Dân sinh

Đào đá khan hiếm, thương lái bỏ hàng chục triệu vẫn không có hàng mua

Để mua cây đào đá đẹp về chơi Tết, thương lái sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu một cành nhưng vẫn không có để mua.

 

Giáp Tết Nguyên đán, hàng trăm thương lái ở khắp mọi miền đổ xô lên huyện miền núi cao Kỳ Sơn “săn” đào đá. Nơi được xem là thủ phủ đào đá của vùng cao tỉnh Nghệ An.

Đào đá hay còn được gọi với cái tên khác như: đào Mông, đào phai... Giống đào đá được người dân ưa chuộng nhờ những cánh hoa lớn, nở trong thời gian lâu. Cũng vì vậy, đào đá được người Mông, Thái, Khơ Mú... ở huyện Kỳ Sơn là nơi phù hợp trồng bởi địa hình cao, không khí lạnh.

Sau khi cắt từ trên các nương rẫy, đào đá được các tay “săn đào” ở miền núi chở xuống các trung tâm xã, huyện dựng bán cho các thương lái ở đồng bằng. Cứ dịp tết về, người dân lại lập lán dã chiến ngày đêm mua bán đào ở các trung tâm huyện lỵ.

Giống đào đá có màu sắc đặc trưng nên vẫn là “hàng hiếm” cho người chơi đào ở thành phố. Có những cành đào được ngả giá hàng chục triệu đồng.

Vì những cành đào được trồng ở những khu vực núi cao, không được sự chăm sóc nên cành đào thường có nhiều rêu mốc độc lạ.

Tuy nhiên, năm nay thời tiết thất thường, sau khi lạnh thì trời chuyển nắng ấm dài ngày đã kích thích đào nở sớm. Trong khi đó, người dân địa phương không áp dụng phương pháp để kìm hãm nên đào nở theo quy luật tự nhiên. Vì vậy, rất khó tìm được cây đào ưng ý, nên gía cũng cao hơn năm ngoái.

Mỗi cành đào đá có giá khác nhau, cành đẹp vừa từ 500.000 – 1.000.000 đồng. Đặc biệt, những cành đào đá có tuổi đời trên 10 năm có giá dao động từ 5 - 7 triệu đồng. Những cành đào cổ thụ rêu mốc, có nhiều loại cây sống ký sinh được ưa thích nhưng giá cao trên 15-20 triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Bình, một trong những thương lái có kinh nghiệm lâu năm cho biết, có nhiều kiểu để đưa đào đá về miền xuôi bán, có thể mua cả lô trên nương rẫy, cũng có thể lên trung tâm huyện miền núi để tuyển chọn rồi chở về đồng bằng. Việc mua đào tuyển sẽ mất nhiều thời gian nhưng tính an toàn cao hơn.