồ (Sơn La).

Theo chủ nhân của những cành đào này cho biết, sau khi nhận thông báo về quy định mới, anh và hộ dân trồng đào đã thống nhất với nhau về số lượng mua khoảng 50 cây. Chính quyền địa phương đến nhà dân để xác nhận đây chính xác là đào của dân trồng sau đó cấp tem dán tương đương với số lượng cây.

Ngoài ra, anh còn được cấp một tờ giấy xác nhận với nội dung đào được mua tại xã Lóng Luông (Vân Hồ - Sơn La) để thuận lợi cho việc di chuyển, lưu thông.

Toàn bộ xe đào khoảng 50 cây đều của một hộ dân thuộc huyện Vân Hồ nên mẫu tem dán lên cành đào có nội dung: “Đào Vân Hồ”.

Hiện tại, có khoảng 20 gốc đào đang được bày bán trên đường Lạc Long Quân. Những gốc đào này đa số là đào phai, cao khoảng 2 – 3m, bán kính rộng từ 1,5 – 2m. Thân cây khúc khuỷu, có nhiều lớp địa y rêu xanh, chưa ra nhiều hoa và được người bán giới thiệu có tuổi thọ từ 5 – 15 năm tùy cây.

Những thân cây có kích cỡ lỡ lớn.

Tem được dán lên thân cành đào.

Cũng theo ghi nhận, những cành đào mang xuống Hà Nội chủ yếu là đào phai, trên thân xuất hiện những lớp địa y, rêu xanh... 

Một số cành đã lác đác điểm một vài bông hoa như báo hiệu mùa xuân đang về.

Năm nay, đào rừng vận chuyển xuống Hà Nội trải qua nhiều công đoạn kiểm dịch tuy nhiên đây không phải là yếu tố quyết định giá bán cao – thấp mà phụ thuộc vào độ hiếm của đào và nhu cầu của khách mua hàng. Số lượng đào rừng không còn nhiều do những gốc dân trồng cả chục năm cũng đang thu hoạch gần hết.

Đào rừng được giao bán với mức giá trung bình 10 triệu đồng/cây, thậm chí có cây “khủng” giá khoảng 27 triệu đồng/cây. Anh Sơn một người bán hàng ở đây cho biết giá đào rừng thường vẫn có giá cao hơn đào trồng do đấy hoàn toàn là giống đào tự nhiên, không cắt ghép cành, đến tết hoa bung nở và cho nhiều lá non đẹp mắt.

Sự xuất hiện của các cành đào dán tem truy xuất nguồn gốc gây chú ý của nhiều người dân Hà Nội.

Người dân kiểm tra tem được dán trên cành cây.

Trước đó, phát biểu tại hội nghị của ngành nông nghiệp chiều 24/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu cấm việc chặt hoa đào, các loại cây khác của núi rừng nhất là núi rừng Tây Bắc mang về Hà Nội bán dịp Tết để giữ gìn nét đẹp nông thôn, miền núi.

Ngày 18/1, Tổng cục Lâm Nghiệp đã tham mưu cho Bộ NN&PTNT ban hành văn bản số 356 chỉ đạo các tỉnh, thành phố trên toàn quốc về việc tăng cường công tác bảo vệ rừng và quản lý, truy xuất nguồn gốc cây đào do người dân trồng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.