Sự kiện

Danh tính thanh niên đánh CSGT bằng côn nhị khúc ở Hải Phòng

Khi lực lượng CSGT, Công an TP Hải Phòng ra tín hiệu dừng xe do vi phạm lỗi vượt đèn đỏ, nam thanh niên lập tức rút côn từ võng xe rồi tấn công CSGT.

Báo Người lao động đưa tin, chiều 20/1, Đội CSGT Số 2 thuộc Phòng CSGT đường Bộ, đường sắt - Công an TP Hải Phòng cho biết đơn vị vừa bàn giao Lê Hoàng Sơn (SN 1987, trú tại 37 Nguyễn Công Mỹ, phường Ngọc Sơn, quận Kiến An, TP Hải Phòng) cho Công an phường Hải Thành, quận Dương Kinh để điều tra, xử lý các hành vi vi phạm của đối tượng này.


Trước đó, một clip ghi lại hình ảnh một nam thanh niên dùng côn tấn công CSGT được đăng tải trên mạng xã hội.

Trong clip, nam thanh niên tay cầm côn liên tục đánh vào người một cán bộ cảnh sát giao thông. Thậm chí, khi 2 cảnh sát khác tới hỗ trợ, nam thanh niên này vẫn hung hăng dùng côn tấn công. Một lúc sau, lực lượng công an mới khống chế được nam thanh niên này.

Theo thông tin ban đầu, sáng 20/1, tại đường TL353 (đường Phạm Văn Đồng) tổ công tác thuộc Đội CSGT số 2, Công an TP Hải Phòng phát hiện Lê Hoàng Sơn điều khiển xe mô tô đi theo hướng Cầu Rào – Đồ Sơn vi phạm lỗi vượt đèn đỏ.

Khi tổ công tác ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra, Sơn đã bỏ chạy sang khu vực Our City, đoạn thuộc phường Hải Thành, quận Dương Kinh, Hải Phòng. Lúc này, một cán bộ CSGT đi tới làm việc thì bất ngờ Sơn lấy một cây côn nhị khúc từ võng xe rồi xông vào vụt liên tiếp vào người cảnh sát.

Theo báo Tiền phong, chứng kiến sự việc, một số cán bộ CSGT khác cùng người dân tới hỗ trợ khống chế Lê Anh Sơn.

Ngay sau đó, nam thanh niên này được áp giải về trụ sở công an phường Hải Thành. Tại đây, tổ công tác đã tiến hành đo nồng độ cồn cho kết quả là 0,054 mg/l khí thở.

Chống người thi hành công vụ bị xử lý thế nào?

Chống người thi hành công vụ, được hiểu là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật. Chống người thi hành công vụ tùy mức độ mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Tại Điều 22 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về mức phạt với các hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ hoặc đưa hối lộ người thi hành công vụ.

Theo đó, một số hành vi chống đối cảnh sát giao thông như: không chấp hành kiểm tra; có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cảnh sát giao thông… để chống lại việc thanh tra, kiểm tra có thể bị phạt đến 3 triệu đồng.

Ngoài ra, nếu thực hiện một trong các hành vi: dùng vũ lực; đe dọa dùng vũ lực; gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cảnh sát giao thông để chống lại việc thanh tra, kiểm tra thì có thể bị phạt đến 5 triệu đồng.

Nếu đủ yếu tố cấu thành tội "Chống người thi hành công vụ" thì người phạm tội sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 330 Bộ Luật Hình sự.

Cụ thể, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Có tổ chức; Phạm tội 2 lần trở lên; Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên; Tái phạm nguy hiểm.

Theo quy định trên, người chống đối cảnh sát giao thông có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Chống đối người thi hành công vụ" với mức phạt lên đến 7 năm tù.

Nặng hơn, nếu chống đối cảnh sát giao thông bằng cách cố ý dùng vũ lực và gây thương tích cho bị hại thì người thực hiện vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội "Cố ý gây thương tích".

H.H (tổng hợp)