Sự kiện

Danh tính đôi nam nữ tông gục CSGT trên QL32: Đủ căn cứ có thể xử lý về tội Giết người

Phạm Văn Quỳnh (SN 1998 xóm 8, xã Nga Tiến, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá) được xác định đã lái xe đâm bất tỉnh Trung uý CSGT đang làm nhiệm vụ trên QL32 (đoạn qua TX. Sơn Tây, Hà Nội), trường hợp đủ căn cứ đối tượng có thể xử lý về tội Giết người.

Chiều ngày 20/2, cơ quan chức năng đã xác định được danh tính đôi nam nữ phóng xe máy mang BKS: 36G1-297.70 vượt đèn đỏ, tông một Trung uý CSGT trên bất tỉnh QL32.

Nam thanh niên điều khiển xe máy được xác định là Phạm Văn Quỳnh (SN 1998, trú xã Nga Tiến, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá) chở một nữ ngồi sau là Phùng Thị Ngọc Ánh (SN 1997, trú xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội.

Hình ảnh khi đối tượng tông vào chiến sỹ CSGT. 

Trước đó vào khoảng 10h sáng cùng ngày 20/2, trong lúc các chiến sỹ CSGT đang làm nhiệm vụ trên QL32 đoạn gần vòng xuyến Sơn Tây, thị xã Sơn Tây thì Phạm Văn Quỳnh điều khiển xe máy chở theo Phùng Thị Ngọc Ánh không chấp hành chỉ huy của CSGT đã vượt đèn đỏ, chạy tốc độ cao rồi tông trúng một Trung úy CSGT đang làm nhiệm vụ.

Cú đâm mạnh khiến Trung úy CSGT bị thương, nằm bất động trên đường phần đầu chảy nhiều máu. Ngay sau đó người chiến sỹ này được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Còn Quỳnh và Ánh bị bắt giữa ngay sau đó.

Được biết, hiện chiến sỹ CSGT đã tỉnh táo tuy nhiên vẫn phải nằm viện điều trị. Vụ việc đang được cơ quan công an thụ lý giải quyết và xử lý theo qui định.

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV, Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sưu Chính pháp, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, trong trường hợp trên cơ quan công an sẽ tiến hành điều tra để xác định 2 trường hợp: Thứ nhất, đối tượng có quan sát thấy người CSGT đã ra tín hiện dừng xe hay không, có đủ khoảng cách để giảm tốc độ hay không...

Nếu đủ căn cứ xác định người này nhìn thấy chiến sỹ CSGT, có đủ khoảng cách, thời gian để giảm tốc độ xe, nhưng vẫn cố tình đâm về phía người CSGT mà bất chấp hậu quả chỉ để đạt mục đích thoát thân sẽ bị truy cứu về tội Giết người theo Điều 123, bộ Luật hình sự với mức phạt từ 12-20 năm, chung thân hoặc tử hình.

Trường hợp thứ 2, người này bị chiến sỹ CSGT bất ngờ đi ra để ra hiệu lệnh dừng xe nên không có đủ thời gian để quan sát, xử lý tình huống thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Luật sư Phan Kế Hiền, Giám đốc công ty Luật Bảo Tín (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, ngoài trách nhiệm hình sự có thể gặp phải, thì đối tượng đâm xe vào cảnh sát giao thông gây thương tích còn phải bồi thường về dân sự theo Bộ luật dân sự 2015.

Điều 590 Bộ luật dân sự 2015 quy định về việc bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm như sau:

1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại. 

d, Thiệt hại khác do luật quy định.